COVID-19, cuộc chiến vô hình

Trạm kiểm soát trước khi vào khu vực phong tỏa xã Sơn lôi
Trạm kiểm soát trước khi vào khu vực phong tỏa xã Sơn lôi
TP - Trở lại tòa soạn, hôm ấy là 19/2, lần thứ 2 trong vòng 14 ngày tôi bắt đầu lại quá trình tự theo dõi sức khỏe bản thân xem có biểu hiện gì khác lạ không. Nhiều năm đeo bám mảng sức khỏe, tôi biết khi hành động phải an toàn cho mình trước tiên bởi còn gia đình, đồng nghiệp, bạn bè bên cạnh, không thể để họ bị liên luỵ vì sơ suất của mình.

16 năm lấy chồng, đó là cái Tết đầu tiên mà phận làm dâu, làm vợ như tôi không chu toàn thời gian cho gia đình nhỏ của mình. Sáng 30 Tết Canh Tý (24/1/2020), chưa kịp chuẩn bị gì cho bữa cơm cúng tất niên, nhận tin có cuộc họp khẩn do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì về tình hình phòng chống dịch COVID-19, tôi phi xe đến trụ sở Bộ Y tế. Căn phòng chật kín người, những gương mặt căng thẳng, lo âu trước thông tin Việt Nam có 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên là cha con đến từ Vũ Hán (Trung Quốc).

COVID-19, cuộc chiến vô hình ảnh 1 Điều dưỡng dẫn ca nghi nhiễm COVID-19 về phòng cách ly

Thông tin về bệnh này còn quá nhiều bí ẩn khiến các chuyên gia y tế không tránh được bối rối khi nhìn nhận, đánh giá. Cánh phóng viên lúc bấy giờ có muôn vàn câu hỏi cần giải đáp cũng đành ngậm ngùi vì có những điều, đến các chuyên gia lão làng của ngành y cũng chưa thể lý giải nổi.

Cả ngày quay cuồng với gặp gỡ phỏng vấn, gọi điện cho chuyên gia xin ý kiến, họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đi thực tế bệnh viện, căn giờ làm bản tin tối, chạy đua từng phút với bản tin khẩn cấp. Guồng quay công việc xô đổ mọi nếp sinh hoạt, cảm giác rã rời thường trực trong cơ thể…

Giữa vòng xoáy áp lực

COVID-19, cuộc chiến vô hình ảnh 2 Điều dưỡng Trường chăm sóc bệnh nhân COVID-19

Trước buổi sáng 30 Tết đáng nhớ ấy, những phóng viên chuyên trách mảng sức khỏe, mà chúng tôi hay đùa nhau là các “táo y tế” không ai có thể hình dung mình sẽ bước vào “cuộc chiến” không tiếng súng lâu đến thế. Nghỉ Tết, báo in tạm dừng, mọi thông tin bấy giờ dồn hết cho báo điện tử. Điều đó đồng nghĩa với việc áp lực thời gian đẩy tin bài lên mạng được đặt lên hàng đầu. Mồng 1 Tết Cha, mồng 2 Tết Mẹ, phong tục người Việt vốn vậy từ bao đời nay, lần này lại là ngoại lệ với tôi. Quay cuồng với những cuộc điện thoại, nhắn tin hòng mong có được chút tin tức mới mẻ hầu bạn đọc, hoàn thành chỉ tiêu sếp yêu cầu…

COVID-19, cuộc chiến vô hình ảnh 3 Nhân viên y tế bàn giao ca nghi nhiễm

Từ sáng sớm Mùng 2 Tết, tôi gần như không rời máy tính xách tay và điện thoại để cập nhật tin bài. Đến chiều hôm đó, cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 bất ngờ diễn ra. Lại quên mất đang là Tết. Đội phóng viên y tế gặp nhau trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Câu chúc mừng năm mới cũng chỉ vội vàng, mọi sự chú ý đều chăm chăm nhắm đến các chuyên gia. Lúc bấy giờ, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) gần như là người đứng mũi chịu sào trước những câu hỏi của phóng viên về dịch bệnh mới này. Ông Phu - chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm đã trở nên thân thiết với tôi và một số đồng nghiệp trong suốt gần 20 năm qua.

