COVID-19: Diễn biến trái ngược ở Mỹ và châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Vũ công ở sân bay Heathrow (London, Anh) diện trang phục cờ Mỹ để ăn mừng ngày Mỹ mở cửa biên giới. Ảnh: PA
Vũ công ở sân bay Heathrow (London, Anh) diện trang phục cờ Mỹ để ăn mừng ngày Mỹ mở cửa biên giới. Ảnh: PA
TPO - Hồi tháng 9, vào thời điểm Nhà Trắng công bố kế hoạch chào đón trở lại các du khách châu Âu đã tiêm chủng, tỷ lệ số ca mắc mới trên đầu người của Mỹ thấp hơn châu Âu gần ba lần.

Khi ấy, các chính phủ châu Âu đang vạch ra lộ trình hướng tới bình thường mới. Còn Mỹ đang vật lộn với sự gia tăng số ca bệnh và các bệnh viện đang đối mặt với tình trạng quá tải.

Nhưng đến ngày 8/11, khi quy định mới có hiệu lực và hàng nghìn du khách từ châu Âu vượt Đại Tây Dương đến với các thành phố của Mỹ, thì châu Âu lại rơi vào thảm cảnh giống Mỹ trước đó hai tháng.

Châu Âu hiện đang được coi là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 lần thứ năm. Số ca mắc COVID-19 của châu Âu đã vượt qua Mỹ vào cuối tháng 10. Khu vực này hiện đang đối mặt với một “mùa đông đen tối”.

Số ca bệnh đang gia tăng nhanh chóng ở hầu hết các quốc gia thuộc khối Schengen – khối tập trung 26 quốc gia mà Mỹ vừa nới lỏng quy định nhập cảnh.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu – Hans Kluge tuần trước cảnh báo rằng tốc độ lây lan ở khu vực này rất đáng lo ngại. Làn sóng hiện tại ở châu Âu tuy không khiến tỷ lệ tử vong tăng đột biến như mùa thu ở Mỹ, nhưng vẫn là lời nhắc nhở về tính chất chu kỳ của đại dịch, các chuyên gia nhận định.

Ông Hans Kluge cảnh báo các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, nên chú ý và rút bài học từ châu Âu để sớm đưa ra các biện pháp phù hợp khi làn sóng dịch mới manh nha xuất hiện.

“Nguyên tắc cơ bản là nếu số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn thì đừng chờ đợi. Hãy áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch càng sớm càng tốt, càng chặt chẽ càng tốt”, Kluge nói với CBS News.

Tốc độ tiêm chủng

Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng với những thành tích ấn tượng và nhanh chóng vượt qua châu Âu. Nhưng đến mùa hè năm nay, tỷ lệ tiêm vắc xin ở châu Âu đã vượt qua Mỹ. Giờ đây, sự chú ý đổ dồn về nhóm những người chưa tiêm phòng ở cả hai khu vực.

Tại Mỹ, các bang có tỷ lệ tiêm phòng thấp chủ yếu là những bang ủng hộ đảng Cộng hòa. Trong số 15 bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, có tới 14 bang đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.

Ở châu Âu, các quốc gia phía Tây và phía Bắc lục địa có tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao, dẫn đầu là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha với 87% và 80%. Nhưng càng về phía Đông, tỷ lệ càng giảm.

COVID-19: Diễn biến trái ngược ở Mỹ và châu Âu ảnh 1

Người dân chờ tiêm chủng ở Berlin (Đức). Ảnh: AP

Romania và Bulgaria – hai quốc gia không thuộc khối Schengen mà Mỹ vừa nới quy định nhập cảnh – đang gặp khó khăn trong việc tăng tỷ lệ tiêm chủng. Slovakia, Ba Lan, Slovenia và Cộng hòa Séc cũng không theo kịp các nước láng giềng ở phía Tây. Cả bốn quốc gia đều mới chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng ít hơn 60%.

“Chúng ta đều biết rằng việc tiêm phòng có thể giúp giảm tốc độ lây lan dịch bệnh. Càng nhiều người được tiêm thì tốc độ lây truyền càng bị hạn chế. Nhưng việc vắc xin giảm tác dụng theo thời gian đã trở thành một thực tế rõ ràng, đặt ra nhiều thách thức đối với các chính phủ”, Paul Wilmes, Giáo sư Trung tâm Y sinh Hệ thống Luxembourg cho biết.

Khác biệt về văn hóa

Ngoài vắc xin, Mỹ còn triển khai các quy định về khẩu trang. Ngay trong ngày đầu tiên lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi đến các cơ quan nhà nước. Nhưng dần dà, khẩu trang đã trở thành biểu tượng của sự chia rẽ trong xã hội Mỹ. Đảng Dân chủ của ông Biden ủng hộ đeo khẩu trang, nhưng đảng Cộng hòa thì ngược lại.

Trong khi đó, châu Âu đã tránh được sự chia rẽ xung quanh vấn đề khẩu trang. “Người dân châu Âu không coi việc đeo khẩu trang là vi phạm quyền tự do cá nhân như người Mỹ. Chắc chắn là có sự khác biệt về văn hóa”, Wilmes nói.

Một số quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao – ví dụ như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha – rất thận trọng trong việc nới lỏng các quy định về đeo khẩu trang. Nhưng các quốc gia khác như Anh và Đan Mạch đã loại bỏ hoàn toàn quy định này, để người dân tự giác. Và việc đeo khẩu trang đã giảm đáng kể từ đó.

Các quy định về việc đi lại ở châu Âu đã được nới lỏng trong những tháng gần đây và nhiều quốc gia đã gỡ bỏ các hạn chế đối với các cuộc tụ tập. Đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng trở lại của số ca bệnh.

Nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Ý, Đức đã chấp nhận hộ chiếu vắc xin. Mỹ không áp dụng hộ chiếu này, nhưng ông Biden đã thúc đẩy việc tiêm chủng bắt buộc ở các công ty tư nhân và một số lĩnh vực nhất định.

"Tiêm phòng là con đường tốt nhất để thoát khỏi đại dịch", ông Biden nói trong một tuyên bố. "Vẫn còn quá nhiều người chưa được tiêm chủng. Vì vậy, tôi đã đặt ra các yêu cầu - và chúng đang có tác dụng.”

Theo CNN
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.