Thần đồng học trong sách vở là chưa đủ
Gặp GS Văn Như Cương tại ngôi trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khi thầy đang trong giai đoạn xạ trị. Vẫn lên trường, đảm nhiệm các công việc của một người hiệu trưởng, GS coi công việc là tình yêu, là niềm vui hằng ngày. Ngay cả trong khi thể trạng sụt giảm, chỉ ăn được cháo và nặng dưới 50 kg, GS vẫn quan tâm đặc biệt đến các vấn đề giáo dục nổi cộm.
GS Văn Như Cương kể lại cuộc gặp gỡ cùng Phan Đăng Nhật Minh - cậu bé đăng quang cuộc thi Chinh phục. Theo lời mời của thầy Văn Như Cương, Nhật Minh ra Hà Nội và được trải nghiệm một ngày học tập tại trường THCS Lương Thế Vinh.
Cuộc gặp gỡ của GS Văn Như Cương và Nhật Minh.
Tuy nhiên, ngay trong đêm trước buổi gặp, do đang điều trị bệnh nên thầy Văn Như Cương đột ngột nhập viện. Nhật Minh không có cơ hội được gặp thầy tại trường.
Ngay buổi chiều hôm đó, GS Văn Như Cương nhắn nhủ với mọi người với mong muốn gặp cậu bé này. Buổi gặp gỡ trong bệnh viện đã diễn ra đầy xúc động khi người thầy gần 80 tuổi tâm sự những điều gan ruột về định hướng học tập, tương lai với Nhật Minh cùng gia đình.
Dõi theo những bước đi của Nhật Minh từ những ngày đầu tiên, cậu học trò này đã để lại ấn tượng mạnh trong GS. Thầy Văn Như Cương nhận xét, Nhật Minh là cậu bé đặc biệt. Trong cuộc thi, em là thí sinh khiến nhiều người nể phục từ vòng casting cho đến trận chung kết khi thể hiện kiến thức đa dạng ở mọi lĩnh vực.
Nhưng ít ai biết được rằng thần đồng 18 tháng tuổi đã biết đọc sách, tính toán này lại là chàng trai rất rụt rè trong giao tiếp, từng bị bắt nạt khi ở trường học, hầu như không chia sẻ cùng bố mẹ những chuyện ở lớp. Sau cuộc thi, Nhật Minh đã hoàn toàn thay đổi, vui vẻ, hòa đồng và cười nhiều hơn.
Từ cá nhân Nhật Minh, GS Văn Như Cương nhấn mạnh, thần đồng không chỉ học tốt mà cần rèn luyện kỹ năng mềm.
GS chia sẻ: “Thần đồng không có nghĩa là sẽ thành công và thành đạt, chỉ tập trung vào việc học hỏi kiến thức qua sách vở là chưa đủ. Để phát triển toàn diện, dù là ai cũng nên dành nhiều thời gian giúp đỡ gia đình, tham gia các hoạt động xã hội và trau dồi các kỹ năng mềm cho bản thân”.
“Lao động thực tế sẽ làm cho con người năng động hơn, có lao động thì mới sáng tạo được”.
GS Văn Như Cương - Ban cố vấn chương trình Chinh phục với tiêu chí Vì tầm vóc Việt.
Có cần môi trường giáo dục riêng biệt?
GS Văn Như Cương chia sẻ: “Thần đồng không phải là khi đã phát hiện ra sẽ tồn tại mãi mãi. Có những em ngày còn nhỏ, có khả năng đặc biệt ở một lĩnh vực vượt trội nào đó như Toán học, Văn học, Nghệ thuật… Những khả năng này có thể mất đi sau khi lớn khôn, đó là do tự nhiên chứ không phải do các em kém cỏi. Vì vậy, nên để các em phát triển bình thường. Nhật Minh đang trong thời gian trưởng thành, vẫn có được những tốt chất đặc biệt của mình là rất tốt”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nên có môi trường giáo dục đặc biệt cho những em có tố chất thần đồng. GS Văn Như Cương bày tỏ: “Điều này cần cẩn trọng nếu thực hiện. Trước khi tạo một môi trường giáo dục riêng cần có quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc đối với sự phát triển từng cá nhân, sau đó mới áp dụng chương trình đào tạo sao cho phù hợp”.
Nhật Minh bất ngờ khi đuộc tổ chức sinh nhật tại ngôi trường THPT Lương Thế Vinh.
Trong khi phần lớn giáo viên và những người làm giáo dục khác muốn định hướng về môn học, sở trường rõ ràng cho Nhật Minh thì GS Văn Như Cương chia sẻ: “Hiện tại, em chưa cần thiết phải xác định định hướng chuyên về Toán hay bất kỳ một ngành học nào. Em chỉ cần học đều các môn cho đến hết cấp 3. Dù Nhật Minh đang giỏi toàn diện nhưng đây mới chỉ về kiến thức, em cần dành nhiều thời gian cho cuộc sống gia đình, bạn bè. Từ đó, tôi tin rằng chính bản thân Minh sẽ tự xác định được tương lai”.
GS Văn Như Cương cũng khuyên cậu học trò nhỏ: “Lên cấp 3, Nhật Minh không cần thiết phải ra các thành phố lớn để học như Hà Nội hay TP.HCM. Em nên chọn ngôi trường gần nhà để dành thời gian ở bên bố mẹ. Đối với việc học tập, năng lực tự học và nghiên cứu chuyên sâu mới là yếu tố quyết định đến tính hiệu quả”.
Thời gian tới, trước ngưỡng cửa cấp 3, Phan Đăng Nhật Minh và gia đình cũng định hướng sẽ thi vào trường Quốc học Huế (cách nhà hơn 50km) - vừa là môi trường giáo dục tốt, vừa không quá xa gia đình.
Qua những giây phút hiếm hoi trong bệnh viện, Phan Đăng Nhật Minh cảm thấy may mắn vì được gặp gỡ người thầy em kính trọng. Nhật Minh chia sẻ, sau cuộc gặp gỡ này, ước mơ trở thành nhà nghiên cứu Toán học của em có thêm động lực để thực hiện.