Cúm gà có thể làm thế giới thiệt hại 800 tỷ USD

Cúm gà có thể làm thế giới thiệt hại 800 tỷ USD
Nếu đại dịch cúm gia cầm xảy ra, nền kinh tế thế giới có thể bị thiệt hại khoảng 800 tỷ USD, tương đương với 2% GDP toàn cầu.
Cúm gà có thể làm thế giới thiệt hại 800 tỷ USD ảnh 1

Đây là một bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) vừa được công bố hôm qua 7/11 tại Geneva, Thuỵ Sỹ.

Ông Milan Brahmbhatt, chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, dựa trên những tính toán về thiệt hại kinh tế trong vụ bùng phát dịch SARS năm 2003, đã đưa ra dự báo về số thiệt hại này nếu đại dịch cúm gia cầm xảy ra trên toàn thế giới.

Theo bản báo cáo, đối với các nước phát triển, thiệt hại về kinh tế được dự báo sẽ lên tới con số 550 tỷ USD, trong đó riêng Mỹ "gánh" khoảng 100-200 tỷ USD.

Tại Mỹ sẽ có khoảng 100.000-200.000 người chết cùng với 700.000 người phải nhập viện và khoảng 90 triệu người khác bị ốm hay ảnh hưởng.

"Những thiệt hại kinh tế chính chủ yếu là do người dân hoảng sợ, từ chối đi làm và mua sắm ở cửa hiệu, chỉ ở nhà do lo ngại bị nhiễm căn bệnh chết người này," ông Brahmbhatt phát biểu tại một cuộc họp với sự tham dự của 600 chuyên gia y tế từ hơn 100 nước trên khắp thế giới.

Theo WB, thiệt hại vì bệnh dịch và các biện pháp kiểm soát như tiêu huỷ gia cầm đã làm giảm từ 15 đến 20% lượng gia cầm tại những nước bùng phát dịch mạnh nhất. Những nhà sản xuất thức ăn cho gia cầm và các cơ sở kinh doanh gia cầm là những đối tượng bị ảnh hưởng tiếp theo.

Ngoài ra, người ta còn mất đi các nguồn cung cấp trứng, mặc dù chuyện này phần nào có thể được bù đắp bằng việc gia tăng các sản phẩm từ lợn.

Báo cáo cho biết đối với Việt Nam, nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi cúm gia cầm, các thiệt hại là khoảng trên 0.1% GDP với hơn 60 triệu con gia cầm đã bị chết hoặc tiêu huỷ.

Cúm gia cầm cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành dịch vụ như du lịch, nông nghiệp và giao thông. Báo cáo cho hay thiệt hại ngắn hạn của đại dịch viêm phổi cấp, SARS hồi năm 2003 cho các nước Đông Á là khoảng 2% GDP. Đại dịch SARS đã giết chết hàng chục người, trong khi nếu đại dịch cúm xảy ra, nó có thể giết hàng triệu người.

Về mặt y tế, lo ngại lớn nhất là virus có thể biến đổi để truyền từ người sang người. Nếu điều này xảy ra, nó còn gây ra thiệt hại lớn hơn về kinh tế. Theo dự báo của WHO, dịch cúm trên người, nếu xảy ra có thể giết chết từ 5-7,4 triệu người trên thế giới.

Những cảnh báo của ông Brahmbhatt càng trở lên nghiêm trọng hơn khi Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ông Lee Jong-wook, nói rằng có những dấu hiệu cho thấy virus cúm gà H5N1 đang biến đổi sang một dạng mới mà có thể dễ dàng lây từ người sang người, và nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là một đại hoạ cho toàn thế giới.

"Chúng tôi nhận thấy tốc độ lan nhanh của virus H5N1 trong gia cầm và chim di cư và có những tín hiệu cho thấy sự bùng phát của cúm gia cầm trên người chỉ là vấn đề thời gian," ông Lee nói.

Một trận dịch lớn về cúm gia cầm trên người là điều không tránh khỏi và sẽ có rất nhiều người chết. "Đại dịch trên thế giới vẫn chưa xảy ra nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy virus cúm H5N1 ngày nay có những điểm tương đồng với đại dịch cúm "Tây Ban Nha" xảy ra năm 1918-1919 mà đã giết chết hàng chục triệu người," ông Lee nhấn mạnh.

Loại virus H5N1 chết người này đã tái xuất ở Hồng Kông năm 1997 và sau đó lan ra nhiều nước ở châu Á và châu Âu và làm chết rất nhiều người. Tuy nhiên, dịch cúm vẫn chưa thực sự đáng báo động vì vẫn chưa lây trực tiếp từ người sang người.

Cuộc họp của các quan chức y tế thế giới tại Thuỵ Sỹ từ 7-10/11 nhà nhằm tìm ra một chiến lược toàn cầu cho việc chống cúm gia cầm đang lan nhanh.

Trong khi đó, Roche, nhà sản xuất thuốc Tamiflu, loại thuốc được cho là hữu hiệu nhất hiện nay để kiềm chế sự phát triển của virus H5N1, nói rằng đang đàm phán với các nước để sản xuất đại trà loại thuốc này.

Hãng dược phẩm Thuỵ Sỹ Roche nói họ sẽ tăng sản suất thuốc Tamiflu lên 300 triệu viên từ năm 2007 và đang đàm phán với 8 công ty dược phẩm và ít nhất 2 nước về vấn đề sản xuất đại trà loại thuốc này.

"Nếu đạt được thoả thuận, chúng tôi sẽ tăng gấp 10 lần công suất sản xuất thuốc Tamiflu của năm 2004," một quan chức của Roche, nói.

Khoảng 150 triệu gia cầm trên thế giới đã bị chết hoặc tiêu huỷ nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được tốc độ lây lan tại châu Á, Nga và các nước Đông Âu.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.