Cúng lễ nên bớt rình rang

Không chỉ thả cá chép, nhiều người còn tập kết đồ thờ để ném trôi sông Ảnh: MẠNH THẮNG
Không chỉ thả cá chép, nhiều người còn tập kết đồ thờ để ném trôi sông Ảnh: MẠNH THẮNG
TP - Lễ tiễn ông Công ông Táo chầu trời mở đầu chuỗi ngày lễ tết quan trọng đối với người Việt dịp năm mới, đặc biệt mỗi ngày lễ đi qua đều để lại núi rác thải và nhiều tác động tiêu cực tới môi trường.

LÃNG PHÍ
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo các bộ ngành, nhà văn hóa nhiều năm nay lên tiếng cảnh báo về những ngày lễ rình rang và không ít hệ lụy. Trong suốt năm, truyền thống của người Việt có nhiều lễ tết với đặc trưng riêng. Lễ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp được người Việt coi trọng, dân gian quan niệm đó là dịp tổng kết năm, để ba vị thần cai quản nhà cửa, bếp núc “về trời” báo cáo một năm của gia chủ. 

Thị trường phục vụ lễ cúng ông Công ông Táo nhộn nhịp cả tuần nay. Cá chép vàng, vàng mã và cận ngày 23 tháng Chạp là xôi, gà luộc sẵn, bánh chưng bày bán ngập các chợ. Giá cá chép từ 30-50 ngàn đồng/con tùy kích cỡ. Năm nay một số người còn đem giống cá Koi Nhật Bản thay thế cá chép, với giá bán khoảng 150-200 ngàn đồng/con. Tuy nhiên, theo tích dân gian và giải thích của các nhà nghiên cứu văn hóa, sở dĩ nghi thức cúng ông Công ông Táo phải dùng cá chép vì ý nghĩa cá chép hóa rồng. Chính vì thế việc dùng cá Koi cúng Táo quân là lựa chọn sai lệch với ý nghĩa tâm linh, không cần thiết.

Lễ cúng ông Công ông Táo còn gắn liền với tập tục đốt vàng mã. Đốt vàng mã thời gian gần đây cũng có chuyển biến nhất định, tuy nhiên tình trạng đốt vàng mã không đúng nơi quy định vẫn xảy ra trên nhiều tuyến phố, trừ các khu chung cư bố trí sẵn các lò hóa vàng. Nhiều người dân trên các phố Lê Duẩn, Nguyễn Trãi, Chùa Bộc (Hà Nội)... điềm nhiên đem vàng mã ra vỉa hè, lòng đường đốt. Người đi đường phải hứng chịu khói bụi bay mù mịt. Không những vậy, các ao hồ và đoạn sông Hồng khu vực Long Biên ngập tro vàng mã người dân mang ra đổ xuống.

Sáng 23 tháng Chạp, thời gian cao điểm tiễn ông Công ông Táo chầu trời. Các hồ Hà Nội như Hoàng Cầu, Thiền Quang, Ba Mẫu cùng với một số khúc sông Hồng được người dân lựa chọn để thả cá. Cầu Long Biên ùn tắc. Người dân đem các bịch ni lông, các thùng hoặc chậu đựng cá chép đứng từ trên cao trút xuống sông. Một số người dân xuống tận mép nước để thả cá. Không riêng cá chép, nhiều người dịp này mang bàn thờ cũ, đồ thờ cúng như bát hương, chén thờ... ném xuống sông cho “mát mẻ”. Nhiều đội tình nguyện những ngày này cắt cử nhau trực ở các điểm nóng như cầu Long Biên để thu gom hàng bao tải rác thải, ni lông từ lễ cúng ông Táo. Các tình nguyện viên còn giăng biển đừng để ông Táo mang rác lên chầu trời.

NÊN BỚT RẦM RỘ
Thờ cúng Táo quân là tín ngưỡng dân gian ăn sâu trong đời sống của người Việt cả nghìn năm nay. Phật giáo không có nghi thức đưa ông Táo về trời. Trong buổi thuyết pháp tại chùa Giác Ngộ ngày 15/1, Thượng tọa Thích Nhật Từ phân tích rất rõ câu chuyện đưa ông Táo về trời để người tu học Phật, người dân hiểu rõ hơn và không nên lo sợ về những đồn thổi xung quanh tập tục này. 