Ở ông không ai có thể phủ nhận vốn kiến thức dồi dào, sự nhiệt tình hiếm có dành cho những câu hỏi nhiều khi khá đau đầu của các nhà báo. Vậy nhưng, trong cuộc chiến chống lại đại dịch này, không ít lần ông lắc đầu bất lực trước thắc mắc của chúng tôi. Bởi virus Corona gây bệnh COVID-19 quá mới mẻ, bí ẩn và đặc biệt nguy hiểm. Tôi nhớ có lần ông bảo: “Em hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai bây giờ? Chúng ta thực sự không có nhiều thông tin về loại virus này, chúng ta thực sự bối rối, nhưng dù thế nào vẫn phải bước tiếp, phải tìm cho ra những bí mật về nó”. Và đúng là từ những ngày đó đến tận bây giờ loại virus này vẫn đang khiến thế giới bất an…

Tháng 2, dịch bệnh bùng phát. Người mắc tăng cao từng ngày trên khắp thế giới. Số bệnh nhân tại Việt Nam cũng tăng liên tục. Đòi hỏi từ tòa soạn dành cho các phóng viên ngày càng nhiều hơn. Thông tin phải chuẩn, thời gian lên tin bài phải nhanh, phải lọt tốp những báo điện tử nhanh nhất, phải hút được nhiều bạn đọc hơn nữa. Những điều đó vô hình trung trở thành áp lực cho phóng viên nhưng cũng là động lực khiến mỗi “táo y tế” căng mình đeo bám sự kiện, tìm tòi thông tin mới. Chúng tôi bắt nhịp dần việc tham dự các cuộc họp với các chuyên gia y tế bất cứ lúc nào, có những cuộc kết thúc khi trời đã tối sẫm.

Vào tâm dịch

COVID-19, cuộc chiến vô hình ảnh 4 Tác giả tác nghiệp tại khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư

Gần 2 thập niên làm phóng viên y tế, tôi đã tác nghiệp qua hàng chục vụ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1, H1N1, phẩy khuẩn tả, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết... Cũng không biết tự bao giờ đứng trước những căn bệnh ấy trong tôi lại “nổi máu” muốn thâm nhập thực tế. Có lẽ bởi đến tận nơi, nhìn tận mắt và nghe tận tai để cảm nhận những khó khăn đến với y bác sĩ và cảm được nỗi đau, sự mệt mỏi của bệnh nhân mới giúp bài viết thêm chân thực, sinh động. Lúc bấy giờ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 bắt đầu điều trị những ca bệnh đầu tiên là công nhân trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc)…

Tôi nhớ, một tối đầu tháng 2 ướm lời với ông xã, người từng làm báo hơn 20 năm, về việc vào xem bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19. Quả thực lúc đó tôi biết, lời đề nghị của mình khả năng lớn sẽ vấp phải bức tường thành vững chãi. Đúng thế! Hôm sau, đến tòa soạn tôi trình bày với sếp về việc mình có thể vào bệnh viện nơi đang điều trị các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 không. Đáp lại đề nghị của tôi là sự thận trọng, cân nhắc của sếp, bởi y học lúc bấy giờ chưa biết rõ sự lây lan của virus. Lần thứ 2 liên tiếp tôi va vào tường.

Những ngày sau đó, tâm trí tôi chỉ lởn vởn duy nhất một suy nghĩ, phải tận mắt chứng kiến việc điều trị các bệnh nhân, phải xem những đồn thổi trên mạng xã hội, những lời bàn ra tán vào về căn bệnh này có đúng thực tế không. Bởi những ngày đó, các bác sĩ ngoài việc điều trị chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân còn phải đối đầu với những thị phi, những “tin vịt” và cả những kẻ gây rối đến bệnh viện đòi hỏi được xét nghiệm dù họ không có yếu tố dịch tễ gây bệnh. Đến ngày thứ 3 (4/2), tôi quyết định gọi điện thoại cho bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) nhờ anh giúp mình tiếp cận với quá trình chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại khoa. Bác sĩ Cấp hẹn: “10 giờ sáng mai em đến viện, anh sẽ chuẩn bị đồ bảo hộ để em tác nghiệp”. Khỏi phải nói lúc đó tôi mừng thế nào, bởi trước khi gọi điện cho bác sĩ, tôi lo ngại mình sẽ lần thứ 3 đâm đầu vào tường…

Vào thời điểm tôi chọn để gọi bác sĩ Cấp, “bức tường thứ nhất” của tôi đi công tác, tôi biết ông xã hiểu tính mình, sẽ không cản quyết liệt ý đồ của tôi khi đang ở xa nhà vì dễ sinh tâm lý bất ổn. Sau cuộc nói chuyện với bác sĩ Cấp, người đầu tiên tôi thông báo quyết định mạo hiểm của mình là chồng. Lần này tôi chọn cách “chat” để bắn tin ngắn gọn: “Ngày mai em vào viện, bác sĩ sẽ chuẩn bị đồ bảo hộ đảm bảo an toàn tác nghiệp”. Lúc ấy, trong suy nghĩ của mình tôi chấp nhận xảy ra “chiến tranh lạnh” nếu gặp sự phản đối. Nhưng may mắn lần này đối tác chốt bằng lời dặn dò: “Em hết sức cẩn thận, vì bản thân, vì các con và bố mẹ”.

