Cú hích mới cho dự án 22 tỷ USD

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5, ngày 20/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Ảnh: TTXVN.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5, ngày 20/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Ảnh: TTXVN.
TP - Trong lịch dày đặc kín mít hơn một ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Bangkok tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần 5 chương trình bên lề có ghi 14 giờ 20 ngày 20/12/2014 tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Thái Lan. Cuộc gặp ngắn 30 phút ấy như là cú hích, dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện dự án “khủng” 22 tỷ USD?

Băn khoăn

Tân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng (có mặt trong buổi tiếp) cho biết, dự án (DA) Lọc hóa dầu Victory, ban đầu có tên Lọc hóa dầu Bình Định, được Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đề xuất cách đây hơn 3 năm, với quy mô lên tới 27 tỷ USD. Đầu tháng 9/2014, khi Báo cáo Nghiên cứu khả thi chính thức được nộp cho Bộ Công Thương, DA đã được điều chỉnh: Tên mới là Victory, có thêm một đối tác mới. Đó là Cty Dầu khí Saudi Aramco của Ảrập Xêút, một doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Cùng với việc đổi tên, thêm đối tác, quy mô DA được điều chỉnh còn 22 tỷ USD, với công suất 400.000 thùng dầu/ngày. Sự có mặt của Aramco đã tăng thêm tính khả thi cho DA. Mới đây, DA được Hội đồng Thẩm định thông qua, đặc biệt, trong 16 thành viên có cả đại diện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, DA sẽ giúp GDP cả nước tăng thêm 3 - 4% và Bình Định tăng thêm 30 - 40%.

Trước thời điểm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch PTT một ngày, ngày 19/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thay mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký QĐ 2591/TTg KTN. Theo đó, Chính phủ đồng ý bổ sung DA Victory vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam (dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025) UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch mặt bằng, bố trí đất đai, giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất của DA. Bộ Công Thương chủ trì, hoàn thiện thủ tục điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025...  UBND tỉnh Bình Định thực hiện việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho DA để triển khai các bước tiếp theo.

DA Victory được thực hiện với quy mô diện tích khoảng 1.400 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Chủ đầu tư: Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT), Cty Saudi Aramco ( Ảrập Xêút) và đối tác Việt Nam (nếu có). Tỷ lệ góp vốn dự kiến, PTT 40-45%. Saudi Aramco 40-45%, đối tác Việt Nam 15-20%. Dự án có công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm); 12 triệu tấn/năm các sản phẩm xăng, dầu 4,9 triệu tấn/năm sản phẩm hóa dầu DA sử dụng các loại dầu thô từ 3 khu vực Trung Đông châu Phi, Mỹ Latin. Sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư của DA khoảng 22 tỷ USD. Khi mở rộng công suất, tổng mức đầu tư có thể đạt mức 30 tỷ USD.

Chính phủ đồng ý đưa dự án vào danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho DA với thuế suất 10% trong 15 năm. Trong đó, miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, miễn thuế nhập khẩu dầu thô, máy móc, thiết bị phục vụ DA. DA được bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam theo cơ chế thị trường. DA được thuê đất với thời hạn 70 năm và được miễn tiền thuê đất trong thời hạn hoạt động. Chính phủ bảo đảm ổn định pháp luật về đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2005 và Luật Đầu tư 2014. Chính phủ ủng hộ quyền ưu tiên mở rộng công suất của DA. Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào theo quy định. Thuế xuất khẩu sản phẩm của DA và gia hạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm sẽ được xem xét trong giai đoạn thu xếp vốn, trên cơ sở kết quả thiết kế tổng thể...

Vì sao khi DA Victory Bình Định được PTT đề xuất, không ít ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ cũng như băn khoăn đối với dự án này. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, bởi DA có vốn đầu tư quá lớn, chưa kể hàng loạt vấn đề liên quan cung - cầu thị trường. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, cả hai nút thắt quan trọng này đã được tháo gỡ.

Cú hích mới cho dự án 22 tỷ USD ảnh 1 Chủ tịch PTT tặng tranh và chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bí thư tỉnh ủy Bình Định. Ảnh XB.

Và tin tưởng

Có lẽ chỉ tại thời điểm hai nhà lãnh đạo Việt Nam - Thái Lan (mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi tiếp Chủ tịch PTT đã tiết lộ, trước đó, trong buổi hội kiến Thủ tướng Thái Lan, ông đã trân trọng mời Thủ tướng Thái Lan sang thăm Việt Nam và dự lễ khởi công DA Victory) chính thức phát lệnh khởi công thì DA mới gọi tạm cán đích? Bởi từ thời điểm này đến dấu mốc quan trọng ấy còn nhiều việc mà hai bên phải ráo riết thực thi với rất nhiều cố gắng lẫn thiện chí như trong Quyết định 2591/TTgKTN đã chỉ rõ như: DA phải đáp ứng yêu cầu công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, bảo đảm về an toàn và môi trường. Phải làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư, của Nhà nước và tỉnh  Bình Định trong DA. Phải rà soát chặt chẽ về pháp lý trước khi cấp phép, nhất là các điều khoản về cam kết trách nhiệm của phía Việt Nam, bảo đảm không để sơ hở gây thiệt hại. Rồi các bộ (KH&ĐT, Tư pháp, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Bình Định trong việc rà soát về pháp lý; về năng lực của Nhà đầu tư, công nghệ áp dụng cho DA... Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Định hướng dẫn nhà đầu tư triển khai dự án, lập đánh giá tác động môi trường theo quy định, lập thiết kế tổng thể, chủ động xử lý các phát sinh của DA trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Được mua lại cổ phần một số lô thăm dò khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và tham gia đầu tư nâng cấp sân bay Phù Cát (Bình Định) để phục vụ nhu cầu năng lực của DA; Được sự chỉ đạo quan tâm sát sao của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam; Được hưởng những ưu đãi cho DA... Đó là trọng tâm kiến nghị của ông Piyasvasti Amrannad Chủ tịch PTT. Về đề nghị mong có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hoặc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đầu tư vào DA, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam nên làm việc với họ, nhưng với cơ chế thị trường hiện nay, quyền quyết định là của doanh nghiệp.

Nhất trí thực hiện Khung Đầu tư GMS

Chiều tối 20/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 5 tại Thái Lan, với sự tham dự của lãnh đạo Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung và công bố: Kế hoạch thực hiện Khung Đầu tư khu vực GMS giai đoạn 2014-2018; Tài liệu về thành lập Trung tâm Điều phối điện khu vực; Tài liệu về thành lập Hiệp hội Đường sắt GMS; Báo cáo rà soát Chiến lược giao thông GMS (2006-2015). Hội nghị cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần 6 tại Việt Nam vào năm 2017.

Nhân dịp tham dự GMS-5 tại Bangkok, ngày 20/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, nhằm trao đổi biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian tới. Hai bên khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, trong đó có hợp tác về gạo và cao su; đẩy mạnh kết nối giao thông cả về đường thủy và đường bộ, trong đó có việc mở các tuyến xe buýt vận tải hành khách nối Việt Nam với Thái Lan để tạo điều kiện đẩy mạnh giao lưu văn hóa và du lịch. Thủ tướng Prayut Chan-ocha thông báo, phía Thái Lan đang triển khai đăng ký cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan và đồng ý xem xét thúc đẩy ký thỏa thuận hợp tác về lao động giữa hai nước…

Bình Giang

MỚI - NÓNG