Nguyễn Thị Lan Anh (thứ 4 từ trái sang) đã đào tạo nhiều thế hệ học viên để thi tuyển vào các hãng hàng không trong và ngoài nước. |
Gần 8 năm làm công việc đào tạo, Nguyễn Thị Lan Anh (quê Hải Dương) đã hỗ trợ khoảng 7.000 học viên tiếp viên hàng không. Một tỷ lệ lớn trong số đó đã trúng tuyển vào các hãng hàng không trong và ngoài nước.
Những ngày đầu bước chân vào nghề “dạy học”, Lan Anh bị chỉ trích là “lừa đảo”, “tại sao đi thi cái này lại cần phải học”… Nhưng bây giờ khi thấy nhiều học viên mà cô đào tạo ra đáp ứng được tiêu chuẩn nghề nghiệp, người ta đã bớt định kiến và cô cũng bắt đầu có những đối thủ trên thị trường ngách này.
Sau 3 năm làm tiếp viên hàng không của hãng Emirates (Dubai), Lan Anh xin nghỉ việc để làm công việc đào tạo. Cô chia sẻ, thực ra ý tưởng ban đầu là của mẹ cô. “Mẹ tôi công tác trong trường đại học. Thỉnh thoảng, mẹ có khoe con gái với các bạn sinh viên. Các bạn hay hỏi muốn trở thành tiếp viên hàng không thì cần những gì, thi như thế nào… Các bạn rất thích công việc này. Từ đó, mẹ mới gợi ý ‘sao con không về dạy các em?’.
Bản thân tôi, sau 3 năm trải nghiệm làm tiếp viên cũng đã cảm thấy đủ. Thậm chí, có những điểm đến tôi thấy chán vì đã đến quá nhiều. Mặt khác, tôi thích được liên tục thử thách và học hỏi, vì thế tôi tự hỏi bản thân ‘liệu mình có muốn gắn bó với nghề hay nên thử sức một cái mới?’”.
“Tôi cũng nghĩ ngày xưa mình đi thi không có ai chia sẻ, hướng dẫn nên khá chật vật. Vậy tại sao mình không giúp các em?”.
Lan Anh có 3 năm làm tiếp viên hàng không và 8 năm làm công việc đào tạo. |
Sửa ngọng, học tiếng Anh, giảm cân… để làm tiếp viên hàng không
Cô gái sinh năm 1992 tự hào chia sẻ, khóa học viên đầu tiên của cô có 15 người thì hiện có 14 bạn làm trong ngành. Nhiều bạn trong số đó đã thăng tiến lên tiếp viên trưởng, tiếp viên phó của các hãng.
Tiêu chí tuyển chọn chung của các hãng hàng không thường bao gồm các yếu tố: ngoại hình, khả năng giao tiếp, ứng xử, tính cách và khả năng ngoại ngữ. Ngoại hình luôn là vòng tuyển đầu tiên trong chuỗi bài thi.
“Với những nhược điểm về ngoại hình có thể sửa hoặc cải thiện được, tôi sẽ tư vấn các bạn cách để thay đổi, ví dụ như cần tăng cân, giảm cân, sửa răng, dáng di… Thậm chí, nếu các bạn từ 15 đến 19 tuổi, tôi vẫn gợi ý các bạn các bài tập để cải thiện chiều cao”.
Các ứng viên phải học từ cách đi đứng, cách buộc tóc đúng quy chuẩn... để thi vào nghề tiếp viên hàng không. |
Cô cho biết, các học viên thường phải cải thiện nhiều nhất là khả năng giao tiếp tiếng Anh. “Có những bạn đến với tôi với kỹ năng giao tiếp tiếng Anh gần như là con số 0. Nhưng sau một thời gian quyết tâm rèn luyện, trình độ của các bạn đã khác hẳn.
Có nhiều bạn đến từ Hải Phòng, Hải Dương thì ngọng n và l. Nhưng nếu chăm chỉ và nỗ lực, nhược điểm đó cũng không quá khó để sửa. Có bạn quyết tâm thay đổi ngoại hình bằng những ca phẫu thuật đau đớn. Có bạn lại chia sẻ chân thành rằng vì gia đình quá nghèo, muốn thay đổi cuộc đời nên tìm đến công việc này.
Mỗi người đến với nghề đều mang theo những đam mê, mục đích, động lực của riêng mình. Tôi trân trọng và luôn cố gắng hỗ trợ các bạn tốt nhất có thể. Tuy nhiên, để đạt thành công cần sự nỗ lực của cả hai phía, chứ một mình tôi không thể làm nên điều kỳ diệu”.
Học cách trở thành người khiêm tốn
Ngoài tiêu chí về ngoại hình và tiếng Anh, một tiêu chí khác cũng vô cùng quan trọng là kỹ năng giao tiếp, ứng xử và tính cách. Lan Anh nói, bản thân cô từng trượt vị trí tiếp viên hàng không của Emirates lần đầu tiên vì đã thể hiện một nét tính cách không nên có khi làm ngành dịch vụ.
Đó là một kỷ niệm có lẽ cô không bao giờ quên và cũng nhờ nó mà cô rút ra nhiều bài học cho mình.
Lan Anh kể, ngày đó thi tuyển tiếp viên hàng không của các hãng trong nước hay ngoài nước đều rất khó, cạnh tranh rất cao. Hãng Emirates mà cô chọn năm ấy có 400-600 hồ sơ ứng tuyển. Sau 4 phần thi, họ chỉ lấy 13 người vào vòng phỏng vấn. Cô là một trong số đó.
Những trải nghiệm quý giá khi làm tiếp viên hàng không giúp Lan Anh học hỏi nhiều điều hữu ích cho cuộc sống và sự nghiệp sau này. |
Không giống như bây giờ - các hãng chỉ phỏng vấn ứng viên khoảng 10-15 phút, ngày đó, cô “bị quay” tới 1-2 tiếng đồng hồ. Hội đồng giám khảo sẽ quan sát từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, cách giao tiếp của ứng viên để đánh giá.
“Tôi tự cảm thấy mọi thứ mình làm rất tốt. Về kỹ năng ngoại ngữ, tôi nói được cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha với ban giám khảo. Kinh nghiệm của tôi cũng rất tốt vì từng làm việc cho đại sứ quán. Thành tích học tập của tôi cao, các năm đều giành học bổng. Khi còn là sinh viên, tôi được các thầy cô quý mến. Ra trường, các thầy cô cũng giới thiệu cho những chỗ làm tốt. Tính tôi nhẹ nhàng, khéo léo nên cũng được các cô chú trong cơ quan yêu mến.
Chính vì con đường học tập và sự nghiệp rất suôn sẻ trước đó mà tôi có một chút kiêu ngạo và tự phụ về bản thân”.
Trong vòng phỏng vấn, cô được các giám khảo khen hết lời. Họ không ngại ngần nói rằng họ rất thích cô và mong những gì tốt đẹp nhất đến với cô.
Chắc mẩm là mình sẽ trúng tuyển, 3 tuần sau, khi nhận được tin báo trượt, Lan Anh bàng hoàng và “sốc” mất chục ngày sau đó.
“Tôi không hiểu tại sao mình trượt trong khi mọi kỹ năng và thành tích của mình tốt hơn một số bạn trúng tuyển đợt đó. Tôi bắt đầu đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh. Mất hơn 1 tuần, tôi mới bình tĩnh để nhìn nhận lại bản thân. Cùng lúc đó, tôi nói chuyện với một số bạn thi cùng đợt thì phát hiện ra là các bạn có thái độ rất khiêm tốn.
Tôi ngồi phân tích lại từng câu trả lời của mình thì mới biết là mình đã quá kiêu ngạo khi kể một câu chuyện thời sinh viên”.
Cụ thể, khi ban giám khảo hỏi “bạn đã bao giờ lâm vào tình huống xung đột, bất đồng quan điểm với thầy cô, bạn bè của mình chưa?”, Lan Anh đã kể câu chuyện từng bị điểm 5 hồi học đại học.
“Tôi nhớ như in câu trả lời đó. Bởi vì tôi luôn là sinh viên xuất sắc, điểm số của tôi rất cao, kể cả bài kiểm tra hôm đó tôi cũng thấy mình làm rất tốt. Nên khi nhận được điểm 5, tôi nghĩ rằng vấn đề là do thầy cô, chứ không phải do mình. Cách mà tôi làm là học thật chăm chỉ để kỳ thi tiếp theo, tôi lại đứng đầu để chứng minh thầy cô đã sai”.
“Chính vì câu trả lời đó mà tôi trượt. Nhưng từ thất bại đó mà tôi rút ra nhiều bài học. Tôi đã thay đổi tính cách kiêu ngạo của mình vì biết sẽ luôn có những người giỏi hơn mình. Sự thay đổi thái độ này không chỉ giúp cho tôi làm tốt công việc tiếp viên hàng không, mà còn hữu ích với tôi trong những công việc sau này”.
Cũng từ đó về sau, khi làm bất kể việc gì, Lan Anh cũng luôn để tâm thế của mình ở trạng thái cân bằng để nếu chuyện có thành công hay thất bại thì cô cũng không bị quá lố về cảm xúc, cô gái quê Hải Dương chia sẻ.
Lan Anh chia sẻ, dù làm công việc gì – tiếp viên hàng không hay cô giáo dạy nghề, những trải nghiệm cô có được đều là những trải nghiệm quý giá, góp phần tạo nên Lan Anh của ngày hôm nay. Vì thế, cô luôn biết ơn quãng thời gian làm việc cho Emirates – nơi đã mang lại cho cô những trải nghiệm tuyệt vời đó.
Link bài gốc: https://vietnamnet.vn/cu-soc-sau-buoi-thi-tuyen-tiep-vien-hang-khong-cua-co-gai-hai-duong-2289646.html