'Cõng' trường đẹp lên núi

Khánh thành dãy nhà “Trường đẹp cho em”. Ảnh: Mai Xuân Tùng
Khánh thành dãy nhà “Trường đẹp cho em”. Ảnh: Mai Xuân Tùng
TP - Những ngày cuối tháng Tư, thầy và trò điểm trường Tiểu học thôn Sán Cố Sủ nằm trên đỉnh núi gần như quanh năm mây mù bao phủ (xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần, Hà Giang) có dãy phòng học khang trang tường gạch, mái bờ lô…

Sau những trận mưa lớn, con đường đèo dốc dài 20 km nối trung tâm huyện biên giới Xín Mần với điểm trường Tiểu học Sán Cố Sủ thêm lầy lội.

Điểm trường nằm trên đỉnh núi của thôn nghèo có 35 hộ dân tộc Mông chủ yếu trông vào nương ngô, ruộng lúa. Điểm trường có hai hệ mầm non và tiểu học. Trước đây, thầy trò phải dạy và học có hai dãy nhà xuống cấp tứ bề nứt nẻ. 

Gắn bó với điểm trường Tiểu học Sán Cố Sủ đã được 4 năm, thầy giáo Tráng Văn Vinh (SN 1972, dân tộc Tày) cho biết: Điều kiện phòng học ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các lớp học không có ánh sáng đèn điện, bàn ghế thiếu, lại chưa phù hợp với độ tuổi của các em. Nhiều lớp phải học ghép. 

“Mong mỏi của giáo viên và học sinh là có phòng học không mưa dột, nắng rọi; có bể nước sạch và nhà vệ sinh để phục vụ việc dạy và học, cũng như những thầy cô lưu trú lại tại điểm trường”, thầy Vinh nói. Những ngày thời tiết mưa lớn, hay rét buốt, giáo viên đều phải cho học sinh nghỉ. Thầy Vinh chia sẻ: “Nhiều khi thời tiết rét lạnh, giáo viên phải đốt lửa trong lớp để sưởi ấm cho học sinh trước khi cho các em nghỉ”.

Những ngày cuối tháng Tư khi chúng tôi lên, điểm trường vẫn còn một dãy nhà tường trình (gồm một lớp học mầm non và một lớp học tiểu học) và “căn phòng” lưu trú của giáo viên mầm non và tiểu học được lợp bằng nứa và căng bạt xanh. Nhà ở xã Quảng Nguyên (huyện Xín Mần) cách điểm trường gần 40 cây số, cô giáo Hoàng Thị Lợi (dân tộc Tày, SN 1987) dạy lớp 3-4 vẫn hằng ngày đi dạy bằng xe máy. 

'Cõng' trường đẹp lên núi ảnh 1

Cô giáo Hoàng Thị Lợi dạy các em trong dãy nhà trình tường cũ

Cô giáo Lợi chia sẻ: “Những ngày nắng đi lại bình thường, còn những ngày mưa phải gửi xe lại ngoài đường lớn và đi bộ gần hai cây số. Căn phòng là nơi để các giáo viên nghỉ lại và nấu bữa trưa để chiều lại lên lớp. Mưa lớn, phòng dột là chuyện bình thường, biết làm sao được. Ở mãi rồi thì cũng quen”. Cùng với cô giáo Hoàng Thị Lợi và thầy giáo Tráng Văn Vinh, còn có hai giáo viên mầm non đều hằng ngày đi dạy và ở lại trường buổi trưa.

Là một trong số những người đầu tiên lên khảo sát xây dựng Trường đẹp cho em tại thôn Sán Cố Sủ, Phó giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia Đỗ Thị Kim Hoa chia sẻ: “Mình lên từ tháng 1/2013. Các dãy học đều xuống cấp. Mưa lớn, các cô giáo phải căng bạt che mưa cho học sinh ngồi học. Lớp học có thể bị tốc mái bất cứ lúc nào. Đợt rồi, dãy lớp học cũ mới bị tốc mái, giáo viên và người dân mới lợp lại…”.

