Điều đáng nói là trong lịch sử quan hệ ngoại giao, Nga-Mỹ từng không ít lần đụng độ trong vấn đề gián điệp, song lần này, câu chuyện đang có nguy cơ đi theo hướng tiêu cực khi lãnh đạo hai nước không có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề.
Nhiều tờ báo Mỹ và phương Tây số ra ngày 28/1 đã gọi sự kiện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phá vỡ một “mạng lưới điệp viên của Nga” là “ngòi nổ cho cuộc chiến tranh lạnh mới”.
Nói thế là bởi trước khi xảy ra vụ việc này, quan hệ Nga-Mỹ đã không còn “nồng ấm” vì vấn đề Ukraine.
Các đòn trừng phạt liên tiếp mà Mỹ đưa ra cùng cách trả đũa của Nga cho thấy, hai cường quốc này chưa hề nghĩ đến đường lui trong cuộc đối đầu này.
Trên thực tế, trong lịch sử quan hệ Nga - Mỹ, vụ bê bối gián điệp này không phải là mới, nhất là trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhưng đây là vụ việc mới nhất sau vụ Mỹ bắt giữ và trục xuất nữ điệp viên Anna Chapman năm 2010.
Khi đó, Moskva và Washington đã đạt được thỏa thuận ổn thỏa nhưng lần này, giới phân tích nghi ngờ khả năng hai bên sẽ đối thoại với nhau.
Theo tin từ tờ New York Post cho biết, vụ bắt giữ gián điệp người Nga Evgeny Buryakov (39 tuổi) diễn ra hôm 26/1 (theo giờ Mỹ) tại Bronx, New York.
Vài tiếng sau khi bị bắt giữ, Evgeny Buryakov đã bị thẩm phán Sarah Netburn truy tố tại Tòa án Liên bang Manhattan. Tại đây, các công tố đã buộc tội ông và hai người Nga khác là Igor Sporyshev và Viktor Podobnyy tham gia vào một kế hoạch thu thập thông tin tình báo.
Phiên tòa xét xử 3 điệp viên người Nga dự kiến diễn ra vào ngày 9/2 và những người này có thể phải đối mặt với án phạt lên tới 10 năm tù giam.
Trong khi đó, thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, Evgeny Buryakov là nhân viên chi nhánh ngân hàng Nga Vnesheconombank tại New York. Ông này đã sinh sống ở Mỹ gần chục năm và có quan hệ thân thiết với cộng đồng người Nga ở Mỹ.
Hai nhân vật còn lại là Igor Sporyshev, đại diện thương mại Nga tại Mỹ và Viktor Podobnyy, tùy viên phái đoàn ngoại giao Nga tại Liên hợp quốc. Hiện cả hai người này đều không có mặt tại Mỹ, nhưng phiên xử nhằm vào họ vẫn được tiến hành.
Cuộc điều tra mạng lưới tình báo Nga tại Mỹ được FBI tiến hành cách đây 5 năm. Một nhân viên FBI tham gia cuộc điều tra cho biết, ngoài 3 nhân vật nói trên, FBI còn đang thẩm tra, xác minh lý lịch và hành động của 8 người khác.
Nhưng hiện tại, FBI mới chỉ cáo buộc Evgeny Buryakov, Igor Sporyshev và Viktor Podobnyy đã hoạt động theo sự chỉ đạo của cơ quan tình báo Nga, tiến hành thu thập tin tức tình báo kinh tế nhạy cảm về khả năng Mỹ trừng phạt các ngân hàng của Nga trong vấn đề Ukraine, cũng như những nỗ lực của Mỹ phát triển các nguồn năng lượng thay thế.
Cho đến chiều 28/1, Nga vẫn bác bỏ mọi cáo buộc mà Mỹ đưa ra. Bộ Ngoại giao Nga còn yêu cầu nhà chức trách Mỹ phải mau chóng trả tự do cho Evgeny Buryakov.
Moskva lập luận rằng, Mỹ mới đưa ra các cáo buộc, không hề có một bằng chứng cụ thể nào về cái gọi là bê bối gián điệp.