Quý 2 luôn được xem như mùa “làm ăn” của thị trường vật liệu xây dựng bởi đây cũng chính là cao điểm của hoạt động xây lắp. Tuy nhiên, thị trường năm nay có vẻ “trùng” hơn mọi năm do các loại vật liệu tăng giá.
Nguyên nhân chính là do cước vận tải tăng đột biến vì chịu ảnh hưởng của quy định cân trọng tải xe. Hiện giá vật liệu xây dựng đã được các nhà sản xuất, kinh doanh điều chỉnh với mức giá tăng khoảng 8% hoặc thậm chí cao hơn nữa. Tuy nhiên, bước giá bị đội lên đều đang dồn lên vai khách hàng.
Cuối tháng 6 này sẽ xây lại căn nhà trên phố Minh Khai, Hà Nội, ông Dương Văn Hòa đã tìm hiểu thông tin về vật liệu xây dựng ngay từ đầu năm và thu thập báo giá các loại sản phẩm với ước tính chi phí cho công trình khoảng 7 triệu đồng/m2 xây dựng.
Mặc dù mức giá này cũng chỉ cho phép hoàn thiện ở mức bình thường nhưng ông Hòa cho biết gần đến ngày khởi công lại phải tính toán lại thêm lần nữa bởi giá vật liệu xây dựng đã tăng so với báo giá nhận được hồi đầu năm.
Theo tính toán, gia đình ông Hòa sẽ phải lo thêm chừng 200 triệu đồng cho căn nhà có tổng diện tích xây dựng khoảng 120m2 sàn.
Câu chuyện ở gia đình ông Hòa cũng chỉ là một trường hợp cụ thể về việc đối phó với biến động tăng của giá vật liệu xây dựng. Người dư dả thì cũng dễ chấp nhận chi phí phát sinh, nhưng nhiều nhà lại chọn cách hạ cấp độ hoàn thiện, hoặc thậm chí bớt tầng để chờ có tiền làm tiếp.
Ngay sau khi văn bản số 778/TCĐBVN-ATGT của Tổng Cục đường bộ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/4, việc kiểm tra tải trọng xe, phạt vượt tải để đảm bảo an toàn đường bộ được thực hiện đồng loạt. Thay vì chở một xe như trước đây, có chuyến hàng chở vật liệu đã phải san thành nhiều xe để đảm bảo không phạm luật. Đây cũng là lý do khiến chi phí vận tải vật liệu xây dựng lập tức tăng từ 30-50%.
Đơn vị lên tiếng đầu tiên chính là Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA) Từ trung tuần tháng 4 , Hiệp hội này đã lập tức tổ chức họp với các doanh nghiệp nhằm thống nhất việc đ iều chính giá đồng loạt từ nhà sản xuất đến các đại lý và nhà phân phối.
Theo ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch VIBCA, vận tải là loại chi phí đáng kể trong lưu thông gốm sứ xây dựng và được cấu thành trong giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng.
Nhiều năm qua, các phương tiện giao thông đường bộ đã hoán cải, gia cố, vận chuyển tăng gấp 2-3 lần tải trọng trên phương tiện đăng ký, nên chi phí vận tải cho mỗi mét vuông gạch ốp lát, sứ vệ sinh giảm xuống. Nhưng hiện nay, việc đáp ứng yêu cầu về tải trọng xe để đảm bảo an toàn đường bộ sẽ khiến chi phí vận tải cho mỗi mét vuông gạch ốp lát và sứ vệ sinh tăng khoảng 15-20% so với trước.
Từ ngày 20/4, nhóm gạch ốp lát-cotto và sứ vệ sinh là những mặt hàng đầu tiên công bố điều chỉnh giá bán. Hệ thống đại lý, cửa hàng tiêu thụ gạch ốp lát và sứ vệ sinh đã chủ động điều chỉnh giá bán cho phù hợp với chi phí tăng để đảm bảo duy trì lợi nhuận sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mức điều chỉnh cũng tùy thuộc vào từng doanh nghiệp và phản ứng của thị trường. Theo khảo sát thực tế tại thị trường Hà Nội, nhóm sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh tăng từ 15-25% tùy chủng loại. Cùng đó, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng khác như xi măng, sắt thép, cát sỏi đá... còn đồng loạt tăng theo.
