“Méo mặt” vì mất nước
Suốt một tuần qua, hàng trăm hộ dân trong ngõ 219/97 Định Công Thượng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sống trong cảnh trực chờ nước sạch. Do lượng nước có hạn, nhiều hộ phải mua nước bình để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu.
Trực chờ mỗi tối sau giờ làm việc, anh Trần Văn Tùng (37 tuổi, quê Thanh Hóa) cho hay, xóm anh thuê trọ mất nước hơn một tuần nay. Nắng nóng đỉnh điểm, hết giờ làm việc ngoài công trường, anh em công nhân đều muốn về tắm gội giải nhiệt tuy nhiên nước không có khiến mọi sinh hoạt đảo lộn.
Những ngày đầu, anh và hai bạn cùng phòng thay nhau về sớm trực xách nước bằng mọi vật dụng có thể như can, thùng, xô, chậu... Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, toàn khu phố mất trắng không có nước để chờ khiến mọi người chỉ còn cách tắm giặt tại công trường. Còn nước nấu ăn phải mua bình (loại 20 lít).
“Dù không được sạch như ở phòng trọ nhưng không còn cách nào khác, mọi người tranh thủ giải nhiệt để về ăn cơm sau đó ra công viên, hồ hóng gió tránh nóng”, anh Tùng than thở.
Anh Tùng cũng cho hay, cuộc sống của hầu hết những người thuê trọ tại khu vực trên đều gặp khó khăn do mất nước sinh hoạt và mỗi tháng vẫn phải đóng tiền nước cho chủ nhà 50.000 đồng/người, trong khi đó nước sinh hoạt vẫn cứ mất, tiền nhà vẫn phải trả đủ.
Còn chị Trần Thị Mười (43 tuổi, trú cùng ngõ 219/97 Định Công Thượng) ngán ngẩm, suốt tuần nay sáng nào chị cũng dậy từ 5h xếp hàng hứng nước sạch trước khi nấu bữa sáng cho chồng và con. Nhiều ngày đến chậm vài phút, chị phải đi xin nước giếng khoan để lắng cạn rồi mới dám dùng.
“Nhiều lúc khan hiếm, cả xóm chị phải dùng nước giếng khoan mùi hôi tanh, có vẩn đúc để nấu nướng, tắm giặt khiến chị và nhiều người lo lắng, mong ngóng nước sạch”, chị Mười nói.
Vòi nước cạn trơ không có một giọt
Nhu cầu nước sạch tăng cao
Không chỉ những người thuê trọ ảnh hưởng bởi việc mất nước sinh hoạt, mà ngay cả những hộ gia đình sống tại khu vực trên cũng chung cảnh ngộ do đã lấp giếng khoan hay bỏ bể tích trữ nước.
Chị Trần Thanh Huyền, ngõ 219/97/5 Định Công Thượng cho biết, mỗi khi mất nước sạch, cả gia đình chị phải di tản xuống nhà người thân ở phường kế bên tắm rửa, giặt giũ.
Tuy nhiên, do công việc của cả hai vợ chồng bận rộn, một tuần gia đình chị chỉ thu xếp được 2 buổi sang nhà người thân tắm rửa, giặt giũ. Còn lúc ở nhà, mọi người đều phải tiết kiệm hết mức có thể. Thậm chí, nước rửa rau, vo gạo cũng dùng để xả nhà vệ sinh…
Dẫn phóng viên phóng viên tới từng vòi nước sinh hoạt các hộ dân trong tổ dân phố, tuy nhiên tất cả đều cạn khô. Người phụ trung niên cho hay, nhiều người đã phản ánh đến đơn vị cung cấp nước tuy nhiên mọi việc chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, khắc phục.
“Sau khi phản ánh, họ đã 2 lần mang máy bơm công suất lớn hút nước ở trục chính đường ống nước dẫn vào khu vực này nhưng cũng chỉ phục vụ được vài chục hộ”, chị Huyền nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Viwaco – đơn vị cung cấp nước khu vực quận Hoàng Mai cho biết, do nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng tăng khoảng 8% (từ 170.000 m3/ngày/đêm lên gần 188.000 m3/ngày/đêm). Việc này dẫn đến một số nơi xa nguồn nước như khu vực Định Công Thượng sẽ rất thiếu nước.
“Chúng tôi đã kiểm tra và tiến hành dồn nước, điều chỉnh van nguồn tại các khu vực đang bị thiếu nước đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân một cách tốt nhất”, ông Việt nói.