Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, từ năm 2018 đã có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Giảm 17/41 điểm ùn tắc
Thưa ông, năm 2017 được đánh giá là năm lĩnh vực giao thông Thủ đô đạt nhiều thành quả, ông cho biết các kết quả này là gì?
Ngày từ đầu năm 2917, Sở GTVT tham mưu, Thành ủy và UBND thành phố đã ban hành tổng cộng 6 chương trình, kế hoạch. Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính, như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, ATGT; Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; Quản lý, tổ chức, khai thác hạ tầng giao thông; Quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả vận tải hành khách công cộng, giảm xe cá nhân Kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự, ATGT; ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành giao thông (giao thông thông minh).
Sau một năm triển khai, tất cả các nhóm giải pháp trên đều có chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong năm 2017, Sở GTVT đã chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông như: cầu vượt nút giao Cổ Linh, cầu vượt nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, triển khai thực hiện 75 dự án sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông và dự án thuộc chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông. Thực hiện nhiều phương án phối hợp tổ chức giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố qua đó đã giải quyết được 17 trên tổng số 41 điểm ùn tắc giao thông. Cơ bản giải quyết được 46 điểm đen về tai nạn giao thông; giúp TNGT thủ đô trong năm qua giảm cả 3 tiêu chí: giảm 104 vụ (6,7%), giảm 11 người chết (1,9%), giảm 180 người bị thương (13,8%). Triển khai ứng dụng giao thông thông minh trong tổ chức quản lý giao thông, như: Tổ chức đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ trên 5 tuyến phố; Tổ chức thí điểm ứng dụng công nghệ tìm kiếm điểm đỗ xe và thanh toán dịch vụ qua điện thoại thông minh iParking trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và đạt kết quả tốt; Ứng dụng phần mềm quản lý GovOne nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát, duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố; Triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT 01 (Bến xe Kim Mã - Yên Nghĩa). Tổ chức vận hành thí điểm tuyến buýt nhanh BRT 01 từ ngày 1/1/2017, đây là tuyến buýt nhanh đầu tiên tại Hà Nội và cả nước. Đưa thêm 17 tuyến buýt mới vào hoạt động và lần đầu tiên sau 9 năm mở rộng Hà Nội, các huyện ngoại thành đã được kết nối xe buýt có trợ giá đến 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Lần đầu tiên sau nhiều năm suy giảm, sản lượng vận tải hành khách công cộng bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại (năm 2017 tăng gần 3% so với năm 2016, tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn thành phố ước đạt 767,5 triệu lượt hành khách, trong đó xe buýt đạt 441 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 13,8% nhu cầu đi lại của người dân). Đã áp dụng 40 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để giải quyết thủ tục hành chính với hồ sơ giải quyết đúng hạn 99,9%. Đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm 26.628 trường hợp, xử phạt tiền trên 45 tỷ đồng. Tham mưu trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”. Đề án được thông qua với nhiều giải pháp đột phá, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành hiện nay vừa đáp ứng lâu dài cho quá trình phát triển GTVT trên địa bàn thành phố.
Cụ thể hóa nhiều giải pháp
Năm 2017 còn được đánh giá là năm có nhiều “đột phá” về các giải pháp quản lý, tổ chức giao thông, một số giải pháp nổi bật này là gì thưa ông?
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và bộ GTVT, trong năm 2017, Sở GTVT đã triển khai hàng loạt giải pháp mang tính đột phá để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong nhiều năm qua. Ngay từ ngày đầu năm, Sở GTVT đã phối hợp với Công an thành phố triển khai phương án sắp xếp, điều chuyển thành công 681 lượt - “nốt” xe khách liên tỉnh tại 3 bến xe lớn.
Với trên 90% tỷ lệ phiếu tán thành, tháng 7/2017 HĐND thành phố đã thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”. Đề án sẽ thúc đẩy phát triển VTHKCC đồng bộ, có phương án, lộ trình từng bước hạn chế xe cá nhân trong khu vực trung tâm, tiến tới năm 2030 dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. Việc thông qua đề án cũng kết thúc hơn 10 năm thành phố tìm giải pháp “quản” xe cá nhân. Thực hiện có hiệu quả và lên phương án nhân rộng việc đỗ xe theo công nghệ iParking và ngày chẵn lẻ trên nhiều tuyến phố; phương này ngoài sự văn minh, tiện dụng cho người sử dụng còn giúp thành phố quản lý giao thông tĩnh theo hướng công khai, minh bạch.
Với việc có nhiều giải pháp mang tính quyết sách được “ấn nút”, đâu sẽ là nội dung được Sở GTVT ưu tiên triển khai trong năm 2018?
Trong năm 2018, Sở GTVT tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm ùn tắc, đảm bảo giao thông theo 6 nhóm giải pháp đã được Thành ủy, UBND thành phố đưa ra. Cùng với đó, Sở GTVT ưu tiên triển khai các nhóm giải pháp trong đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông" và triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng để triển khai các nội dung liên quan đến giao thông thông minh trong chương trình xây dựng "Thành phố thông minh" và chính quyền điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố.
Ngay từ đầu năm 2018, nhiệm vụ đang được Sở GTVT ưu tiên triển khai là tiếp tục thực hiện các phương án tổ chức giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông, công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông; đảm bảo giao thông, đi lại trong dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết nguyên đán Mậu Tuất. Tiếp đến, tham mưu cho thành phố triển khai Chương trình tổng thể về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố và triển khai đề án quản lý phương tiện giao thông, hiện Sở GTVT đã chọn ra 21 trên tổng số 41 nhóm giải pháp của đề án để triển khai. Lập Quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi đến năm 2030 để đảm bảo quản lý số lượng xe taxi hợp lý, trong đó quy định hạn ngạch đối với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (Uber, Grab…); Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố; Xây dựng Đề án giao thông thông minh trong tổng thể đề án Thành phố thông minh của UBND thành phố; Tiếp tục triển khai thực hiện công tác duy tu, bảo trì, đảm bảo an toàn giao thông; Tăng cường quản lý nhà nước về vận tải, trong đó có tiếp tục rà soát các luồng tuyến vận tải hành khách tuyến cố định để tham mưu, đề xuất Bộ GTVT, thành phố sắp xếp lại cho hợp lý để giảm ùn tắc; Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT; từng bước xây dựng văn hóa giao thông, góp phần giảm ùn tắc, TNGT trên địa bàn thành phố.
Trân trọng cảm ơn ông.