Sự kiện do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc Gia VN (VICAS), Trường Đại học Văn hóa HN, Hội Nghiên cứu Hàn Quốc tại VN (KRAV), Quĩ Văn hóa Hàn Quốc (KF) đồng tổ chức tài trợ, diễn ra tại Hà Nội, đem đến cho khán giả cách nhìn mới mẻ về nghề làm phim tài liệu nhân học.
Chủ đề của 14 phim (6 phim Hàn Quốc, 8 phim VN) chọn chiếu trải rộng những vấn đề lịch sử, văn hóa – xã hội đương đại như xung đột xã hội, văn hóa nhóm gồm giới, dân tộc thiểu số, nghệ nhân dân gian, những người lên đồng, nhóm người đồng tính, nhiễm HIV… Dường như Tuần phim là sân chơi bình đẳng cho các nhà làm phim từ các điều kiện khác nhau như tác giả đã có thương hiệu quốc tế Trần Phương Thảo với ekip hùng hậu đến Nguyễn Xuân Hoàng Minh sinh viên một mình tự “biên tự diễn”.
Sau mỗi buổi chiếu, khán giả được trực tiếp giao lưu với tác giả bộ phim, đồng nghiệp hai nước có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ câu chuyện trước, trong và sau bộ phim của mình.
Từ 500 nghìn đến 500 triệu
Bộ phim “Khi sóng vỗ bờ” (24 phút) nữ sinh viên năm 2 Trường ĐH Lao động Xã hội, Nguyễn Xuân Hoàng Minh giành được nhiều sự quan tâm của khán giả cũng như các đồng nghiệp Hàn Quốc. Một câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình. Người chồng, người cha phải đi nước ngoài để làm kinh tế, thế nhưng sau thời gian ở nước ngoài người đàn ông tên Cương đã quen với cuộc sống nơi xa lạ. Sau hơn 20 năm, khi trở về nhà ông lại muốn tiếp tục đi nước ngoài dẫn đến nhiều xung đột trong gia đình. Với chiếc máy quay cầm tay (Handycam của Sony) mượn bạn và kinh phí 500 nghìn hỗ trợ từ TPD (Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh), Hoàng Minh đã song hành cùng ông Cương và gia đình trong thời gian 1 tháng ông về Hải Phòng đưa tang bố. Không lời bình, chỉ là những đoạn tự sự, đối thoại trò chuyện giữa từng nhóm nhân vật xoay quanh cuộc trở về và ra đi lần nữa của “kẻ tha hương”. Đồng nghiệp HQ Kwon Eun-Jee cho rằng “bộ phim đủ đầy tính nhân văn, đủ sức thuyết phục đến mức người ta sẽ không tìm hiểu về thiết bị hay kinh phí ít ỏi nữa”. Trước đây 3 tháng, “Khi sóng vỗ bờ” nhận được giải “Búp Sen Vàng” (của TPD) , do Giám khảo bình chọn. Nhà làm phim 21 tuổi chia sẻ, cô đang lên kế hoạch làm phim tài liệu dài cho “Khi sóng vỗ bờ 2” trong lần ông Cương trở về VN thăm nhà lần tới. Có nhiều bạn gái đi lấy chồng HQ nên Hoàng Minh ấp ủ dự định theo chân mấy cô dâu Hàn Quốc làm phim, nếu tìm được tài trợ.
“Con đi trường học” (đoạt giải Cánh diều bạc 2013) của Hà Lệ Diễm cũng từng có con số kinh phí hỗ trợ khiêm tốn không kém, khoảng 2 triệu và TPD giúp hậu kỳ. Thế nhưng hai bộ phim “rẻ” nhất lại có vẻ nặng ký so với nhiều phim Việt “trăm triệu” tại tuần phim.
500 nghìn tương đương 22 USD hiển nhiên là con số “không thể tưởng tượng” cho kinh phí một bộ phim, tuy nhiên theo nhóm nhà làm phim HQ, tại đất nước từng ưu tiên đầu tư cho điện ảnh giờ cũng bị cắt bỏ nhiều dự án cho phim tài liệu sâu. Giống như ở VN, mỗi phim có khi phải xin đến vài quĩ, trung bình được cấp 1.000 USD cho 10 phút phim, 10-15 nghìn USD cho bộ phim 60 phút.
Bộ phim “Bữa trưa của những người phụ nữ” của nữ đạo diễn trẻ Koo Dae-Hee khiến nhiều khán giả HN thích thú vì trải nghiệm khám phá văn hóa, đời sống, tâm lý người phụ nữ HQ bình thường. Để có được 11 cuộc giãi bày của 11 người phụ nữ nghề nghiệp khác nhau, đạo diễn phải thuyết phục họ đồng ý quay, rồi hẹn riêng từng người vào đúng địa điểm họ thường ăn trưa, Bộ phim được cấp 25 nghìn USD, nhưng là con số không dư dả khi đạo diễn phải chi trả cho ekip quay phim, hậu kỳ tương quan mức sống đắt đỏ xứ Kim Chi.
