Bụi PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 µm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 µm có kích thước bằng một phần triệu mét - PV). Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, trước đây thế giới tập trung nghiên cứu bụi PM10 (bụi có đường kính dưới 10 µm). Tuy nhiên gần đây các quốc gia đặc biệt lưu ý đến bụi PM2.5 bởi loại bụi này có kích thước siêu nhỏ, có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Đây được coi là sát thủ nguy hiểm nhất trong không khí.
Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Mới đây, Tổ chức Ủy ban Lancet về Ô nhiễm và Sức khỏe công bố báo cáo cho thấy, ô nhiễm không khí làm 6,5 triệu người chết vào năm 2015, con số này gấp 3 lần số người chết do ô nhiễm nước. Theo TS Tùng, bụi PM2.5 được coi là sát thủ chính.
Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường đô thị ghi nhận, trong các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị Việt Nam thì ô nhiễm không khí do bụi là nổi cộm nhất. Tại một số đô thị lớn như Hà Nội, số ngày có mức độ ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5 vượt quá giới hạn của Quy chuẩn Việt Nam ở mức khá cao. Trong thành phần bụi lơ lửng thì bụi PM2.5 chiếm tỷ trọng tương đối cao.
Theo Báo cáo môi trường không khí quý 3/2017 tại Hà Nội và TPHCM của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển sáng tạo xanh, số ngày bụi PM2.5 tại Hà Nội vượt quy chuẩn Việt Nam là 4 ngày. Tuy nhiên, áp theo hướng dẫn của WHO và EU thì số ngày vượt quy chuẩn là 41 ngày (Quy chuẩn Việt Nam thấp hơn 2 lần hướng dẫn của WHO và EU).
Tính theo số giờ, có khoảng 183 giờ nồng độ PM2.5 trung bình vượt quá Quy chuẩn Việt Nam. Riêng ngày 12/9/2017, hàm lượng bụi PM2.5 có giờ lên tới 137,5 µg/m3, gấp 2,3 lần quy chuẩn Việt Nam và hơn 5 lần hướng dẫn của WHO. Tại TPHCM trong quý 3/2017 có một ngày vượt theo Quy chuẩn Việt Nam, 41 ngày vượt theo hướng dẫn WHO, có 87 giờ có nồng độ PM2.5 vượt quá quy định của Việt Nam và 810 giờ đối
với WHO.
Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, mạng lưới quan trắc ở Hà Nội và TPHCM khá mỏng, nên số liệu thống kê trên chưa đánh giá toàn diện vấn đề ô nhiễm bụi PM2.5.
Khẩu trang thường không ngăn được bụi PM2.5
Theo Trung tâm Nghiên cứu Phát triển sáng tạo xanh, các loại khẩu trang thông thường như khẩu trang giấy, khẩu trang phẫu thuật, khăn quàng cổ hoặc khẩu trang vải không thể ngăn được bụi PM2.5 xâm nhập vào phổi. Hiện nay có hai nhóm tiêu chuẩn được công nhận cho khẩu trang là tiêu chuẩn Hoa Kỳ và tiêu chuẩn châu Âu, được đánh giá có khả năng ngăn chặn hầu hết các dạng bụi hạt.
Tiêu chuẩn của Hoa Kỳ được đánh giá bởi chính phủ Hoa Kỳ, đã được phê duyệt và chứng nhận từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh của Hoa Kỳ (CDC) và Viện An toàn và Sức khoẻ Nghề nghiệp (NIOSH). Một số loại khẩu trang được chứng nhận theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ như N95 có khả năng loại bỏ ít nhất 95% các hạt bụi không khí, N99 có khả năng loại bỏ ít nhất 99% các hạt bụi không khí và N100 có khả năng loại bỏ ít nhất 99,97% các hạt bụi không khí.
Tuy nhiên, việc sử dụng khẩu trang chỉ là một giải pháp tình thế. Theo TS Hoàng Dương Tùng, để hạn chế ô nhiễm bụi PM2.5 cần hướng tới giải quyết tận gốc. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm bụi mịn PM2.5 được xác định từ các nguồn sản xuất, giao thông, xây dựng, sinh hoạt... Trong đó bốn ngành gồm sắt thép, nhiệt điện, xi măng, hóa chất đã gây ra 80% lượng ô nhiễm từ các nguồn ô nhiễm điểm.
Theo ông Tùng, ở góc độ quản lý Nhà nước đã có đầy đủ chế tài hạn chế ô nhiễm bụi từ các nguồn. Trên thế giới có nhiều bài học về việc ngăn chặn thành công ô nhiễm bụi. Tuy nhiên, cái khó ở Việt Nam là cơ quan quản lý cũng như người dân chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí. “Chúng ta không hành động gấp thì nguy cơ một ngày Hà Nội có thể giống Bắc Kinh”, ông Tùng nói.
Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu. Có khoảng 6/10 bệnh có tỷ lệ chết cao nhất tại Việt Nam là những bệnh liên quan đến không khí.