Trường đẹp cho em

Sau hơn một tháng khởi công xây dựng (tháng 3/2014), công trình Trường đẹp cho em hoàn thành khang trang nổi bật trên nền xanh của núi rừng. Công trình có tổng diện tích 300 m2, nhà cấp 4 gồm hai phòng học và một nhà lưu trú cho giáo viên. Ngày 27/4, T.Ư Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành công trình “Trường đẹp cho em” tại điểm trường Tiểu học Sán Cố Sủ. 

'Cõng' trường đẹp lên núi ảnh 2

Dãy nhà trình tường có lớp học mầm non, tiểu học và phòng lưu trú của giáo viên

Đông đảo phụ huynh học sinh và giáo viên có mặt từ sớm với nét mặt rạng rỡ. Những bộ trang phục rực rỡ màu sắc của dân tộc Mông điểm thêm sự nổi bật của dãy nhà mới. Anh Vàng Sa Dế (37 tuổi) có con học mẫu giáo tại điểm trường Sán Cố Sủ, hồ hởi: “Giờ trường có dãy phòng học to đẹp hơn thì mình yên tâm gửi con hơn đến trường cho các thầy cô giáo. 

Không lo mưa nắng nữa. Các thầy cô cũng bớt khó khăn khi dạy chữ cho con em đồng bào mình”. Thầy giáo Tráng Văn Vinh cho hay: “Có trường lớp sạch đẹp, khang trang là nguồn động viên to lớn đối với giáo viên, học sinh duy trì việc dạy và học tốt hơn”.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Lò Quang Tú cho biết: Tổng kinh phí xây dựng điểm trường 350 triệu đồng, trong đó, kinh phí do Trung tâm tình nguyện Quốc gia T.Ư Đoàn vận động Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 300 triệu đồng, còn lại kinh phí đối ứng của địa phương là 150 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, công trình còn có sự tham gia góp công góp sức của đoàn viên thanh niên địa phương. Công trình hoàn thành giúp thầy cô và các em học sinh điểm trường Tiểu học Sán Cố Sủ có được môi trường học tập thân thiện và chất lượng hơn.

Không chỉ có điểm trường Tiểu học Sán Cố Sủ, Trường đẹp cho em còn hướng tới các tỉnh vùng cao hoặc ở các tỉnh nghèo, điều kiện học tập cho trẻ em còn khó khăn khác. Nhiều trường, lớp ở các địa phương vùng xa, vùng sâu che bằng phên, mái lá, dột nát và gió lùa quanh năm; bàn ghế không đủ và không đảm bảo tiêu chuẩn, khu sân trường, lớp học bằng nền đất, khu vệ sinh không có hoặc không đảm bảo vệ sinh... 

Anh Lò Quang Tú cũng cho hay: “Thông qua Chương trình, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần nào đó giúp các em học sinh tại trường Tiểu học Sán Cố Sủ nói riêng và tại nhiều địa phương trên cả nước có được môi trường học tập đầy đủ hơn, đồng thời thông qua Trường đẹp cho em huy động sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và Đoàn Thanh niên, Hội LHTN trong việc hỗ trợ cộng đồng”.

Chương trình Trường đẹp cho em thực hiện xây mới trường (hoặc lớp học); sửa chữa, nâng cấp lớp học hoặc khu sân trường, khu vệ sinh; trang bị hoặc nâng cấp trang thiết bị học tập như bàn ghế, bảng, sách vở; xây dựng phòng thư viện, phòng đọc.....

Tới nay trên cả nước đã có 5 điểm trường được xây dựng trong khuôn khổ chương trình Trường đẹp cho em tại các tỉnh: Thái Nguyên, Điện Biên, Lạng Sơn, Lai Châu và Hà Giang. Chương trình Trường đẹp cho em sẽ tiếp tục triển khai trên tất cả địa bàn khó khăn trên cả nước, phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành 200 điểm trường từ 2013 cho đến cuối năm 2018, trong đó xây dựng ít nhất 35 điểm trường trong năm 2014 nhằm thiết thực hưởng ứng Năm Thanh niên tình nguyện, hướng tới Đại hội Hội LHTN Việt Nam toàn quốc.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.