“Tập tục thả cá chép ở miền Bắc với ý nghĩa đưa ông Táo về trời tạo ra sự ô nhiễm. Cá chép được đặt trong túi ni lông đưa đến ao, sông gần nhà, có những người đứng trên cầu rất cao quăng cá xuống. Túi ni lông vứt bừa bãi”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói. Ông khuyên người tu học Phật phải có trách nhiệm giải thích cho đồng bào, chia sẻ cho cộng đồng về hành vi gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và không khí từ việc thả cá chép và đốt vàng mã. 

“Đức Phật kêu gọi mỗi Phật tử và mọi người hãy tự soi gương nhân cách của bản thân, tự đánh giá lời nói và việc làm của mình có phù hợp có luật pháp, đạo đức và với lương tâm hay chưa, nếu chưa phải nhận diện. Nếu có lỗi phải xin lỗi và mong được người khác bỏ qua bằng sự rộng lượng tha thứ. Cái đó gọi là sám hối chuyển nghiệp”, Thượng tọa nói.

TS. Nguyễn Văn Vịnh, nhà nghiên cứu phong thủy, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục phân tích: Tục cúng ông Công ông Táo mang tính biểu trưng. Ông kể, có một số nơi còn cúng bánh khảo và bánh giày nhưng không cúng nước với mong muốn ông Công ông Táo “bị dính miệng không thể bẩm báo được gì nhiều”. “Nói như vậy để thấy lễ tiễn ông Công ông Táo về trời chỉ mang tính biểu trưng nên không cần to, không cần phải thật rầm rộ”, TS. Vịnh nói. 

Câu chuyện thả cá chép, đốt vàng mã theo quan niệm của TS. Nguyễn Văn Vịnh khó có thể cấm cản, tuy nhiên mỗi người nên có ý thức hạn chế và chỉ giữ lại nếp văn hóa phù hợp. Việc thả cá chép mang lại phiền hà vì phải lo tìm ao hồ ở thành phố lớn không đơn giản, hơn nữa là dịp thải rất nhiều túi ni lông. Ngày nay nhiều gia đình lựa chọn dùng cá chép giấy đi kèm bộ mã cúng ông Công ông Táo cho gọn nhẹ.

Đốt vàng mã trở thành vấn nạn, gây ra không ít hệ lụy về ô nhiễm môi trường và lãng phí tiền của. Cháy nhà, chết người trở thành hậu quả nhỡn tiền. “Phong tục này mang yếu tố tinh thần nên dù muốn hay không nó vẫn tồn tại, chỉ có điều chúng ta tìm cách ứng xử sao cho phù hợp. Không riêng cúng ông Công ông Táo mà các lễ cúng tất niên, lễ hóa vàng nhiều gia đình có thói quen cúng to, đốt nhiều vàng mã. Không có chuyện tốt lễ dễ nói, hay cúng to vật phẩm nhiều sẽ tốt”, TS. Vịnh phân tích.

Cúng lễ nên bớt rình rang ảnh 1 Nhiều người dân vẫn đốt vàng mã ngay lòng đường, vỉa hè   Ảnh: KỲ SƠN
Ngưng xả rác thờ cúng ra sông, ao hồ
Dân gian quan niệm 23 tháng Chạp là dịp để chỉnh trang bàn thờ, cũng là dịp tốt để thay đổi bàn thờ, bát hương. Người dân thường thả sông cho mát mẻ. “Tôi cho rằng đó là cách xử sự vô trách nhiệm mà còn có thể gây nguy hiểm cho mọi người. Ít nhất, với nguyên tắc bảo vệ môi trường, giữ cảnh quan chung, người dân nên có điều chỉnh nhất định trong nhận thức và hành vi. Những đồ thờ tự không được sử dụng nữa có nhiều cách tháo dỡ để xử lý, có thể xem như rác thải cứng để thu gom ở những nơi nhất định”, TS. Nguyễn Văn Vịnh nói.
MỚI - NÓNG