Cử tri Nguyễn Bạch Đằng (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) cho rằng, người dân đã đóng nhiều loại phí khi mua xe máy và khi vận hành xe cũng đã nộp phí qua xăng dầu. Thực tế, nhiều người mua xe máy để đón con đi học, đi chợ, rất ít sử dụng đường bộ. Có người sắm phương tiện nhưng đi làm ăn xa, cả năm mới sử dụng xe vài lần. Trong khi đó, số tiền thu được không nhiều, chi phí hành thu cho bộ máy thu phí ở các địa phương quá lớn (chiếm 20% mức thu).
“Để đảm bảo công bằng trong chính sách phí và lệ phí, cử tri phường Thạnh Mỹ Lợi đề nghị nhà nước bỏ thu phí đường bộ với xe máy” - Ông Đằng nói.
Một số cử tri quận 9 kiến nghị nếu nhà nước vẫn tiếp tục triển khai thu phí đường bộ đối với xe máy thì nên thu qua xăng dầu để đảm bảo tính công bằng (đi ít nộp ít, đi nhiều nộp nhiều), người dân không mất nhiều thời gian đi nộp phí và nhà nước cũng không cần phải huy động cả bộ máy để thu phí.
Theo cử tri Phạm Văn Hoan (phường Bình Trưng Đông, quận 2), người sở hữu xe máy đa số là dân lao động, người nghèo, chiếc xe là phương tiện cho dân lao động nghèo kiếm sống. Nếu thu phí đường bộ thì đời sống dân nghèo càng khó khăn hơn vì người dân đã nộp hàng chục loại phí như An ninh quốc phòng, Phòng chống lụt bão, Vì người nghèo, biển đảo,…
Đề cập đến nạn “phí chồng phí”, cử tri Nguyễn Bạch Đằng bức xúc: Ăn thịt gà phải nộp 14 loại phí kiểm dịch. Ăn một hạt cơm cũng phải chịu hàng chục loại phí. Có nhiều loại phí hết sức vô lý như tàu thuyền chạy trên sông phải đóng phí luồng lạch, vào cảng nộp phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú… như vậy nhiều phí quá.
Trả lời các cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, TPHCM và một số địa phương không đồng tình và đề nghị Quốc hội không đưa phí đường bộ xe máy vào danh mục dự thảo Luật phí và lệ phí mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9. Dự luật này sẽ tiếp tục được xem xét tại các kỳ họp sau trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu trước khi được biểu quyết, thông qua.
“Trước khi Luật này được ban hành và có hiệu lực, việc thu phí đường bộ xe máy hiện nay căn cứ theo Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định của chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính nên TPHCM phải chấp hành. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng đến số đông người lao động, dân nghèo, phương pháp hành thu còn nhiều bất cập nên HĐND TPHCM xin ý kiến thường trực Thành uỷ, làm việc với Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và đã có văn bản yêu cầu báo cáo công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai thu phí, những thuận lợi khó khăn… tại kỳ họp thứ 18 để HĐND TPHCM xem xét. UBND TPHCM sẽ vẫn tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị nhưng không được thu phí đường bộ xe máy cho đến khi diễn ra kỳ họp HĐND TPHCM” - bà Tâm khẳng định. Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 18 sẽ diễn ra từ ngày 28 đến ngày 31/7.
Không đồng tình hạ chuẩn sát hạch lái xe container
“Chúng ta đang hướng tới mục tiêu lâu dài là giảm tai nạn giao thông, giảm thương vong về người. Người dân địa phương chúng tôi ví xe đầu kéo container lăn bánh trên đường là những hung thần. Mỗi khi kẹt xe đường Đồng Văn Cống, nhiều xe container đi vào khu dân cư số 1, chung cư phường Thạnh Mỹ Lợi. Xe được trang bị còi tàu hoả, còi tàu thuỷ, lái xe bấm còi hết cỡ và lạng lách như một “cỗ quan tài bay”. Loại xe siêu trường, siêu trọng này có quán tính rất lớn, khi gây tai nạn sẽ rất nghiêm trọng, không hiểu vì sao lại hạ tiêu chuẩn sát hạch với lý do không thuyết phục là thiếu lái xe có bằng FC”
Ông Nguyễn Bạch Đằng, cử tri phường Thạnh Mỹ Lợi