BS chuyên khoa Hô hấp chỉ cách tránh mắc bệnh từ ô nhiễm không khí

Tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu hay thống kê nào về tác động của ô nhiễm lên sức khỏe nhưng hiện số bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí đang ngày càng gia tăng. Ảnh minh hoạ: Internet
Tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu hay thống kê nào về tác động của ô nhiễm lên sức khỏe nhưng hiện số bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí đang ngày càng gia tăng. Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Theo UNICEF, số trẻ tử vong trên toàn thế giới do ô nhiễm không khí còn cao hơn cả tử vong vì bệnh sốt rét và  HIV/ AIDS cộng lại. Còn tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu hay thống kê nào về tác động của ô nhiễm lên sức khỏe nhưng hiện số bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí đang ngày càng gia tăng. 

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, các bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh đường hô hấp đang ngày càng tăng lên. Yếu tố liên quan nhiều nhất có thể nói đến là ô nhiễm môi trường. Môi trường không khí tác động nhiều nhất tới hệ hô hấp của con người, vì hệ hô hấp tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp, với không khí.

Vấn đề ô nhiễm không khí cũng đang tác động và làm thay đổi một số mặt bệnh. Tại Bệnh viện Phổi trung ương, mỗi ngày tiếp nhận 200 -300 trường hợp khám chuyên khoa, và cũng số tương tự tại phòng khám đa khoa của bệnh viện, trong đó có tới 80% bệnh nhân đến khám về các bệnh hô hấp và con số ngày càng tăng lên hàng năm.

Ô nhiễm môi trường tác động đến nhiều bệnh lý đường hô hấp, trong đó phải kể đến nhiễm trùng hô hấp trẻ em, hô hấp người lớn, bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trong ô nhiễm môi trường một loại ô nhiễm phải kể đến đó là tự ô nhiễm ở những người hút thuốc, khói thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân gây bệnh COPD- ung thư phổi và nhiều bệnh lý khác. Ung thư phổi có nguyên nhân từ các vấn nạn ô nhiễm như khói bụi, hay tiếp xúc với các yếu tố gây ung thư...

Riêng về bệnh hen, hiện số ca khám và điều trị tăng lên cả ở đối tượng người trưởng thành và trẻ em. Theo nghiên cứu có khoảng 4,2% những người trên 40 tuổi, khoảng 1,5 triệu người  ở Việt Nam mắc COPD, hiện con số này chắc chắn đã tăng lên. Đáng lưu ý là bệnh COPD mắc cả ở những đối tượng không hút thuốc lá, chiếm khoảng 6% những người trên 40 tuổi trong nghiên cứu mới đây.

Còn GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm hô hấp, BV Bạch Mai, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp sẽ gây nên tình trạng kích ứng đường hô hấp, làm cho những người đã có bệnh lý hô hấp rồi như những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp sẽ bị nặng lên dẫn đến tình trạng khó thở tăng lên, nặng sẽ suy hô hấp phải vào viện cấp cứu, và phải nhập viện, đáp ứng với điều trị kém đi.

Ngoài ra, nếu tiếp xúc lâu dài với nồng độ ô nhiễm trong không khí cao như vậy dẫn đến các bệnh lý khác  vì trong không khí ô nhiễm có nhiều chất độc hại, gây ra các tổn thương khác ở phổi như viêm mạn tính, thậm chí là ung thư phổi.  

Ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng tới cơ quan khác như tim mạch, những người đã có bệnh lý như hẹp động mạch vành dễ bị nặng lên, xuất hiện các cơn đau thắt ngực tăng lên. Theo nghiên cứu, khi ô nhiễm không khí, tỷ lệ các bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý hô hấp và tim mạch tăng lên nhiều lần.  Có 3 đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi ô nhiễm không khí là người già, trẻ em và những người mắc bệnh phổi, bệnh tim mạn tính.

Hai triệu chứng điển hình của bệnh lý đường hô hấp là ho và khó thở. Khi xuất hiện những dấu hiệu này, người bệnh cần lưu ý, ngay cả những mức độ nhẹ như khó thở khi gắng sức, khi lên cầu thang cũng cần phải chú ý đi tầm soát bệnh sớm. Thời gian xuất hiện triệu chứng cũng rất quan trọng. Nếu bệnh nhân có ho hoặc khó thở dưới 2 tuần có thể là một bệnh lý cấp tính, còn nếu ho trên 2 tuần thì luôn phải cảnh giác với các bệnh lý mạn tính hoặc do lao phổi, cần đi khám phát hiện ngay.

Lời khuyên của BS Nhung để phòng bệnh hô hấp là tránh xa môi trường ô nhiễm, khi ra đường cần đeo khẩu trang, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi ở môi trường. Tuy nhiên với những hạt bụi nhỏ dưới 5 micromet, khẩu trang thông thường cũng vô tác dụng. Theo nghiên cứu của BV Phổi TƯ, người dân, đặc biệt ở khu vực lạnh như miền Bắc và miền Trung, việc sử dụng than, củi để sưởi trong nhà vào mùa đông rất nguy hiểm, cần phải thay đổi... 

Theo BS Châu, các biện pháp súc rửa mũi họng cũng có tác dụng nhưng không nhiều, nói chung chỉ làm sạch được bụi lớn mà thôi, còn các bụi nhỏ, bụi lơ lửng một khi đã vào sâu trong đường thở, xuống phế quản và phổi thì việc rửa mũi trên thường không có hiệu quả. Tốt nhất người dân nên áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để ngăn chặn bụi ở bên ngoài.

Với những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, có thể học tập thở, ho khạc đờm, những chất độc hại lắng đọng trên niêm mạc phế quản nhỏ sẽ bị đẩy lên đường thở lớn rồi khạc ra ngoài, sẽ hạn chế được phần nào.

Ngoài ra nếu người dân thấy các triệu chứng như ho, khó thở tăng lên, đặc biệt với người có sẵn bệnh hô hấp cần đi khám ngay.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.