Không chỉ các đại lý, cửa hàng vật liệu xây dựng chuyên kinh doanh gạch lát, sản phẩm gốm sứ tăng giá mà các đại lý, cửa hàng kinh doanh sắt thép, xi măng... cũng đồng thời điều chỉnh tăng giá bán từ 5-10% .
Với mức tăng của giá vật liệu xây dựng như hiện nay, các hộ xây dựng đơn lẻ thì nhìn thấy rõ chi phí phát sinh nhưng gánh nặng khó khăn sẽ tiếp tục đè nặng thêm lên các nhà thầu công trình xây dựng lớn, đặc biệt là với những hợp đồng sử dụng vốn ngân sách và không trong dạng được điều chỉnh giá do biến động.
Về phía các doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng việc tăng giá cước là bất khả kháng bởi mức giá vận chuyển cũ là do họ luôn phải chở vượt tải trọng từ 100-150%. Trên thực tế, cước vận tải tính theo chuyến, hàng xếp đầy xe thì khi chở quá tải doanh nghiệp thuê chuyên chở được lợi chứ không phải chủ xe. Phí đường bộ cùng có mức đóng cố định, chở bao nhiêu chuyến cũng vậy.
Hiện với quy định mới, hàng hóa vận chuyển đường bộ sẽ giảm. Đã là kinh doanh thì phải đảm bảo lợi nhuận và các nhà xe cũng thừa nhận nếu chạy đúng tải với mức giá cũ thì chỉ có cách đóng cửa bởi không đủ tiền cho nhiên liệu, lái xe, bộ máy vận hành...
Cũng bởi vậy mà nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang phải trả mức cước tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước khi áp dụng quy định cân xe kiểm tra tải trọng. Tuy nhiên, cho dù mức cước các doanh nghiệp vận tải đưa ra thế nào thì các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng vẫn phải chấp nhận bởi còn một khoản chi phí phát sinh nữa nếu hàng hóa bị ách tắc, đó chính là tiền kho bãi.
Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần CMC, đơn vị chuyên sản xuất gạch chia sẻ nằm ở một trong những địa bàn thực hiện thí điểm đầu tiên trên toàn quốc về cân xe tải trọng, CMC những ngày đầu tháng 4 luôn chịu cảnh hàng hóa ứ ngập trong kho, thậm chí phải thuê thêm kho bãi để chứa hàng vì bị ùn ứ. Nêu luân chuyển hết lượng hàng hóa này thì số xe vận tải phải tăng lên gấp 8 lần.
Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì quả thật doanh nghiệp sẽ rất khó khăn bởi trở tay không kịp vì thiếu phương tiện vận chuyển. Không phải doanh nghiệp vật liệu xây dựng nào cũng đầu tư đủ phương tiện để tự vận chuyển mà sẽ phải thuê thêm xe ngoài vì chi phí đầu tư cao. Cùng với tăng cước vận tải, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng có nguy cơ rơi vào thế bị động do việc nhu cầu tăng đột biến vì các nhà xe phải tăng san chuyến - ông Huy cho biết.
Bởi vậy, tiến độ cấp vật liệu xây dựng sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng. Với các công trình xây dựng trong nước thì giữa nhà cung cấp và chủ đầu tư, chủ thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng có thể đàm phán để du di thời hạn. Tuy nhiên, với các đơn hàng vật liệu xây dựng xuất khẩu thì yếu tố này ảnh hưởng rất lớn.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, một container 20 feet được chở hàng hóa có trọng lượng 20-22 tấn, container 40 feet chở 26-28 tấn . Nhưng theo quy định mới này thì sẽ chỉ cho phép container 20 feet chở đúng trọng tải hoặc thấp hơn vài tấn . Đây cũng chính là bất cập mà nhiều công ty xuất nhập khẩu phản ánh bởi theo họ quy định này không khớp với tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi đó, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lại lựa chọn phương án cùng các doanh nghiệp thành viên thống nhất để lên phương án tăng giá hợp lý, đồng thời lập lại bản đồ phân phối. Là loại hình vận tải nặng, Vicem sẽ tính toán để sử dụng loại hình vận tải hiệu quả nhất, chi phí thấp hơn như đường sắt, đường thủy nội địa, nhằm hạ giá thành vận tải và giá bán sản phẩm.