Sự ra đi của những phần tử cực đoan Dagestan đã đem lại khoảng thời gian bình yên ngắn ngủi cho vùng đất này, với ít hơn các vụ đánh bom và bắn giết. Nay khi Nga bắt đầu không kích IS, những phần tử này tháo chạy về quê nhà. Về lâu dài, đây là mối lo lớn vì sự hiện diện của các phần tử Hồi giáo cực đoan có kinh nghiệm chiến trường tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn và bạo lực cho Dagestan nói riêng và rộng hơn là Liên bang Nga.
“Chúng tôi không thể cho phép chúng sử dụng kinh nghiệm đã có được tại Syria áp dụng trở lại Nga”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cứng rắn tuyên bố khi tuyên chiến với lực lượng IS tại Syria.
Tại sao Dagestan lại trở thành một trung tâm của hoạt động tuyển mộ chiến binh cho IS? Theo Eduard Urazayev, một cựu bộ trưởng thuộc chính quyền Dagestan và nay là một nhà phân tích chính trị, IS đã lợi dụng tình trạng nghèo đói và thất nghiệp để đẩy mạnh hoạt động tuyển mộ tại Dagestan.
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã trỗi dậy ở khu vực Bắc Caucasus sau hai cuộc chiến tranh du kích tại Chechnya, mục tiêu là nhằm thành lập một nhà nước độc lập, nơi giáo luật Sharia được thực thi. Chúng thành lập cái gọi là “Vương quốc Caucasus”, một tổ chức gồm các nhóm phiến quân ở một số tỉnh Caucasus, và đã thề trung thành với IS.
Để đối phó với chúng, nhà chức trách Dagestan đã tìm cách “trục xuất” các phiến quân khỏi khu vực. Theo Alexei Malashenko, một chuyên gia về Hồi giáo thuộc Văn phòng Quỹ Carnegie Endowment ở Moskva, giới chức Caucasus từng khuyến khích các phiến quân Hồi giáo di cư khỏi khu vực. “Hoạt động Hồi giáo cực đoan và số lượng các vụ bắn giết tại Bắc Caucasus năm 2014 - 2015 suy giảm chính là do các phiến quân đã chuyển địa bàn hoạt động sang Trung Đông”, Alexei Malashenko viết trên một bài báo.
Dagestan đóng góp số lượng đáng kể chiến binh cho IS.
Nhưng nay chính quyền Dagestan đang phải vất vả đối phó với các phần tử cực đoan “nhập cảnh” trở lại. Cơ quan an ninh phải theo sát từng động thái của chúng. Họ tiến hành ghi danh những tín đồ theo dòng Salafism (Thanh giáo - một nhánh cực đoan của Hồi giáo Sunni), lấy dấu vân tay và cả mẫu ADN của họ.
Sharaputdin Arslanbekov, một cảnh sát tại Makhachkala, phụ trách đối phó với chủ nghĩa cực đoan, cho hay có 419 người dân tại Dagestan đã tới Syria. Thực tế, một nguồn tin tình báo đáng tin cậy tiết lộ con số này có thể lên tới 700 người, tức chiếm tới gần 30% trong tổng số 2.500 người Nga gia nhập IS.
Sĩ quan Arslanbekov cho hay các tuyển mộ viên IS đang xâm nhập vào các trường đại học và cấp ba. “Chúng rất xảo quyệt và được chuẩn bị kỹ lưỡng, có phương pháp truyền bá tư tưởng cực đoan và là những chuyên gia về tâm lý học”.
Gazimagomed Aligadzhiyev là một công dân Dagestan, sống ở làng miền núi Gimry, một trung tâm của Salafism ở Dagestan. Đối tượng này đã từng tới Syria và trải qua 3 tháng tại một trại huấn luyện của IS trước khi quyết định trở về. Từ khi về quê, Aligadzhiyev thường xuyên phải trốn tránh chính quyền.
