'Nhà làm phim Việt vẫn trên mây trên gió'

Phim “Hồi ức” của Canada với gương mặt gạo cội Christopher Plumer thắng hai giải lớn tại HANIFF: Phim xuất sắc, Nam chính xuất sắc.
Phim “Hồi ức” của Canada với gương mặt gạo cội Christopher Plumer thắng hai giải lớn tại HANIFF: Phim xuất sắc, Nam chính xuất sắc.
TP - Đánh giá kết quả “công tâm, xứng đáng” của giải thưởng Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội lần thứ 4, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, giám khảo Netpac (Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á) cũng nói thêm về một số tiếc nuối cho điện ảnh Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng phim dự thi?

Năm nay nhiều phim tập trung đề tài gia đình: Toa xe màu xanh (Nga), Hạnh phúc căn bản (Singapore), Gia đình (Philippines), Gia đình nở hoa (Nhật Bản). Mỗi nước đều có vấn đề của mình và họ đều tìm cách kể mới nhất để đáp ứng thị hiếu của công chúng. Phim nào xem tôi cũng thấy hay, rất khó chọn. Bằng cớ là khi chúng tôi họp ban giám khảo (BGK) đề cử rất phân tán, nhưng trong sự phân tán này có sự tập trung, chúng tôi chọn phim đồng thuận nhất.

Phim tốt nhất ở giải Netpac Toa xe màu xanh được đánh giá cao về cách kể, cách dàn dựng, diễn xuất, nhịp điệu phim và âm nhạc. Đặc biệt, phim mang phong cách Nga rất đậm, nhất là cách dựng phim của trường phái dựng Xô-viết. Tôi cũng nhấn mạnh đề tài mối quan hệ giữa cha và con mang tính truyền thống trong văn học Nga. Ví dụ như Anh  em nhà Karamazov của F. Doxtoievski và  I. Turghenev… Phim nói vấn đề xã hội Nga, trách nhiệm nghệ sỹ nhưng mang tính toàn cầu.  Một vấn đề cũ được kể với cách thể hiện mới. Ý nghĩa xã hội rất mạnh. Thông điệp rõ ràng.

Còn giải Phim dài xuất sắc dành cho “Hồi ức” của Canada, và “Gia đình” của Philippines thắng giải Đạo diễn, Nữ diễn viên chính thì sao?

“Cuộc sống đầy rẫy chuyện nóng bỏng nhưng các nhà làm phim ở trên mây trên gió. Họ không bám vào hiện thực đất nước, vào dân tộc này, con người này để kể câu chuyện của đất nước Việt Nam cho thế giới”

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn

Tôi nghĩ đó là kết quả rất công tâm, xứng đáng của giải thưởng LHP. Hồi ức của Canada khai thác sâu sắc về số phận con người, kể cả nạn nhân lẫn thủ phạm của thế chiến thứ hai để cảnh báo với thế giới rằng cái ác vẫn tồn tại. Theo tôi biết, đề tài đại chiến II vẫn được các cường quốc điện ảnh khai thác và làm mới. Đặc biệt phim này luôn tạo bất ngờ khiến khán giả không thể lường trước được. Sức nặng của chiều sâu câu chuyện khiến người xem kinh ngạc. 

Đạo diễn đặt các tình huống vào những vị trí buộc diễn viên phải thể hiện hết mình. Chiều sâu của nhân vật cho thấy các nhà làm phim đã dầy công như thế nào. Tình thế nhân vật lúc nhớ lúc quên mang tính ẩn dụ cao. Bộ phim như lời cảnh báo chúng ta: Hãy cảnh giác! Cái ác tồn tại ngay bên mình. Gia đình có sức mạnh của đề tài về trẻ bụi đời, đạo diễn trẻ xử lý rất xuất sắc, nó cũng đầy năng lượng của diễn viên, câu chuyện và đạo diễn.

Điện ảnh Philippines từng giành nhiều giải ở Haniff. Tuy nhiên, đạo diễn “Bị còng” thừa nhận phim của anh sau khi dự LHP và có giải thì cũng khó phát hành ở rạp vì không có khán giả. Ông nghĩ sao về nghịch lý này?

