Kinh tế đã vượt lên như vậy, tuy nhiên so với các nước, chúng ta vẫn tụt hậu. Từ khi đất nước giải phóng đến nay đã 40 năm rồi, mà lại tụt hậu thế này thì chúng ta phải thấy đó là một nguy cơ. Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… chỉ sau 20 năm họ đã bật dậy, trở thành một con rồng. Chúng ta cũng nghĩ sẽ là con rồng nhưng đến nay vẫn chưa là con rồng nào cả.
Một vị tướng nói với tôi rằng: Nỗi nhục của thế hệ chúng tôi là nỗi nhục mất nước, thân phận nô lệ. Còn nỗi nhục bây giờ là nỗi nhục tụt hậu. Chúng ta cần thấm thía câu nói sâu sắc này để thấy chúng ta đang ở đâu, sẽ phải tiến lên như thế nào.
Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn. Trước hết phải đổi mới tư duy. Cùng với đó phải đổi mới Đảng, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và đổi mới quản lý Nhà nước. Điều lệ Đảng Đại hội XII coi như đã hoàn thiện, nhưng theo tôi nhận thức vẫn chưa đủ, còn phải bổ khuyết. Hiến pháp quy định Quốc hội có 14 nhiệm vụ quyền hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 12, Chủ tịch nước có 11, Thủ tướng Chính phủ có 7 nhiệm vụ, quyền hạn. Cứ theo các nhiệm vụ quyền hạn mà làm, làm không đúng bị phê bình, làm vượt quá là vi hiến. Trong khi đó Điều lệ Đảng chỉ nói Ban chấp hành Trung ương là cơ quan cao nhất giữa hai Đại hội, lãnh đạo để thực hiện Nghị quyết Đại hội, như thế chưa đủ.
Theo tôi phải bổ khuyết Ban chấp hành Trung ương có bao nhiêu nhiệm vụ quyền hạn. Từ quy định đó, Ban chấp hành Trung ương phải làm đầy đủ, làm ít hơn là khuyết điểm, làm nhiều hơn là vi phạm điều lệ Đảng. Rồi Bộ Chính trị cũng phải quy định rõ có những nhiệm vụ quyền hạn gì.
Đổi mới tư duy phải cụ thể hóa như vậy. Điều 4 Hiến pháp phải cụ thể hóa ra. Đảng lãnh đạo thì phải có một luật quy định về sự lãnh đạo của Đảng. Đó không phải một cái vòng kim cô mà là một sự mở ra. Tôi mong muốn tinh thần đổi mới từ Đại hội VI được hâm nóng lại, để không khí và tinh thần đổi mới Đại hội XII cao hơn nữa.