Đây không phải là vụ hoả hoạn đầu tiên cướp đi sinh mạng của gần chục con người, trước đó tại nhiều tỉnh thành trên cả nước có hàng trăm vụ cháy xưởng sản xuất, nhà ở, ki ốt...khiến số người tử vong lên đến hàng chục, hàng trăm. Thương tâm là vụ cháy nhà tại Hải Phòng khiến 6 nạn nhân trong một gia đình đang ngủ đều bị ngọn lửa thiêu cháy mà không tìm được cách nào để thoát thân. Hay như vụ cháy tại một ngôi nhà trong hẻm số 453 đường Lê Văn Sỹ ở quận 3, TPHCM, làm 6 người chết và 4 người bị thương một cách oan ức... Tất cả đều chung một bi kịch: không có một lối nào để họ có thể thoát hiểm được ngoài cửa chính ra vào.
Có lẽ phần lớn các nhà ở hay nhà xưởng ở thành phố lớn hiện nay được xây dựng đều gần như không hề được tính toán cho phương án thoát hiểm khi gặp hoả hoạn hay sự cố. Điều đó khiến cho những lúc “thần hoả nổi giận” thì con người như bị nhốt trong ma trận các bức tường và đều bất lực ôm nhau đầu hàng số phận. Đây là sự chủ quan, thờ ơ, không coi trọng phòng chống hoả hoạn hay không còn cách nào cho những ngôi nhà hình ống san sát nhau dài hun hút hiện nay ở các thành phố lớn?
Nhiều nhà dân không có hệ thống phòng cháy chữa cháy đã đành, các nhà xưởng, ki ốt… được dùng để sản xuất kinh doanh cũng không bao giờ đề phòng “bà hỏa”. Tại các thành phố lớn hiện nay, bất chấp những quy định cấm các cơ sở sản xuất có nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm mọc trong khu dân cư, các nhà xưởng vẫn vô tư mọc lên, nó được ví như những “quả bom nổ chậm” án ngữ trên đầu dân, rình rập mỗi khi con người sơ sẩy. Còn nhớ năm 2015, một vụ cháy nổ xảy ra ở cơ sở sản xuất hóa chất ở tại quận Tân Phú không chỉ lấy đi tài sản của chủ xưởng mà làm 2 người hàng xóm chết oan; tài sản của nhiều người dân sống xung quanh nhà xưởng cũng bị vạ lây khi bị “bà hỏa” ghé thăm thiêu rụi.
Nhìn vào con số mỗi năm cả nước có hơn 60 người chết vì cháy nổ và thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do hỏa hoạn gây ra khiến nhiều người giật mình. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm trở lại đây, cả nước đã xảy ra gần 17 nghìn vụ cháy. Hỏa hoạn không trừ một ai, nó có thể “ghé thăm” ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân và làm chết 688 người, làm bị thương 1.848 người. Bên cạnh nỗi đau đớn mất mát về con người, cháy nổ cũng cướp đi ít nhất gần 5 nghìn tỷ đồng.
Cảnh báo là vậy. Nhưng lạ thay, tại nhiều nơi, việc cơ quan nào kiểm tra giám sát về hệ thống phòng cháy chữa cháy ở những cơ sở này vẫn còn bỏ ngỏ. Cũng có chuyện, ở một số công trình lớn, cơ quan phòng cháy chữa cháy đến nghiệm thu mà không cần kiểm tra thực nghiệm, chỉ cần nhìn thấy và nghe báo cáo là ký biên bản…đạt yêu cầu. Đối với nhà máy hay nhà xưởng nhỏ, không có cơ quan nào kiểm tra hoặc chỉ kiểm tra trên bản vẽ.
Sự bất cẩn hay chủ quan, điếc không sợ súng của người dân, cộng thêm sự thiếu trách nhiệm, dễ dãi của cơ quan quản lý liên quan đã đẩy số phận của nhiều người vô tội đến cửa tử.