Đón tôi là bác sĩ trẻ Bá Đình Thắng, người khi đó mới cưới vợ chưa đầy 1 tháng, chưa kịp hưởng tuần trăng mật đã phải cắm chốt tại bệnh viện 24/24 giờ. Thắng đưa trang phục phòng hộ y tế để tôi có thể an toàn khi vào tác nghiệp. Tôi theo chân điều dưỡng Trương Minh Trường bước vào phòng cách ly áp lực âm điều trị bệnh nhân COVID-19.

Vừa kiểm tra thân nhiệt, huyết áp cậu vừa hỏi han tâm trạng của cô gái trẻ. Rồi chúng tôi đi tiếp và dừng lại ở cửa thang máy có tấm biển “Khu vực cách ly”. Như hiểu điều tôi đang thắc mắc, cậu bảo: “Đây là thang dành riêng cho khu vực có bệnh nhân nghi nhiễm, chỉ đi đến được 2 tầng 6 và 7”. Chúng tôi bước ra, dãy hành lang dài hun hút trước mắt, lạnh lẽo vì sự vắng lặng. Trong phòng bệnh, các ca nghi ngờ mắc COVID-19 ai nấy đều trầm tư.

“Chị không sợ khi vào đây sao?”, cậu hỏi khẽ khi chúng tôi quay trở ra. “Còn em thấy thế nào?”. “Làm mãi cũng quen rồi, nói không sợ thì không hẳn vì không ai chắc 100% sẽ an toàn nhưng công việc gắn bó, cảm thông với bệnh nhân trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy nên bọn em cũng không e ngại gì”. Cảm giác sự chân thành và ấm áp lan tỏa khắp khu cách ly đặc biệt…

Thông tin về bệnh này còn quá nhiều bí ẩn khiến các chuyên gia y tế không tránh được bối rối khi nhìn nhận, đánh giá. Cánh phóng viên lúc bấy giờ có muôn vàn câu hỏi cần giải đáp cũng đành ngậm ngùi vì có những điều, đến các chuyên gia lão làng của ngành y cũng chưa thể lý giải nổi.

Đua với thời gian

Hôm đó, trực tiếp tiếp xúc với cô gái trẻ 23 tuổi trở về từ Vũ Hán, người lây bệnh cho 6 người khác, lo lắng là có thật bởi ở nhà còn cha mẹ già, còn 2 con nhỏ, còn đồng nghiệp. 14 ngày sau đó tôi vẫn đi làm bình thường. Những cơn ho bắt đầu xuất hiện dày hơn, tiếng ho cũng nặng hơn. Đồng nghiệp cùng tòa soạn tếu táo “liệu có nhiễm COVID không thế”. Thoảng qua, có lúc gợn trong đầu suy nghĩ, liệu mình có nhiễm virus corona không? Dù quá trình tác nghiệp tại tâm dịch đã được trang bị đồ bảo hộ cẩn thận theo đúng tiêu chuẩn của ngành Y, tôi vẫn quyết định đi khám. Bác sĩ kết luận, stress gây trào ngược dạ dày vì làm việc căng thẳng.

Cũng đúng thôi, tần suất làm việc dày đặc, ăn uống không theo giờ giấc, khối lượng công việc đè nặng. Nhìn lại những ngày tháng đầy mệt mỏi, áp lực và ăm ắp hiểm nguy đó không thể không thảng thốt. Thời điểm nhiều ca bệnh xuất hiện, Bộ Y tế đưa thông tin lên các nhóm phóng viên theo dõi y tế vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Thế mới có chuyện các phóng viên căng mắt theo dõi màn hình máy tính, điện thoại suốt từ sáng sớm đến đêm khuya, lắm lúc mắt nhòe mờ mịt. Chạy xe trên đường chốc chốc lại lôi máy ra xem có thông tin gì mới cập nhật. Bỏ lọt bất kỳ thông tin dịch bệnh nào ở thời điểm đó cũng đồng nghĩa phóng viên và tòa soạn điện tử nhận 1 bàn thua. Nhanh, chậm mỗi tin ca bệnh mới giữa các báo điện tử tính bằng phút.

Đang chạy xe, thấy điện thoại có thông báo mới, lập tức bật xi-nhan tấp lề đường hoặc lên vỉa hè cắm mặt gõ tin là chuyện xảy ra hằng ngày. Đó là tác nghiệp trên đường phố Hà Nội, chứ nếu ở TPHCM không chừng cũng bị giật điện thoại vài lần. Bản tin khẩn của Bộ Y tế liên tục được phát đi, giờ giấc không tuân theo bất kỳ quy luật nào, có lúc hơn 23 giờ, khi 6-7 giờ tối hoặc 8-9 giờ sáng. Những bữa cơm tối cứ mỗi ngày lại tiến sát gần đến nửa đêm. Không ít lần, cầm bát đũa lên, đồng hồ chỉ 23 giờ 30. Mọi sinh hoạt trong gia đình nhỏ của tôi đều đảo lộn theo những tin tức về COVID-19.