Tổng thống Putin coi những phần tử như Aligadzhiyev là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Nga. Điện Kremlin nhấn mạnh mối đe dọa IS với Nga là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nước này quyết định không kích IS. Chiến dịch đã thu được những kết quả tích cực nhưng đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ các phần tử IS tấn công trả đũa Nga, đặc biệt ở những nơi như Caucasus.
Alexander Bortnikov, Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB), cho hay các cuộc không kích mãnh liệt của Nga đã đẩy nhiều tay súng IS chạy trốn khỏi vùng chiến sự Syria và tìm cách tiến hành các vụ tấn công khủng bố ở Nga, châu Âu và một số nơi khác.
Mới tuần trước, FSB đã bắt giữ một nhóm đối tượng, trong đó có một số được IS huấn luyện tại Syria. Nhóm này bị cáo buộc âm mưu tấn công khủng bố hệ thống giao thông công cộng tại Moskva. FSB cũng tìm thấy một quả bom tự chế với khối thuốc nổ 5 kg.
Với đặc điểm đa dạng về sắc tộc, Nga từ lâu đã là một trọng điểm để IS tuyển quân. Tổ chức này đã kích hoạt các mạng lưới xã hội của chúng trên khắp nước Nga và các nước Liên Xô cũ nhằm tuyển mộ các chiến binh mới, tập trung chủ yếu vào giới trẻ.
Những người đến từ Kyrgyzstan và các nước Trung Á, nơi đa số người dân theo Đạo Hồi, chính là mục tiêu hàng đầu của các tuyển mộ viên IS. Nghèo đói và thiếu việc làm đã đẩy nhiều người từ các nước này tới Nga làm việc. Nay khi nền kinh tế Nga gặp khủng hoảng, công việc tuyển mộ của IS càng trở nên dễ dàng hơn.
Hồi tháng trước, Babur Israilov, tân binh 21 tuổi người Kyrgyzstan của IS, bỗng trở nên nổi tiếng khi xuất hiện trong một đoạn băng video đăng tải trên Internet. Trong đó, người ta thấy anh này khóc lóc trước khi thực hiện một vụ đánh bom liều chết tại Syria. Những người biết Babur Israilov cho hay anh ta từng tới Nga để tìm việc và dường như đã bị IS dụ dỗ.
Bên cạnh việc nhắm vào những người nghèo và tuyệt vọng, IS còn hướng tới cả các đối tượng trung lưu. Một sinh viên năm thứ 2 của Đại học quốc gia Moskva danh giá, đang theo học tiếng Arab và nghiên cứu Đạo Hồi, đã bỏ học theo IS. Sinh viên này đã bị bắt lại trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria vài ngày sau khi cha cô báo cáo chính quyền. Phần lớn những người theo Đạo Hồi tại Dagestan tẩy chay quan điểm cực đoan, song bản thân họ cũng thừa nhận khó cưỡng lại sức hút của các tư tưởng cực đoan do IS tuyên truyền.
Muhammad - Haji, một người theo Đạo Hồi tại Makhachkala, cho biết rất nhiều thanh niên đã rơi vào vòng xoáy của tư tưởng cực đoan và anh tiết lộ rất khó để thuyết phục họ thay đổi quan điểm.
Cùng với cuộc chiến chống IS mà Nga đang triển khai ở Trung Đông, nước này đồng thời cũng đang phải đấu tranh với chủ nghĩa cực đoan bạo lực chưa từng được giải quyết triệt để ở vùng Bắc Caucasus. Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria chắc hẳn sẽ khiến nước này thu hút thêm những kẻ thù nguy hiểm. Tuy nhiên, tới nay, Nga có lẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cuộc chiến của mình. Theo đứng đầu nước cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov, hiện có “hàng chục nghìn” người Caucasus muốn tới Syria để trợ giúp cho quân đội Tổng thống Bashar al - Assad. Ông này tuyên bố:“Chúng tôi đang bảo vệ đất nước mình khi giúp Syria”.