Công & tư

Công & tư
TP - Báo Tiền Phong vừa đăng loạt bài phản ánh nhiều quan chức không chịu trả nhà công vụ dù nghỉ hưu đã lâu, hoặc đang tại vị nhưng lại để con cái ở còn mình ở chỗ khác, thậm chí không ở nhưng vẫn khóa cửa “giữ chỗ” để đấy.

Khi phóng viên trao đổi trực tiếp với các vị này, thấy lý do chưa trả nhà rất đa dạng và “hồn nhiên”. Ví như, “không thấy ai đòi lại nên vẫn ở. Có rất nhiều người ở lại như tôi từ trước tới nay”; “Trả rồi mình biết ở đâu, về quê sao?”; “Con trai ở đấy, mình nghĩ là đúng chứ có vấn đề gì đâu…”.

Xin miễn bình luận về những câu trả lời quá đỗi “dân dã” của các vị quan chức đó, có lẽ khi nghỉ hưu thành dân thường ngôn từ của họ cũng trở nên “gần dân” hơn chăng? Nhưng đã từng là quan chức cấp cao được ở nhà công vụ, hẳn các vị không lạ gì những quy định chặt chẽ của pháp luật, những định nghĩa hết sức rõ ràng của phạm trù công - tư. Theo đó, khi hết nhiệm vụ đương nhiên phải trả nhà công vụ cho người khác sử dụng.

Trên thế giới, theo từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia: “Nhà công vụ là nhà được phân cho người đang làm việc công, dùng để ở, tiếp khách hoặc các chức năng khác nhằm mục đích phục vụ việc công tương xứng với nhiệm vụ được giao để tạo điều kiện, môi trường làm việc, sinh hoạt thuận lợi, tiện ích, sang trọng tương ứng với thể diện cần phải có của chức vụ…, trong mức độ cho phép của ngân sách, nguồn quỹ công sản cũng như quan niệm của Chính phủ hiện tại về nhu cầu của chức vụ”.

Trên thế giới có những khu nhà công vụ dành cho lãnh đạo đã tồn tại hàng trăm năm nay, rất nổi tiếng như Nhà Trắng ở Mỹ, Nhà số 10 phố Downing ở Anh… với những quy định rất khắt khe về quản lý công sản. Nghe nói trước khi gia đình một Tổng thống Mỹ trúng cử dọn vào Nhà Trắng, những người quản lý tài sản công ở đây phải làm thủ tục kiểm kê những gì mà họ mang vào, tới khi hết nhiệm kỳ họ chỉ được phép mang ra đúng những gì đã mang vào.

Trên thế giới, không ít vị thứ, bộ trưởng chỉ trót sử dụng phương tiện công vào việc riêng chút xíu hoặc kết hợp cho vợ con đi chơi trong một chuyến công du lập tức đã bị truyền thông lên tiếng, nhẹ thì phải móc hầu bao ra thanh toán phần không đúng quy định, nặng có khi phải từ chức. Cũng có không hiếm vị lãnh đạo sẵng sàng ở nhà riêng, đi làm bằng xe đạp, xe bus hoặc thăm viếng nước ngoài bằng máy bay thương mại, thậm chí giá rẻ cho dù không được an toàn và sang trọng bằng dùng công sản.

Như thế của công dù ở đâu cũng vậy, cần phải được quản lý hết sức chặt chẽ và minh bạch. Không thể có chuyện của công biến thành của tư, hoặc chiếm hữu quyền sử dụng lâu dài, về hưu thậm chí đã khuất núi vẫn chưa chịu trả nhà công vụ. Đã là công bộc của dân, công - tư phải minh bạch, tuyệt nhiên không được lẫn lộn. Công bộc của dân mà không dĩ công vi thượng, không thượng tôn pháp luật, khó để dân tin!

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.