Khoảng 210 người sống tại Jung Myeon, ngôi làng nằm cách biên giới Triều Tiên khoảng 3,2 km. Nó nằm ở rìa phía nam của khu phi quân sự (DMZ). Người dân sống trong làng không quan tâm tới khoảng cách và họ cũng không có lý do để tìm hiểu điều đó, CNN đưa tin.
Sự cô lập và tình trạng căng thẳng ở vùng biên giới “nóng nhất thế giới” tác động nhiều mặt tới cuộc sống của người dân, trong đó có bà Kim Shin Je.
“Tôi nghe thấy tiếng nổ mọi lúc, mọi nơi. Ngay cả khi xe tăng xuất hiện, tôi cũng không cảm thấy sợ hãi. Tôi đã quá quen với chúng”, Kim chia sẻ về cuộc sống ở làng Jung Myeon.
Bà Kim và chồng, ông Park Chum Se, kết hôn 40 năm trước. Ba người con của họ được sinh ra và lớn lên ở ngôi làng này. Họ đã quen với những đe dọa từ quốc gia láng giềng Triều Tiên. Trong vụ đấu pháo ngày 20/8, đạn súng phòng không cỡ nòng 14,5 mm của Bình Nhưỡng cày xuống khu đất trống gần làng lúc chiều.
Ông Park Yong Ho, lãnh đạo làng Jung Myeon, nghe thấy tiếng đạn pháo rơi gần làng. “Chúng tôi nghe thấy loạt đạn bắn trả của quân đội. Sau đó, lệnh sơ tán được áp dụng. Người ta yêu cầu toàn bộ dân cư di tản tới các hầm trú ẩn được xây dựng từ trước để tránh thương vong”.
Những người như cô Kim biết chính xác phải làm gì khi nhận lệnh sơ tán. Họ từng tập luyện rất nhiều cho tình huống này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên người dân ở làng Jung Myeon phải bỏ chạy vì đạn pháo.
Kim và chồng vội vã giúp người mẹ 95 tuổi rời nhà tới chỗ trú. Nó nằm sâu dưới đất, được nối lên trên nhờ cầu thang khoảng 20 bậc. Chính phủ Hàn Quốc xây dựng khu hầm từ năm 2011 vì làng Jung Myeon là nơi dễ hứng chịu hỏa lực nhất của pháo binh Triều Tiên. Những căn phòng này không có cửa sổ, có thể chứa 100 dân với hệ thống điều hòa nhiệt độ và thông gió. Chúng hoạt động nhờ hệ thống máy phát điện độc lập.
Nhà chức trách cũng bố trí sẵn lương thực và nước uống cho toàn bộ dân làng trong vài ngày. Hai nhà vệ sinh được thiết kế trong hầm để người dân không phải đi ngược lên mặt đất trong thời điểm nguy hiểm. Vô tuyến có thể giúp dân làng cập nhật tình hình thời sự. Dù tiện nghi, hệ thống hầm trú ẩn này không phải giải pháp lâu dài.
Trong cuộc khủng hoảng tháng 8, người dân ở làng Jung Myeon luôn ngồi sẵn ở cửa hầm. Họ theo dõi tin tức trên truyền hình, trong đó có cuộc gặp giữa phái đoàn cấp cao của hai miền ở Bàn Môn Điếm, ngôi làng bỏ hoang nằm trong DMZ. Khi hai bên đạt thỏa thuận, dân làng cảm thấy nhẹ nhõm vì lệnh sơ tán cũng sắp được thu hồi.
Suốt 5 ngày rời nhà đi lánh nạn, cụ bà 95 tuổi luôn trong tình trạng lo lắng. Cụ sợ côn trùng sẽ phá hoại hoa màu hay tệ hơn là đạn pháo sẽ cày nát chúng. Phần lớn người dân ở làng Jung Myeon sống dựa vào nông nghiệp nên mùa màng rất quan trọng với họ. Ngay sau khi lệnh sơ tán kết thúc, cả làng Jung Myeon vội vã đổ ra đồng phun thuốc trừ sâu.
Ngoài những căng thẳng từ phía Triều Tiên, làng Jung Myeon còn phải đối mặt với những vấn đề khác là sự suy giảm dân số. Trong vài thập kỷ qua, số dân trong làng ngày càng ít. Người trẻ tuổi rời làng tìm cuộc sống yên bình hơn nên hầu như không có trẻ con ở Jung Myeon.
Các cặp vợ chồng có tuổi vẫn sống ở làng. “Người dân Seoul hỏi tại sao tôi có thể sống ở đây. Theo tôi, nếu phía Triều Tiên thực sự muốn tấn công, Seoul sẽ là mục tiêu chứ không phải ở đây. Nếu Bình Nhưỡng muốn chiến tranh, tất cả chúng ta đều có thể bỏ mạng”, Kim chia sẻ.