Sách Tết có gì lạ?

Sách viết về Tết của NXB Kim Đồng
Sách viết về Tết của NXB Kim Đồng
Sau phát pháo khai hỏa của nhà Đông A cho sự trở lại của sách Tết vào năm ngoái, mùa xuân năm nay, độc giả đón nhận tới ba ấn phẩm tương tự. Ngoài Sách Tết Canh Tý là Tết đoàn viên của Sống và Nhâm nhi Tết của NXB Kim Đồng.  

Nam Phong tạp chí là tờ báo đầu tiên của Việt Nam ra số Tết vào năm 1918, theo Vương Hồng Sển. Sách Tết đầu tiên là Sách xem Tết 1928 của Tân Dân thư quán. Năm hoàng kim của sách Tết có lẽ là 1942 khi giới sưu tập sách tìm được tới 5 tập của 5 NXB trên toàn quốc. Từ sau 1945, các ấn phẩm sách Tết vẫn xuất hiện nhưng chỉ lác đác.

NXB Kim Đồng lần đầu làm sách Tết năm 1959. Đó là Mừng Tết Mới - Xuân Kỷ HợiTuổi Thơ Xuân, Đất nước vào xuân các năm sau đó... Đây có thể coi là những tập sách Tết ra đời muộn nhất trước khi phong tục này tạm lắng và để rồi hồi sinh vào 2019 với Sách Tết in lần đầu 2019 cuốn, năm nay in hẳn 5.200 cuốn phần nào chứng tỏ sự đón nhận của độc giả. Phom dáng vẫn thế, có điều tất cả những nhân vật theo mô-típ tranh Đông Hồ trên bìa năm ngoái nay đều thay bộ mặt chuột ngộ nghĩnh ra trò.

Sách Tết có gì lạ? ảnh 1
Tiếp tục phát huy thế mạnh về văn và họa, Sách Tết của Đông A là một tuyển tập đầy đặn, trau chuốt, hội tụ nhiều cây viết hàng đầu. Năm ngoái mục lục Sách Tết chia ra các phần Văn, Thơ, Nhạc, Sử, Bình Thơ, Góc nhìn (tạp bút) và cả Cổ tích. Năm nay hơi khác, vẫn Văn, Thơ, Nhạc, Bình thơ, có thêm phần Họa nói chuyện tranh pháo. Phần Nhạc không chỉ đăng bản nhạc như năm ngoái, mà có thêm lời bình. Lại có phần Chờ đón giao thừa cũng là văn xuôi nhưng chắc ý người tuyển chọn - nhà văn Hồ Anh Thái - muốn bạn đọc dành để nhâm nhi trước Tết.

Phần văn xuôi năm nay bao quát được cả một không gian văn hóa Tết Xuân qua bề dày lịch sử. Độc giả được cùng Ma Văn Kháng đi khảo sát hội làng để biết cách ăn cỗ làng; được đồng hành quãng đời 15 năm làm mõ của chú Mật trong tác phẩm của Trần Văn Tố; được sống lại thời hoàng kim của dinh đào cùng Nguyễn Tham Thiện Kế; lại được tiếp chuyện nhà văn Nguyễn Tuân cùng tác giả Kim Ân. Nguyễn Tuân chơi với cụ thân sinh của Kim Ân và cách đây 40 năm có lẻ, nhà văn nổi tiếng đã đến xông đất nhà Kim Ân. Vậy nhưng kẻ hậu sinh lại thẳng thắn nhận định: “Kể ra được (hay bị) một nhà văn đến xông nhà thì, theo lệ thường, chẳng hay ho gì. Xét về danh giá… nhà văn hẳn là bậc đáng trọng rồi. Nhưng xét về mặt tài lộc thì bất kỳ nhà văn nào cũng nằm ở hạng bét trong thứ bậc giàu nghèo…”. Lần đó, Nguyễn Tuân có bày tỏ sự tiếc nuối về một màn sương đã không còn bao phủ Tết Hà Nội nữa. Đến nỗi ông còn định sang năm phải ra ngoại thành đón giao thừa chỉ để hy vọng hưởng… sương.