Đến tầm cuối tháng 3, Bộ phát tin ca bệnh cố định vào 6 giờ và 18 giờ. Áp lực soi màn hình giảm đi chút ít. Nhưng vẫn những bản tin khẩn tìm hành khách trên chuyến bay có bệnh nhân COVID-19 hay những nơi bệnh nhân từng đi qua khiến các phóng viên căng như dây đàn. Ngày mới bắt đầu từ 5 giờ 30 để chuẩn bị dựng bản tin sáng. Cả ngày quay cuồng với gặp gỡ phỏng vấn, gọi điện cho chuyên gia xin ý kiến, họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đi thực tế bệnh viện, căn giờ làm bản tin tối, chạy đua từng phút với bản tin khẩn cấp. Guồng quay công việc xô đổ mọi nếp sinh hoạt, cảm giác rã rời thường trực trong cơ thể…

Thuốc không đáp ứng, những cơn trào ngược quặn thắt, vùng họng lắm khi bỏng rát vì dịch vị dạ dày đẩy lên… Nhiều hôm ra đường, không may ho, lập tức nhận được những ánh nhìn dò xét từ người xung quanh. Mọi người thực sự sợ căn bệnh chết người này!

Ngày 13/2, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) trở thành nơi đầu tiên bị phong tỏa phòng chống dịch COVID-19. Những cuộc họp giao ban đề tài đầu giờ sáng hằng ngày tại tòa soạn luôn khẩn trương và nóng hôi hổi các yêu cầu phải có được những thông tin mới nhất, chất lượng nhất. Muốn không đụng hàng báo bạn, chỉ có nước dấn thân!

Lúc này, “Sơn Lôi- phong tỏa”, cụm từ đó bắt đầu gây tò mò, thôi thúc. Thêm một lần tôi quyết định mạo hiểm. Bố mẹ tôi, những người đã bước vào tuổi 70 – từng một đời làm báo với biết bao trải nghiệm nhưng cũng không khỏi lo lắng khi thấy tôi gửi hai đứa con sang nhà ông bà để cách ly tạm thời. Đọc trong ánh mắt bố mẹ là sự động viên của những đồng nghiệp đi trước và tôi bắt đầu tìm “cửa” để vào Sơn Lôi. Nhờ vào một mối quan hệ thân tín đảm bảo với GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, tôi được ông tạo điều kiện đến xã Sơn Lôi, vùng đất khi đó được kiểm soát chặt chẽ, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Tôi được bố trí lên xe tải chở thiết bị y tế chạy vào trạm y tế xã. Dọc đường vôi bột rải trắng, ai nấy bịt khẩu trang kín mít. Khi thấy tôi trong bộ bảo hộ như phi hành gia, mấy người dân chỉ trỏ, giọng phụ nữ nói “Y tế nhà mình đấy”. Bấy giờ giấu khuôn mặt sau khẩu trang N95 và kính bản to chuyên dụng cùng bộ bảo hộ thùng thình di chuyển không tự nhiên cho lắm, tâm trạng tôi thấy vui, bất giác cười một mình. Và tôi đã được tận thấy, tận nghe và ghi lại bằng tâm trí mình tâm thế bình an của người dân để thấy họ lạc quan nhưng không hề chủ quan.

Khoảng thời gian tác nghiệp tại Sơn Lôi nếu kể ra phải tốn nhiều trang báo, bởi ở đó tôi đã được chứng kiến những yêu thương, chia sẻ, lo lắng nhưng cũng rất nghị lực của những người dân chất phác nơi đây. Sau này, người bạn làm bác sĩ, người kết nối giúp tôi có chuyến đi Sơn Lôi mới tiết lộ: “GS Nhung nói nửa đùa, nửa thật, cô phóng viên nhiệt huyết quá. Để cô ấy vào đó một mình theo đề nghị của bạn ấy tôi cũng thấy lo, nhỡ có chuyện gì tôi với ông chịu trách nhiệm không hết được đâu”. Tôi biết, mình “nợ” những người ngành y cả tấm lòng…

Đi qua tháng năm làm nghề, cúi đầu lặng thầm cảm ơn những trải nghiệm, những lo lắng và cả những hiểm nguy đã khiến mình trưởng thành hơn trong nghề viết lắm gian truân… 

Bỏ lọt bất kỳ thông tin dịch bệnh nào ở thời điểm đó cũng đồng nghĩa phóng viên và tòa soạn điện tử nhận 1 bàn thua. Nhanh, chậm mỗi tin ca bệnh mới giữa các báo điện tử tính bằng phút.
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.