Cướp

Cướp
TP - Ngày 26-11 mới đây, cả New York - thành phố 8 triệu dân của Mỹ - bỗng “bàng hoàng” nhận ra rằng, trong suốt 24 tiếng hồ của ngày hôm đó, đã không xảy ra một vụ án mạng nào! Con số không tròn trĩnh về tội ác tại nơi được xếp hạng là một trong 10 thành phố “nguy hiểm nhất thế giới” quả thật đáng kinh ngạc.

> TPHCM mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm cướp giật
> Cướp giật không tha trẻ em

Ở ta, không chỉ riêng những đô thị lớn, mà hầu như khắp nơi đang xáo động ghê gớm với những vụ cướp giết ngày càng tàn bạo và ngang nhiên. Cướp giật, chặt chém trên đường phố, giữa ban ngày, ngay chốn đông người.

Nạn nhân giờ không chỉ là những chủ tiệm vàng lớn, nhà giàu có, mà cả người đi đường bình thường. Có sinh viên nghèo mất mạng chỉ vì đeo trên người cái laptop. Có người bị cướp mất con chó, chạy đuổi theo cũng bị bọn cướp chó rút súng hạ gục…

“Bần cùng sinh đạo tặc”. Chỉ những kẻ đói nghèo mới liều lĩnh đi trộm cướp, giật dọc ngoài đường. Điều đó không sai. Nhất là hiện tại, kinh tế đời sống đang cực kỳ khó khăn, ai nấy đều đói kém chật vật.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một thống kê xã hội học nào đáng thuyết phục về hiện tượng cướp trộm tỷ lệ ra sao với đói nghèo và những nguyên nhân khác.

Đi giết cướp để thoả mãn thú tiêu xài thác loạn, thoả mãn cơn nghiện hút thì không thể coi là do đói nghèo.

Giăng Van Giăng trộm ổ bánh mỳ để cứu cơn đói kiệt của mình, không giống như chàng sinh viên ngành Luật Raskolnikov ra tay cướp giết mụ chủ cho vay nặng lãi giàu sụ. Bởi chàng không tiêu một đồng nào từ mớ tài sản cướp được.

Hai nhân vật lừng danh của hai đại văn hào thế giới Victor Hugo và Dostoevsky, một người phạm tội vì cơn đói thực sự, còn người kia phạm tội bởi cơn căm uất với bất công xã hội. Khi xã hội luôn có không ít kẻ béo tốt sang trọng, chức quyền lại chính là những “kẻ cướp” với kiểu “cướp” không cần đổ máu.

Nơi này nơi kia có những kẻ trộm mấy con vịt để nhậu, hay cạy cửa ăn cắp mấy cái lư đồng bị kêu án hơn chục năm tù. Lại có nhiều vụ án kinh tế thiệt hại khủng khiếp, nhưng án thì nhẹ bỡn.

Báo cũng mới đăng ở nơi nọ có những ngôi mộ dành cho người chết trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong khi nhiều vùng nông thôn, miền núi người dân không có được mái nhà lành lặn, học sinh không có nổi manh áo ấm, bữa ăn no…

“Ngày không án mạng” hiếm hoi trong lịch sử New York dường như chỉ là sự ngẫu nhiên đặc biệt. Cũng như sự giàu nghèo, no đói, thiện ác luôn đi đôi với nhau trong mọi xã hội. Không thể đòi hỏi quân bình tài sản giữa người giàu kẻ nghèo.

Nhưng ai nấy đều phải công bằng trước pháp luật về cách kiếm tiền. Cách làm giàu của người giàu, cách thoát nghèo của người nghèo đều phải được pháp luật soi rọi, khuyến khích hoặc trừng phạt nghiêm minh.

Bất công về giàu nghèo, không đáng sợ bằng sự bất minh về đồng tiền kiếm được. Sự bất mãn, mất lòng tin dẫn đến coi thường luật pháp, sa lầy vào tội ác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG