Cuộc so kè giữa F-22 và Su-35S

Chim ăn thịt F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: USAF
Chim ăn thịt F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: USAF
Su-35S của Nga vượt trội hơn so với F-22 Mỹ về khả năng cơ động, nhưng lại thua kém về tính năng tàng hình và tiêu diệt mục tiêu từ xa.

Hồi tháng hai, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tiêm kích đa nhiệm Su-35S hiện đại của không quân nước này đã bắt đầu tham gia tác chiến ở chiến trường Syria, theo TASS.

Tiêm kích Su-35S là loại chiến đấu cơ đa nhiệm siêu nhanh thế hệ 4++, được tích hợp các công nghệ chiến đấu cơ thế hệ 5, khiến nó ưu việt hơn so với chiến đấu cơ khác cùng loại.

Ngoài sở hữu công nghệ chiến đấu cơ thế hệ 5, ngay từ đầu Su-35S đã được thiết kế ở dạng kỹ thuật số, gồm các thành phần được chế tạo sẵn phục vụ cho các tiêm kích trong tương lai. Do đó, Su-35S có khả năng hoạt động tương đương với các tiêm kích thế hệ 5 trên mọi tính năng trừ công nghệ tàng hình ngay khi nó được sản xuất đại trà.

Với việc lần đầu tham chiến ở Syria, Su-35S có kinh nghiệm trận mạc khá khiêm tốn so với tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor, loại vũ khí được coi là "bảo vật" của Mỹ.

Theo chuyên gia quân sự Alex Lockie của BussinessInsider, dù hai chiếc tiêm kích hàng đầu này có những tính năng khác biệt, nhưng trong trường hợp chúng đối đầu trên một chiến trường, có thể dự đoán được kết quả trận đánh thông qua các thông số kỹ thuật của chúng.

Về độ cơ động, Su-35 được phát triển dựa trên nền tảng tiêm kích Su-27 nên nó cũng kế thừa khả năng cơ động siêu linh hoạt của dòng chiến đấu cơ này. Các phi công Nga đã quen với tính năng lực đẩy véc tơ của các dòng máy bay phản lực Sukhoi trước đó, và dễ dàng thực hiện những động tác nhào lộn không tưởng.

Cuộc so kè giữa F-22 và Su-35S ảnh 1

Su-35S có thể thực hiện các động tác nhào lộn gần như thẳng đứng. Ảnh: Sputnik

Trong khi đó, F-22 có tỷ lệ lực đẩy/khối lượng lớn và ống phụt chủ động trên các động cơ phản lực giúp nó tự kiểm soát lực đẩy véc tơ nhưng ở cấu hình thấp để đảm bảo khả năng tàng hình. Bởi vậy, phi công F-22 không thể thực hiện được những động tác chuyển hướng gấp hay nhào lộn ở các góc hẹp như Su-35S.

Nhiều khả năng, Su-35 có khả năng cơ động tốt hơn F-22 trong hình thức không chiến cổ điển, Lockie nhận định.

Về tác chiến điện tử, chuyên gia Sergey Ptichkin của Interfax cho hay hệ thống kiểm soát radar Irbis tích hợp trên Su-35S có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 402 km, cùng khả năng theo dõi 30 mục tiêu và tấn công 8 mục tiêu cùng lúc.

Ngoài ra, hệ thống Irbis có thể chủ động phát hiện và theo dõi 4 mục tiêu trên mặt đất cùng lúc. Tiêm kích Su-35S cũng được lắp đặt một hệ thống định vị tự động có thể xác định vị trí chính xác và thông số chuyển động không cần dẫn đường bằng vệ tinh hay liên lạc với các trạm không lưu trên mặt đất. Điều này có nghĩa là một khi hệ thống dẫn dường vệ tinh GPS hoặc GLONASS bị ngắt, Su-35S vẫn không bị "mù đường".