Phan Thị Vàng Anh được chọn tới hai lần với hai tác phẩm đều “trúng tủ”: một về Tết, một về chuột. Văn chị vẫn thế, vẫn tung tẩy những chuyện trong nhà ra ngõ, đọc nhẹ nhõm với chút chiêm nghiệm đủ để đời bớt nhạt. Đi về vùng thảo nguyên của Phạm Duy Nghĩa có dáng dấp của một truyện vừa với những tình tiết li kỳ kể về một tình yêu mãnh liệt, bản năng, bất chấp… lồng trong khung cảnh hùng vĩ, ma mị của miền Tây Bắc. Trương Anh Quốc đưa độc giả tới đâu đó ở Trung Nam bộ, nơi có phong tục tắm tập thể ở nguồn nước khoáng nóng vào đêm giao thừa, để rồi có người bị mất quần… Một cặp tình nhân lãng mạn nhưng cuối cùng vẫn không vượt nổi ranh giới tuổi tác trong câu truyện của Trần Thùy Mai. Trong khi một cặp khác lại vượt qua ranh giới sinh tử của sự chia ly nhờ một tai nạn trong Hành lang của Lê Minh Khuê.

Có khuôn khổ và số trang ngang ngửa Sách Tết, cũng chia làm nhiều phần nhưng Tết đoàn viên là sân chơi cho các cây viết tản văn, tạp bút. Đặc biệt không có thơ dù người tuyển chọn là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Anh không giấu giếm mục đích ra sách là để níu giữ vẻ đẹp và sự thiêng liêng của Tết Việt. Hay có thể nói tập sách giống như một lời phản bác hùng hồn dành cho các ý kiến lẻ tẻ đòi bỏ Tết cổ truyền thời gian gần đây. Lý lẽ chính vẫn là để có thêm thời gian phát triển kinh tế. Mặc cho một thực tế các nước xứ lạnh có kỳ nghỉ đông dài cả tháng mà kinh tế vẫn phát triển hơn mình…

Nguyễn Quang Thiều cho rằng những người đòi bỏ Tết đã mắc một sai lầm trầm trọng khi không nhìn thấy “những bí mật lớn lao cho lẽ sống”, “những vẻ đẹp văn hóa kỳ vĩ” hay “sức mạnh gắn kết và chia sẻ của con người” trong thời khắc Tết. Với ông, Tết đoàn viên như cỗ máy thời gian đưa người ta trở về một không gian của những vẻ đẹp và sự thiêng liêng: “Từ không gian ấy, tôi nhận ra sự phù phiếm, sự vô cảm và nỗi hoang mang của con người trong một thế giới mà tâm hồn họ đang có nguy cơ bị số hóa”.

Nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ trong bài viết mở đầu Tết đoàn viên: “Ít nhất hai ngàn năm, khi cộng đồng Việt cổ tiếp xúc với âm lịch, Tết Nguyên đán đã được thực hành trong đời sống văn hóa như là thành phần cơ hữu của toàn bộ hệ thống, nó là thời điểm tích lũy, bùng nổ những ứng xử, những thành tựu văn hóa của cả một cộng đồng.” Cũng trong phần Phong vị Tết, độc giả được sống lại những ngày Tết xưa ở Hà Nội, Sài Gòn, Tây Nguyên, Tết của người Tày…

Các tác giả được tuyển chọn vào Tết đoàn viên thuộc nhiều ngành nghề từ bác sĩ, họa sĩ tới ca sĩ. Nhà hoạt động Huỳnh Minh Thảo kể câu chuyện cảm động của cô gái đồng tính lần đầu tiên “dám” về nhà ăn Tết sau nhiều năm tự bươn chải do gia đình hắt hủi. Trong bài Mâm cỗ Tết Việt thật là ngon, tác giả Yushi Kawarai sau 8 năm ăn Tết nhiều nơi ở Việt Nam viết: “Tết là dịp đoàn viên, tức là các thành viên trong gia đình, người thân, người thương yêu và bạn bè ở cạnh nhau và trò chuyện cùng nhau… Khác hẳn với Nhật Bản, đất nước càng phát triển, mối quan hệ giữa người với người lại càng xa cách”.      

Trong mỗi gia đình, mọi thành viên đều có thể đọc được Nhâm nhi Tết. Cuốn sách mang khuôn khổ của một đĩa nhạc, nội dung đa dạng và cô đọng. Trong đó, Góc đọc Tết gồm những câu chuyện thú vị, cảm động, cho thấy ý nghĩa sum vầy sẻ chia của Tết. Phần này gộp luôn những tác giả kinh điển như Andersen, Gianni Rodari hay Xuân Quỳnh… Ở Góc Khám phá, bạn đọc sẽ được biết vì sao Trường Sa bao giờ cũng ăn Tết sớm trước đất liền, không khí Tết nhất ở Little Saigon bên Mỹ có gì lạ… Ở Góc Tết Xưa, độc giả được ra chợ ăn gà nướng cùng Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư hay ôn lại cuộc đời của vị vua tuổi Tí Duy Tân...

MỚI - NÓNG