Bốn ngày sau một hội thảo khoáng đạt về đề tài này ở Hà Nội hôm 25/7 do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức, lãnh đạo tỉnh miền trung Hà Tĩnh trần tình với Bộ KH&ĐT xin dừng đại dự án vì thấy hai vạn rưỡi dân mình nếm no đòn sau sáu năm dự án khai thác ở dạng “thử”. Gần như lập tức sau đó, ngày 29/7, Bộ Công Thương phát thông cáo báo chí rền rĩ không thể dừng được vì “chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn” và đề nghị cần xem xét một cách thận trọng và toàn diện.
Không rõ còn cần “cơ sở” gì nữa khi hầu hết các đại gia ngoại thực lực hơn đứt năm cổ đông nội cả về công nghệ và vốn đều chào tạm biệt với lý do không có lãi, lý do quặng sắt ở đấy nhiều thật đấy nhưng khó “đãi sạch”, khi dân các xã của huyện Thạch Hà vật lộn với nạn nước ngọt biến mất dạng và cây chết khô?
Người ta còn luận chứng hiệu quả kinh tế của dự án cập nhật tháng 3/2017 cao hơn so với phê duyệt năm 2014. Cứ cho số lãi ấy có thật, xin hỏi ta đã trừ các chi phí thiệt hại do hoạt động khai thác đã, đang và sắp gây ra chưa? Bộ chủ quản luận chứng tiếp rằng có thể thu hồi được nguồn nước ngọt với khối lượng lớn từ quá trình tháo khô mỏ và đấy là nguồn lãi bổ sung.
Xin hỏi nhà khoa học nào vẽ ra viễn cảnh dự án “làm đến đâu hiệu quả ngay đến đó”, nước ngọt ấy từ đâu ra, từ trên trời rơi xuống hay từ dưới mỏ chảy lên? Nếu đúng thế, tại sao hầu hết các mỏ sắt tập trung trên thế giới, trong đó có ở Nga, Đức, Mỹ, sau khi khai thác xong đều để lại một hoang mạc mênh mông mà không sao khắc phục nổi? Các nhà khoa học nhận định nguyên nhân chủ yếu vẫn là do mực nước ngầm hạ thấp khiến cây cối không còn nguồn sữa thiên nhiên.
Đấy là chưa kể, khi bơm nước hố móng, các kim loại nặng và độc hại sẽ được xử lý sao đây? Rồi lúc mở mỏ, các tạp chất phổ biến như lưu huỳnh, kể cả một số chất phóng xạ tha hồ khuếch tán, chúng sẽ được thu hồi thế nào?
Một khi mỏ sắt Thạch Khê đi vào khai thác quy mô lớn, thảm hoạ môi trường sẽ gấp nhiều lần so với sự cố Formosa năm 2016. Sẽ không chỉ thành phố Hà Tĩnh bị tàn phá, cả một cùng biển từ Nghệ An vào Đà Nẵng cũng khó thoát.
Quặng sắt Thạch Khê có hàm lượng kẽm rất cao, khiến giá thành chế biến đội lên nhiều lần mà vẫn cứ hô hào khai thác là sao? Có phải thực sự vì nhu cầu sản xuất thép không hay vì động cơ khác khi mà thị trường quặng sắt và thép toàn cầu đang xám ngoét?
Thưa các nhà khai thác, tốt nhất ta hãy tạm quên đi và coi đó như của để dành cho con cháu.