Gia tăng hộ nghèo
Năm 2007, dự án mỏ sắt Thạch Khê do Cty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư chính thức đi vào hoạt động, hàng ngàn người dân của Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Đỉnh... vui mừng vì trên mảnh đất quê hương có một đại dự án hàng nghìn tỷ được triển khai. Thế nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, khi người dân đang phấn khởi chuẩn bị cho cuộc sống mới trên vùng tái định cư để nhường đất cho dự án thì tiếng máy từ công trường bỗng tắt.
Năm 2011, những chiếc xe tải khủng lũ lượt rời khỏi đại công trường bỏ lại những cồn cát cao ngút trời với vô vàn ao tù, nước đọng. Cũng từ đó đến nay, cuộc sống của hơn 25 nghìn hộ dân nơi đây “sống dở chết dở”. Con đường dẫn xuống trung tâm xã Thạch Hải những ngày đầu tháng 8 khô khốc một màu cát trắng. Trong ngôi nhà ẩm thấp, bà Trương Thị Tuyết, trú tại Đội 1, thôn Liên Hải, xã Thạch Hải, mò mẫm lấy nước mưa từ những chiếc can đựng sẵn để nấu ăn cho gia đình. “Trước khi cái mỏ sắt về đào đất giếng nước lúc nào cũng dùng quanh năm. Vậy mà cả chục năm nay giếng trơ đáy, người dân khốn khổ xây bể, mua can nhựa về trữ nước khổ sở thế này đây”, bà Tuyết nói.
Gia đình bà Tuyết cũng như hơn 150 hộ dân thôn Liên Hải nằm trong diện di dời. Ấy vậy mà sau khi kiểm đếm tài sản xong thì im ắng cho đến nay, xây dựng nhà cửa riêng cho con cái bị cấm. “Nước ngầm bị tụt, đất khô đến cây phi lao còn không sống nổi. Muốn xây dựng cho con cái nhà cửa cũng bị cấm không được xây dựng”, bà Tuyết kể.
Cạnh nhà bà Tuyết là nhà trưởng thôn Liên Hải, ông Trần Đình Năm. Khi PV Tiền Phong đến nhà, có rất nhiều người dân trong thôn đang có mặt tại đây tỏ ra bức xúc khi biết PV tìm hiểu về dự án mỏ sắt Thạch Khê. Theo trưởng thôn Liên Hải, hiện toàn thôn có khoảng 30ha đất trồng hoa màu phải bỏ hoang nhiều năm nay. “Nước ngầm bị tụt sâu, cây cối nào sống được. Các giếng nước ngọt trước đây luôn đầy nước nay người dân phải bỏ đi hết để khoan giếng sâu cả mấy chục mét mới có nước sinh hoạt. Người dân quá khổ sở với cái dự án này lắm rồi. Hãy dừng lại để người dân yên ổn làm ăn và sinh sống”, trường thôn Liên Hải bức xúc.
“Riêng xã Thạch Hải theo quy hoạch toàn xã phải di dời, đến nay có trên 110 hộ dân rất cấp thiết phải cấp đất tách hộ. Có nhiều hộ dân sống chung 4 thế hệ trong một nhà nhưng không có quĩ đất. Xã Thạch Bàn có trên 50 hộ dân thôn Đồng Thanh cấp thiết phải di dân tái định cư (sát moong mỏ) nhưng khu tái định cư Thạch Bàn II chưa hoàn thiện...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, Nguyễn Quốc Hương nói. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, nhiều đất đai, cây cối và lăng mộ tại xã Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn nằm trong kế hoạch giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa được bồi thường và di dời. Việc xây dựng hạ tầng các khu tái định cư (TĐC) thiếu đồng bộ như khu TĐC xã Thạch Đỉnh không có nước sạch cho các hộ, khu TĐC Thạch Bàn còn dở dang. “Do nằm trong quy hoạch nên việc khai thác, sử dụng quỹ đất để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển mô hình kinh tế gặp nhiều khó khăn. Hiện số hộ nghèo của 6 xã vùng mỏ sắt lên tới gần 800 hộ, cận nghèo lên tới gần 700 hộ”, ông Hương nói.
Kiến nghị dừng dự án
Tại cuộc làm việc với Bộ KHĐT ngày 29/5 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhận định nếu dự án tiếp tục triển khai sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường. Cụ thể, quy mô và phạm vi dự án rất lớn, nên vấn đề ô nhiễm môi trường, sa mạc hóa, sụt giảm nguồn nước ngầm; moong mỏ tạo thành hồ lớn sâu nằm ngay bên bờ biển và thành phố Hà Tĩnh… có thể gây ra những hậu quả khó lường. Về mặt kinh tế sẽ mất cả khu du lịch Thạch Hải, tiềm ẩn ảnh hưởng rủi ro lớn đến cả dải du lịch ven biển của Hà Tĩnh. “Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải xuống cấp nhanh chóng. Ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, ổn định đời sống nhân dân, phát triển đô thị của cả khu vực Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh”, báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nếu triển khai dự án sẽ gặp nhiều khó khăn trong các bước tiếp theo về giải phóng mặt bằng và tái định cư cho hơn 3.952 hộ dân. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ ra nhiều bất cập trong đánh giá tác động môi trường của dự án này.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, với quy mô, phạm vi ảnh hưởng rất lớn của mỏ sắt Thạch Khê, tính chất phức tạp khi khai thác (nằm sát biển, trong khu vực dân cư), yêu cầu cao về công nghệ luyện quặng, yêu cầu khai thác gắn với chế biến... đòi hỏi phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng khi lựa chọn nhà đầu tư theo khuyến cáo của Tập đoàn Monitor Mỹ (đơn vị tư vấn lập quy hoạch tổng thể). Theo đó, để khả thi cần phải có một nhà đầu tư mạnh, có đầy đủ năng lực về quản lý, kỹ thuật và tài chính để thực hiện. “Với những yêu cầu này TIC khó đáp ứng các điều kiện làm chủ đầu tư dự án theo suốt thời gian vòng đời dự án (tuổi thọ mỏ dự kiến là 52 năm). Các hệ lụy, rủi ro tiềm ẩn nếu triển khai dự án có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân, môi trường, kinh tế - xã hội của tỉnh và cả vùng”, ông Dương Tất Thắng cho hay.
“Với những cơ sở như trên, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét dừng dự án, khi nào có đủ các điều kiện mới được thực hiện”, ông Dương Tất Thắng đề nghị.