Gần đây, một NTK Trung Quốc có bộ sưu tập Xuân hè 2019 trong đó có những mẫu được cho là giống hệt áo dài Việt Nam, thậm chí tờ báo Trung Quốc viết bằng tiếng Anh còn coi những trang phục ấy mang “phong cách Trung Quốc” khiến dư luận bức xúc.
Tuy thế cũng có những ý kiến cho rằng chúng ta vẫn chưa đầy đủ cơ chế pháp lý để bảo vệ áo dài. Chưa có văn bản chính thức công nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam, dù thực tế cả thế giới đều biết áo dài là của Việt Nam.
Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phân tích về lịch sử áo dài. Tiền thân áo dài được gọi là áo ngũ thân cổ đứng (Loại áo này nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm, như nữ cổ áo thấp hơn nam, ống tay nữ hẹp hơn ống tay nam..., được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), ông là người đặt nền tảng cho hình hài của áo dài.
Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước (1802) đã kế thừa sự cải cách trang phục của chúa Nguyễn. Tuy nhiên có một điều khá thú vị là từ khu vực Huế trở vào Nam người dân đã quen rất nhanh với trang phục mới, thì trái lại ở miền Bắc người ta vẫn giữ các phong tục ăn mặc cũ tới tận thời nhà Nguyễn và thậm chí là thế kỷ XX. Phụ nữ miền Bắc vẫn mặc áo tứ thân với váy và yếm, bọc tóc trong khăn hoặc đội khăn mỏ quạ.
Tới năm 1836 - 1837 vua Minh Mạng sau chuyến tuần du ra Bắc Hà, tận mắt nhìn thấy người dân Bắc vẫn giữ kiểu ăn mặc cũ đã quyết định tiến hành cải cách trang phục triệt để. Từ đó Áo dài được phổ biến rộng trong cả nước.
Trong những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, họa sĩ Cát Tường là người khởi xướng cho phong trào cách tân áo dài truyền thống. Ông đã thiết kế áo dài gọn hơn, khoe vẻ đẹp người phụ nữ (trước đây áo dài che kín thân kín đáo) phù hợp với đời sống xã hội lúc bấy giờ. Họa sỹ Cát Tường đã thêm những yếu tố tạo hình mới vào áo dài như vai bồng, áo có cổ lá sen, tà áo hẹp hơn…
Trang phục mà 1 NTK Trung Quốc bị lên án vì sao chép áo dài Việt Nam, rồi được truyền thông Trung Quốc gọi là "phong cách Trung Quốc"
Nói về việc áo dài vẫn chưa được công nhận chính thức là quốc phục, đại diện Cục Mỹ thuật cho biết, từ năm 1990 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Triển lãm xây dựng Đề án Quốc phục để tìm ra bộ trang phục mặc phổ biến trong công chức, nhà nước. Năm 2013, 2014, Đề án Quốc phục chuyển thành Đề án Lễ Phục nhà nước (xây dựng bộ trang phục sử dụng trong các nghi lễ nhà nước và ngoại giao).
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được giao nhiệm vụ xây dựng đề án này. Cục đã tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia về tiêu chí và định hướng thiết kế, sau đó tổ chức cuộc thi thiết kế Lễ phục. Qua ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân đại đa số đồng ý, giữ nguyên áo dài của nữ làm bộ Lễ phục (Quốc phục), nhưng cần tập trung tìm Lễ phục của nam giới.
“Nhưng Đề án này không kết thúc được bởi các bộ Lễ phục của nam giới do các nhà thiết kế gửi đến đều không đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ, không mang được bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam và ý kiến còn rất khác nhau về Lễ phục của nam giới”, đại diện Cục cho biết.