Phim các nước cũng phân ra nhiều loại khán giả. Có loại khán giả xem phim theo đạo diễn hoặc diễn viên. Có loại xem theo đề tài hay vấn đề. Có loại xem theo thể loại. Cũng có loại xem theo cảm hứng. Ở ta không phân loại khán giả được cho nên truyền thông hay có cái nhìn thiếu sót khi đánh giá. Tôi rất sợ những người có mỗi cái thước mà cái gì cũng đo. Không vừa ý mình thì kêu toáng lên: “Ối trời ơi! Hỏng! Hỏng hết rồi!’’ Như hôm chiếu Đông Dương, ai đó kêu phim bom tấn mà vẫn vắng khách. Trời ơi, phim đó dành cho khán giả có nhiều trải nghiệm về cuộc sống, am hiểu lịch sử mối quan hệ Pháp-Việt chứ có phải dành cho loại khán giả bỏng ngô đâu! Ngay điện ảnh Philippines cũng nhiều dòng phim. Họ mang đến đây những phim hiện thực, mang tính xã hội, như Gia đình, Vô hình (đạo diễn từng thắng giải với Bị còng tại Haniff 2012). Vô hình là phim về những người phải lao động chui ở nước ngoài, họ biến mất trong cuộc sống hằng ngày, trong tâm tưởng mọi người.

Chúng ta cũng nhiều câu chuyện như thế, tại sao không khai thác được? Cuộc sống đầy rẫy chuyện nóng bỏng nhưng các nhà làm phim ở trên mây trên gió. Họ không bám vào hiện thực đất nước, vào dân tộc này, con người này để kể câu chuyện của đất nước Việt Nam cho thế giới. Và nếu có kể thì lại kể một cách giả tạo và khiên cưỡng, thậm chí để làm vừa lòng mấy ông chủ nào đó. Đó là điều rất đáng tiếc.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Trúng số” đều được loại giải mang tính an ủi là chính. Ông đánh giá hai phim nội này thế nào so với dàn phim dự thi?

Phim Việt Nam hiện nay tư nhân chiếm ưu thế, mục đích thương mại hàng đầu. Nhà nước cần đầu tư hơn nữa, bởi năm 2015 có một số dự án điện ảnh được duyệt nhưng chưa có kinh phí. Dòng phim tư nhân hay dòng phim nào đó cứ làm nhưng dòng phim chính thống vẫn phải chảy song hành. Dòng chính thống chủ đạo cất lên tiếng nói dân tộc, vẻ đẹp con người, vẻ đẹp đất nước để khoe với thế giới chứ. Đương nhiên phim Việt Nam năm nay so với các phim dự thi khác hơi yếu. Phim của mình hay kể kiểu lên gân, không đào sâu câu chuyện, không đi đến tận cùng xung đột thành ra cứ nửa chừng. Thậm chí khá dễ dãi.

Ông có tin LHP Quốc tế Hà Nội sẽ dần định hình phong cách, tiêu chí riêng để không lẫn với các liên hoan khác?

Điều này hơi khó, bởi chỉ có những LHP lớn mới có phong cách. Chẳng hạn Cannes luôn khích lệ những tìm tòi văn hóa để chống lại sự xâm lăng của Hollywood. Giờ Venice thường khích lệ các phim phi phương Tây, họ cấp tiền cho một số đạo diễn trẻ làm phim và trao giải.  Và chúng ta cần phải nhớ, điện ảnh không đơn thuần là ngành công nghiệp hay giải trí, thương mại, mà sâu xa hơn, chính là tư tưởng và tâm hồn dân tộc. Xu thế toàn cầu hóa đang xóa nhòa những cái riêng biệt này. Bạn cứ nhìn những nghệ sỹ tham dự HANIFF mà xem. Họ không những khác nhau về cách ăn mặc mà còn ngầm thể hiện tính cách dân tộc qua những bộ phim.

MỚI - NÓNG