Trong cái nóng gay gắt của sa mạc Syria, hàng chục nàng dâu IS (lực lượng Nhà nước Hồi giáo) ngồi trong một trại giam bê tông chật hẹp cùng với con cái họ ở Ain Issaa, cách thành trì của IS ở Raqqa khoảng 50 km về phía bắc. Tin vào lời hứa hẹn về một cuộc sống mới với những người đàn ông mạnh mẽ, nhiệt tình, Saida và nhiều phụ nữ nước ngoài khác tới Raqqa, Syria. Thế nhưng, họ bị sốc khi biết IS thực sự như thế nào. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào nhiều thứ và nhất là giờ đây họ bị kẹt lại giữa thành trì đổ nát của IS hoặc nhốt mình trong các trại tị nạn.
Saida là người Pháp, vợ của một chiến binh IS đã chết. Cô kể, cô mơ ước được tới bờ biển Địa Trung Hải đẹp mê hồn và tắm nắng trong bộ bikini trên bãi biển. Cô là một trong số những người vợ của IS đã bỏ chạy khi lực lượng do Mỹ hậu thuẫn chiếm đóng thành trì của IS ở Raqqa. Nhiều người trong số họ nói rằng, họ đã trả tiền cho bọn buôn lậu để được chỉ đường chạy ra vùng ngoại ô của Raqqa, nơi họ bị lực lượng người Kurd bắt giữ và đưa tới trại tập trung. Saida chia sẻ: “Tôi yêu cuộc sống, tôi thích làm việc, tôi thích mặc quần jeans, tôi thích trang điểm, tôi yêu bố mẹ tôi. Điều duy nhất tôi muốn làm bây giờ là có chiếc xe hơi và đi du lịch”.
Cô ngồi cạnh đứa con trai 14 tháng tuổi với đầy vết côn trùng đốt. Saida kể, cô và chồng, chiến binh IS tên là Yassine, đã trả cho những kẻ buôn lậu 6.000 USD để họ chỉ đường chạy thoát ra khỏi Raqqa. Yassine đã chết trong hành trình chạy trốn, còn cô bị mắc kẹt trong trại tị nạn với con trai.
Một nàng dâu IS là phụ nữ Pháp khác nhớ lại hồi đầu khi mới đến Raqqa. Cô lập tức được đưa vào trong ký túc xá dành cho phụ nữ, được gọi là “madafa”. Tại đây, cô và những cô gái nước ngoài khác bị sốc bởi quy định nghiêm ngặt của ký túc xá và liên tục có các cuộc hẹn hò với các chiến binh IS để được lựa chọn làm vợ. Trước khi có cuộc hẹn gặp, các cô đều phải làm một bản khai lý lịch ngắn gọn. Đa số họ đều giảm số tuổi, thay đổi tên và tính cách để tìm được một người đàn ông ưng ý. Các cuộc hẹn hò chỉ diễn ra chóng vánh, chỉ khoảng 15-20 phút, sau đó các cô phải trả lời một số câu hỏi có hoặc không. Nếu cả hai đều đồng ý thì họ kết hôn.
Mong sớm được hồi hương
May là một cô giáo tiếng Anh đến từ Homs, Syria. Cô có vẻ là người may mắn khi đến Raqqa ban đầu không phải là để tìm chồng. Người chồng đầu tiên của cô đã chết bởi một tay súng bắn tỉa. Cô quyết định rời Raqqa để tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Raqqa, cô tình cờ gặp Bilal và hai người cưới nhau. May mô tả Bilal là một người đàn ông tốt, một người bình thường không muốn đánh nhau. May trông xanh xao, gầy gò sau khi người chồng bị cầm tù ở thị trấn biên giới Kobani. Cô đã viết tên viết tắt của mình cùng hình trái tim xung quanh lên tường nhà tù bằng sơn màu xanh. May thú nhận, cô không biết sẽ làm gì nếu không bao giờ nhìn thấy Bilal nữa. “Tôi muốn một ai đó giết tôi vì tôi không thể tự giết mình”, cô nói.
Đa số phụ nữ châu Âu tìm đến đây đều không may mắn và vỡ mộng sau khi lấy chiến binh IS. Có người kết hôn được 3-4 ngày hoặc một tháng đã li dị. Có phụ nữ li dị tới lần thứ 6 mà vẫn chưa dừng lại khiến thẩm phán phải đe dọa áp dụng hình phạt đánh đòn hoặc bỏ tù nếu tiếp tục li hôn.
Ba chị em người Indonesia là Rahma, Fina và Noor đã phải trả một khoản tiền lớn để đi cùng gia đình từ Jakarta đến Raqqa. Thế nhưng, họ đã thất vọng sau khi gặp những chiến binh IS. Rahma kể: “Tất cả những gì họ muốn chỉ là phụ nữ, tình dục. Thật kinh tởm”.
Còn Fina kể, cô được biết, một chiến binh IS nếu kết hôn với góa phụ sẽ được thưởng 1.000 USD. Họ cầu hôn cô vào buổi sáng và muốn có câu trả lời ngay buổi tối. Cả ba chị em đều sốc nặng khi phải sống trong trại tị nạn dành cho phụ nữ. Nhiều phụ nữ Hồi giáo ở đây cũng rất khác biệt. Họ cay nghiệt, tán gẫu, chửi mắng, đánh đập lẫn nhau. Ba chị em Rahma, Fina và Noor đang cố gắng liên lạc với Đại sứ quán Indonesia tại Syria để được hồi hương.
Lãnh đạo IS vẫn còn sống?
Theo ông Lahur Talabany, một trong những lãnh đạo tình báo người Kurd tại Iraq, Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo của IS vẫn còn sống, dù trước đó có nhiều báo cáo, trong đó có thông tin tình báo của Mỹ, cho rằng, ông ta đã bị tiêu diệt ở Syria hồi tháng Sáu, Newsweek đưa tin. Ông Talabany khẳng định: “Baghdadi chắc chắn còn sống. Chúng tôi tin rằng, 99% ông ta vẫn còn sống. Baghdadi có thể ẩn náu ở phía nam thành phố Raqqa, thủ phủ của phiến quân IS, hiện bị một nhóm lực lượng người Kurd kiểm soát”.