Còn hệ thống radar trên tiêm kích F-22 yếu hơn, khi khoảng cách phát hiện mục tiêu tối đa của nó chỉ là 297,7 km, Ptichkin nhận định. Đây là điều mà ngay cả các quan chức và chuyên gia phân tích quốc phòng Mỹ cũng phải thừa nhận.

"Ngay cả các tiêm kích F-15C hoặc F/A-18E/F trang bị hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với Su-35S", một quan chức quân đội Mỹ nhiều kinh nghiệm về tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đánh giá.

"Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa tìm ra phương pháp thích hợp để đối phó với tấn công điện tử (EA) trong nhiều năm. Vì thế khi chúng tôi đang tàng hình, chúng tôi sẽ phải rất vất vả để ứng phó với Su-35S bằng tên lửa", một quan chức không quân Mỹ nhiều kinh nghiệm về F-22 nói.

Về vũ khí trang bị, cả hai chiến đấu cơ đều sở hữu các tên lửa hiện đại đủ khả năng bắn hạ lẫn nhau trong không chiến. Tuy nhiên, Su-35 có thể mang 12 quả tên lửa trong khi F-22 chỉ mang được 8.

Dù vậy, Justin Bronk từ Viện Quân đội Thống nhất Hoàng gia Anh lưu ý, Su-35 thường khai hỏa một loạt 6 tên lửa với các đầu dò hỗn hợp, có nghĩa là với 12 tên lửa nó chỉ khai hỏa được hai lần. Trong khi đó, F-22 có thể tấn công từ khoảng cách xa nhờ lợi thế tàng hình và sử dụng tên lửa tiết kiệm hơn.

Cuộc so kè giữa F-22 và Su-35S ảnh 2

Các tên lửa của Su-35S có tầm bắn xa hơn, nhưng chỉ khai hỏa được theo hai loạt. Đồ họa: Siasat

Về công nghệ tàng hình, F-22 tỏ ra vượt trội Su-35 khi tiết diện radar của nó chỉ bằng kích thước một viên bi trong khi tiết diện radar của Su-35 khá lớn, từ một đến ba mét vuông, gần bằng kích thước một cái bàn ăn cỡ lớn.

Từ những khác biệt về tính năng kỹ chiến thuật này, các chuyên gia quân sự cho rằng Su-35 sẽ có nhiều lợi thế trước F-22 trong các cuộc không chiến tầm gần, nhờ khả năng cơ động cao, mang theo nhiều tên lửa hơn, bay xa hơn và giá rẻ hơn đáng kể.

Tuy nhiên, F-22 không phải là loại máy bay được thiết kế cho kiểu không chiến tầm gần truyền thống. Trước khi Su-35S có thể đến đủ gần để phát hiện và tấn công F-22, chiếc tiêm kích tàng hình này đã có thể phóng tên lửa dẫn đường và đánh bại đối thủ từ ngoài tầm quan sát của mắt thường.

Ở khoảng cách xa như vậy, Su-35S có rất ít cơ hội chống lại F-22 bởi nó sở hữu công nghệ tàng hình vượt trội. Ở ngoài tầm quan sát của mắt thường, khả năng cơ động của máy bay cũng không còn là ưu thế, bởi phi công F-22 có thể phát hiện và khóa mục tiêu bằng radar rồi khai hỏa, khiến đối phương không kịp biết mình đang đối mặt với cái gì, Lockie nhận định.

Nhìn chung, Su-35S là một tiêm kích rất uy lực, và có lẽ là chiến đấu cơ tốt nhất mà Nga từng phát triển. Tuy nhiên, chiếc tiêm kích này thua kém F-22 Raptor ở hai yếu tố then chốt là công nghệ tàng hình và hệ thống cảm biến quang phổ rộng, những thứ quyết định thắng lợi trong chiến tranh công nghệ cao ngày nay, một quan chức quân đội Mỹ lâu năm đánh giá.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG