“Bộ trưởng giáo dục” của đảo
Năm 1940, Cù Lao Ré vẫn còn là chốn xa xôi lắm. Thỉnh thoảng có chiếc thuyền chở gạo trắng và người đi từ đất liền ra đảo, nhưng có khi cách đảo khoảng 5 hải lý thì biển hết gió, cánh buồm co lại. Đứng trên thuyền có thể nhìn rõ rừng Bà Bút, rừng Nhợ, nơi có nhiều cây đùng đình là thứ gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu, nhưng khi hết gạo vẫn phải chặt ngọn, tước lấy lõi về ăn.
Người trên thuyền vẫy vẫy khi con thuyền đang chở nặng và mất cả buổi vẫn không nhúc nhích thêm về hướng đảo, mà tụt dần trở lại đất liền. Chàng thanh niên Dương Quỳnh từng có mặt trên những chiếc thuyền trôi lửng lơ gần Cù Lao Ré ấy. Người thầy của ông là Phạm Trung Cựu “cõng chữ” ra đảo dạy học trò, khi hết chương trình thì ông trở về đất liền và đám học trò phải vào theo để học thi lấy bằng Sơ học Yếu lược.
Bà con ở Cù Lao Ré rất kính trọng người vào đất liền để học Pờ-ri-me (bằng Sơ học Yếu lược - Primaire Élémentaire) để sau này ra đảo dạy lại cho con em, đỡ phải mời thầy từ đất liền. Và năm 1945, theo lời kêu gọi “diệt giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông giáo Dương Quỳnh (25 tuổi) khoác chiếc áo dài đen, đầu đội khăn đóng, giữ vai trò “Bộ trưởng giáo dục” ở đảo.
Năm 2021, cụ giáo Quỳnh đã bước sang tuổi 101, nhưng đôi tay vẫn nắm chắc được bút và chữ vẫn đẹp. Cụ cầm bút viết “Cours Préparatoire”, rồi giải thích, đó là lớp Đồng Ấu, sau đó tới lớp Sơ đẳng, lớp Nhì năm thứ nhất, lớp Nhì năm thứ 2, rồi tới lớp Nhất (Cours Supérieur). Cụ vẫn thông thuộc tiếng Pháp. Tôi phỏng vấn cụ đúng vào ngày báo Tiền Phong tổ chức giải Marathon 2020 (sáng 5/7/2020). Từ “marathon” dán khắp đảo có thể đã gợi lại cho cụ giáo ký ức sâu hơn về quá khứ.
Tại giải Tiền Phong Marathon, gần 2.000 vận động viên chạy trên những cung đường ven biển, vòng qua chân núi, ruộng trồng hành tỏi. Nhưng trong ánh mắt của cụ giáo lại đan xen hình ảnh, câu chuyện mới – cũ. Cụ khoát tay chỉ ra phía trước và cho biết, đường ven biển gần núi Thới Lới mà các vận động viên chạy từng là rừng Nhợ, gần đó là rừng Bà Bút, tiếp đến là rừng Truông, rừng Cương, trên núi có rừng Thới Lới. Tỉnh thoảng, cụ Quỳnh lại phải lôi vài cậu học trò đang co ro trong chiếc miếu giữa đường, chưa dám tới lớp vì đi qua rừng rậm, sợ ma theo về nhà.
Tiếng ốc u vang xa
Theo tài liệu, năm 1930-1931, dân số ở Cù Lao Ré khoảng 4.000 người; năm 1962, số dân có khoảng 6.400 người. Cù Lao Ré thời hoang vu có những bờ cát dài và rộng, những người dân chài khoác manh áo cũ, trên đầu đội quả bầu khô thay cho mũ khi chèo chống thuyền, rồi bật tung cánh buồm để đi đánh cá. Tiếng ốc u thổi tu tu trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm trên đảo cũng là âm thanh quen thuộc được những người lính tuần thổi tu…tu trong đêm, khi người đi tuần bảo vệ xóm làng.
Nhưng xâu chuỗi những điều mà ông giáo hơn 100 tuổi kể thì âm thanh của ốc u quá quan trọng và ăn sâu trong đời sống của người dân Cù Lao Ré. Bởi trong quá khứ, bà con ở đây liên tục báo động khi cướp biển (giặc Tàu Ô) lên đảo cướp phá. Dinh bà Roi trên đảo còn lưu lại câu chuyện bà đã chạy đi báo với cha mẹ, nhưng giữa đường gặp cướp biển nên nhảy xuống biển tự sát (năm 1645).
Tiếng ốc u trên đảo có lúc thổi liên hồi trong đêm là báo hiệu cá trích vào bờ. Có lẽ, trời thương dân đảo bơ vơ, nên năm nào cũng tặng cho Cù Lao Ré lộc biển. Từ tháng 7 đến tháng 11 cá trích tự áp sát vào đảo. Kể về lộc trời tặng cho người dân Cù Lao Ré vào thời đó, cụ giáo Quỳnh ngâm nga 2 câu vè “Cá trích còn ở biển Đông/ Ổng Cả đã bảo hái lá bông cho nhiều”.
Ốc u còn báo hiệu về những tin tức đáng sợ, đó là quan Bang tá hết nhiệm kỳ, quan mới ra thay. Trong sử sách ít thấy đề cập đến quan Bang tá được triều đình nhà Nguyễn cử ra cai quản Cù Lao Ré. Nhưng cụ giáo hơn bách niên vẫn nhớ như in hình ảnh Bang tá Đặng Sào, Trần Cửu. Người dân sợ những ông quan Bang tá, vì trên tay vị chúa đảo luôn dứ dứ chiếc roi được làm từ một vật được nhiều người truyền miệng là dương vật bò phơi khô, đánh rất đau.
Quan Bang tá mặc áo dài màu đen hoặc màu xanh có in hình chữ “Phúc”, áo lót bên trong màu trắng. Trên ngực áo quan Bang tá luôn dắt thẻ bài của triều đình để thể hiện quyền uy tối cao ở xứ đảo xa đất liền. Việc triều đình cắt cử quan lại từ Huế trực tiếp ra Cù Lao Ré để cai quản, có thể vì vùng biên hải này quá quan trọng ở biển Đông, trong đó có việc hàng năm đốc thúc trai tráng lên thuyền để đi ròng rã mấy ngày đêm ra Cát Vàng (Hoàng Sa) thu lượm hải vật, dựng bia, cắm mốc, đo đạc thủy trình.
Cù Lao Ré từng thuộc… Đà Nẵng!
Sau năm 1945, thực dân Pháp không còn hiện diện ở Quảng Ngãi, sứ mệnh của các ông quan Bang tá cũng kết thúc ở đảo. Cuộc sống nơi Cù Lao Ré tưởng chừng sẽ trở lại thời của hoang đảo. Nhưng tháng 8 / 1951, Pháp từ Tourane (Đà Nẵng) nhảy dù xuống chiếm đảo. “Ông đi học mới về thì thấy cả làng la lên, cái gì trăng trắng trên trời, lính nó nhảy dù. Vậy là chỗ nào cũng có lính đội mũ đỏ, lính mũ xanh lá cây”, cụ Quỳnh nhớ lại.
Lính Pháp, do quan ba Brévot chỉ huy đã nhảy dù xuống chiếm Cù Lao Ré, sau đó sáp nhập trực thuộc Tourane (Đà Nẵng), gọi là Polu Canton. Ông giáo Dương Quỳnh là người biết tiếng Pháp nên bị bắt ra làm thông ngôn. Bà con thường nhờ ông thưa kiện quan trên việc bọn lính đùa cợt với phụ nữ, có thằng bắt gà, các quy định cấm biển gây khó cho việc cả làng tập trung đi bắt cá trích...
Pháp rút khỏi Lý Sơn sau khi thất thủ ở mặt trận Điện Biên Phủ và Cù Lao Ré tiếp tục quay trở lại thời đảo hoang. Nhưng trước đó mấy tháng, cả đảo đột nhiên ù ù âm thanh của ốc u, người dân truyền miệng nhau về việc quan ba Brévot đã có danh sách bắt thanh niên Cù Lao Ré ra chiến trường để đánh trận cuối cùng. Những chiếc tàu từ Tourane ra Cù Lao Ré để chở lính, cả đảo tập trung ra bến tàu tiễn người thân bị bắt ra mặt trận giữa âm thanh tu… tu thê thiết.
Khoảng 4 năm sau khi thực dân Pháp rút, cây tỏi bắt đầu được đưa ra trồng trên mặt đất chi chít đá nham thạch như mặt trăng. Nhưng nhờ hành tỏi, bề mặt của đảo bắt đầu được dọn sạch, phân ô.
60 năm sau (2020), các vận động viên dự giải Tiền Phong Marathon sải chân chạy trên cung đường tuyệt đẹp - một bên là bờ biển, một bên là ruộng hành tỏi. Đảo Lý Sơn trong con mắt cụ giáo trên 100 tuổi, dòng biến thiên giống như vệt nham thạch in trên sườn núi. Và hoang đảo Cù Lao Ré một thời, giờ nhộn nhịp như phố biển.