Cục Quản lý Nhà: Lừa đảo từ bán nhà 'trên giấy' chỉ là thiểu số

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà
Quy định cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai đã được áp dụng nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Việc này có nhiều rủi ro, trong đó ngoài rủi ro do lừa đảo chỉ chiếm số ít, thì còn có những rủi ro khác.

Đó là quan điểm của Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà, trước tình trạng một số chủ đầu tư dự án bất động sản huy động vốn của khách hàng nhưng không thực hiện theo cam kết, điển hình là vụ việc của đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga với dự án B5 Cầu Diễn mới đây.

Trao đổi với báo giới, ông Hà nói:

- Việc quy định cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai đã được áp dụng nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hình thức này cũng có mặt ưu là hỗ trợ doanh nghiệp vốn từ người mua nhà, lại vừa xác định được nhu cầu của người mua. Khách hàng cũng có mặt lợi, có thể trả góp, tự chủ được tài chính…

Tuy nhiên, việc này có nhiều rủi ro, trong đó ngoài rủi ro do lừa đảo chỉ chiếm số ít, thì còn có những rủi ro khác, bởi đây là huy động vốn trong thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp không dự báo được biến động của thị trường, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành của dự án theo cam kết từ nhiều năm trước.

Điều đó nói lên rằng, việc bán nhà hình thành trong tương lai luôn có những rủi ro không thể lường trước được.

Nhưng thực tế, dường như các cơ quan quản lý vẫn thiếu sự quyết liệt, giám sát để khắc phục những rủi ro này, thưa ông?

Tất nhiên là có chứ. Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã có những quy định siết chặt hơn cho việc bán nhà hình thành trong tương lai, như: phải đạt được tiến độ hoàn thành xong móng, hạ tầng…và phải báo cáo với cơ quan quản lý về kế hoạch bán hàng và phải được chấp thuận.

Quan trọng hơn, hiện nay luật đã quy định để được bán nhà theo hình thức này phải được một ngân hàng thương mại bảo lãnh về vốn, để nếu không hoàn thành được cam kết thì ngân hàng phải hoàn trả tiền cho khách hàng.

Luật thì có thể đủ nhưng cái thiếu chính là sự minh bạch về thông tin của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý, từ đó mới dẫn đến một số vụ khách hàng bị lừa đảo vừa qua?

Thực tế thì ngay cả Luật Kinh doanh bất động sản 2006 cũng đã buộc phải thông tin đầy đủ các dự án nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người mua nhà chưa tìm hiểu kỹ các thông tin, trong khi doanh nghiệp cũng không thực hiện nghiêm việc này nên mới xảy ra một vài vụ lừa đảo.

Tôi cho rằng, tới đây, tất cả các dự án đều phải có bảo lãnh và giám sát của cơ quan quản lý là biện pháp hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng.

Là cơ quan được giao quản lý thị trường bất động sản, các ông có nắm được số liệu về các vụ lừa đảo như Housing Group vừa qua?

Đến thời điểm này, cũng chưa có địa phương nào báo cáo cụ thể về Cục chúng tôi tình trạng này, song qua theo dõi có thể thấy, tình trạng này cũng chỉ là thiểu số.

Nhưng quan trọng hơn, việc mua bán căn hộ chỉ là giao dịch dân sự, do đó người dân phải tìm hiểu và chấp hành theo pháp luật về cam kết theo hợp đồng.

Và cũng phải thừa nhận rằng, do thị trường bất động sản trước đây quá nóng nên việc kiểm tra, kiểm soát chưa kịp thời nên để xảy ra một số vụ việc.

Việc bán nhà hình thành trong tương lai như ông nói là “ẩn chứa nhiều rủi ro”, vậy tại sao chúng ta lại cho phép người dân thế chấp loại hình nhà ở này tại các ngân hàng, bởi nó có thể còn tăng thêm rủi ro cho cả ngân hàng?

Khi cho phép thế chấp thì ngân hàng sẽ tham gia kiểm soát doanh nghiệp đó. Khi đó, ngân hàng sẽ căn cứ vào tiến độ thực tế dự án và năng lực tín nhiệm.

Cá nhân ông có ủng hộ phương thức bán nhà này không?

Nói thực, luật đã quy định rồi nên muốn hay không cũng không được, nhưng vấn đề là phải thực hiện đúng theo luật để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng đến mức thấp nhất.

Theo Theo VnEconomy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.