Nguyễn Xuân Hoàng Minh, tác giả trẻ gây chú ý trong Tuần phim.
Truyền hình, lời bình và nhiệt huyết
Mở đầu tọa đàm “Làm phim Nhân học tại VN và HQ”, Kwon Eunjee, Đạo diễn phim tài liệu HQ, Trường ĐH Quốc gia Seoul có nhiều chia sẻ khiến khán phòng ngỡ câu chuyện nước mình. “Vì HQ là nước dân chủ tư bản, đặt mục tiêu kinh tế và phát triển lên hàng đầu nên các nội dung văn hóa, nghệ thuật thường bị lấn át bởi mục tiêu lợi nhuận và kinh tế”. Trường hợp các phim của Koo Dae Hee và Oh Minwook, sản phẩm của họ là những phim có tính nghệ thuật cao trong khi phần lớn các phim của đài truyền hình giống với các sản phẩm thương mại để chiếu cho phổ thông đại chúng, để bán ra ngoài thu lợi nhuận. Ba nhóm đạo diễn này khác nhau rất nhiều, đặc biệt là ở chi phí mà các nhóm cần có để thực hiện phim của mình.
Tư duy bảo thủ của các đài và những người đặt hàng và điều kiện làm việc bất ổn đối với các đạo diễn (về kinh phí) khiến nhiệt huyết của các nhà làm phim tài liệu giảm dần theo thời gian làm việc với đài, hoặc sau đó họ rời đài ra ngoài làm tự do.
Có khá nhiều nhà làm phim tài liệuVN từng thử sức ở truyền hình nhưng không chịu được sức ép “dàn dựng” và “hô thông điệp rõ ràng” cuối cùng phải bật ra ngoài làm tác giả độc lập với tinh thần truyền tải “sự thật nguyên bản”.
Chia sẻ với Tiền Phong, TS Nguyễn Thị Thu Hà, thành viên ban tổ chức cho biết những phim được lựa chọn chiếu trong khuôn khổ Tuần phim cho thấy hai xu hướng làm phim tài liệu và nhân học khác biệt giữa hai nhóm tác giả phim: Phim của các đạo diễn đến từ Hãng phim tài liệu Trung ương và phim của các đạo diễn trẻ, độc lập. Trong khi các phim của nhóm các đạo diễn của các hãng phim nhà nước vẫn chú trọng đến lời bình, dẫn dắt câu chuyện xuyên suốt bộ phim với thông điệp chuyển tải mang ý nghĩa chủ quan về đạo đức, giá trị xã hội lớn lao (ví dụ như việc con cái phải chăm sóc cha mẹ khi về già, cô giáo hy sinh cắm bản vùng cao,...) thì các nhà làm phim trẻ độc lập đến từ các khóa đào tạo làm phim tài liệu ngắn của TPD, Doclab hoặc tự học thông qua việc xem phim tài liệu quốc tế thì lại có cách tiếp cận khác, ít mang tính gán ghép hoặc áp đặt quan điểm cá nhân lên câu chuyện của phim, thông qua thông điệp chuyển tải trong phim mà thay vì thế, chỉ xác định là kể câu chuyện mình thấy và cho phép khán giả tự cảm nhận, tự liên hệ khán giả với nhân vật của phim và câu chuyện của phim. Vì thế, phim của các nhà đạo diễn trẻ độc lập thường không có lời bình mà lời bình đến từ chia xẻ thực sự của chính các nhân vật trong phim. Hướng tiếp cận phim mới này chạm đến cảm xúc của người xem rõ nét hơn, thể hiện sự tương đồng lớn với các phim Hàn Quốc được trình chiếu trong khuôn khổ của Tuần phim hơn.
Mặc dù “tài liệu sâu” bị yếm thế, ngày càng khó xin tiền nhưng các nhà làm phim vẫn muốn tiếp lửa nhiệt huyết với thể loại này cho nhau và cho khán giả. Nguyễn Xuân Hoàng Minh kể cô chỉ mất có 10 buổi học để có được bộ phim đầu tay. Từng là học viên nay đã thành giảng viên một số khóa dạy làm phim, nhà nghiên cứu Cao Trung Vinh chia sẻ: Làm phim nhân học, tôi được lắng nghe và biết lắng nghe hơn những suy tư thậm chí những xung đột trong mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng. Điều này giúp cho tôi cũng như các nhà làm phim nhân học có cái nhìn bao dung hơn, tôn trọng sự khác biệt cũng như sự đa sắc trong một cá nhân.Và chúng tôi mong muốn được truyền tải những thông tin như nó vốn có.