Với mục đích giúp công tác vận hành hệ thống tiêu thoát nước được thông suốt, người dân cũng có thể dễ dàng nắm bắt, theo dõi hệ thống thoát nước, các điểm ngập úng khi mưa lớn, năm 2017 Cty TNHH MTV Thoát Nước Hà Nội (Cty Thoát Nước) đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát thoát nước thành phố Hà Nội.
Ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Cty Thoát Nước Hà Nội cho biết, trước đây, phạm vi phục vụ thoát nước đô thị chỉ bao gồm 12 quận nội thành, từ cuối năm 2016 theo phân cấp của thành phố, Cty Thoát nước Hà Nội đã mở rộng phạm vi phục vụ tới địa bàn 17 thị trấn thuộc các huyện và đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn thành phố. “Để nắm bắt kịp thời diễn biến mưa bão trên toàn thành phố và thực hiện chủ trương tin học hóa công tác quản lý, minh bạch các thông tin quản lý của UBND thành phố, vừa qua Cty đã xây dựng, đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát thoát nước. Từ đây, toàn bộ hạ tầng thoát nước, các điểm ngập úng và công tác theo dõi, xử lý đều được công nghệ hóa, số hóa”, ông Hùng thông tin.
Theo lãnh đạo Cty Thoát nước, mùa mưa 2017 vừa qua là mùa “sát hạch” đầu tiên của Trung tâm giám sát thoát nước. Kết quả cho thấy, phạm vi giám sát mưa của Trung tâm đã phủ khắp trên địa bàn Hà Nội (bao gồm 29 quận, huyện), với 41 điểm đo mưa và 30 điểm đo mực nước tự động. Cùng với đó, trung tâm còn kết nối, điều tiết được hoạt động tại các công trình, trạm bơm đầu mối như Yên Sở, Linh Đàm, Thanh Liệt, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế…
Với người dân, thay vì chỉ biết các điểm ngập úng qua báo đài, hệ thống thông tin của thành phố, từ nay mỗi khi có mưa lớn người dân sử dụng thiết bị có kết nối mạng chỉ cần truy cập vào cổng trực tuyến của thành phố hoặc trang web của Cty Thoát nước (www.thoatnuochanoi.vn) là biết chính xác thông tin về các điểm ngập úng, lượng mưa, mực nước và hệ tiêu thoát nước của thành phố.
Dự kiến đầu tháng 3/2018 Cty sẽ cung cấp cho người dân Thủ đô ứng dụng cảnh báo và tìm đường tránh ngập trên điện thoại cùng với các thông tin được tích hợp như: hình ảnh của điểm ngập, mức độ ngập, tình trạng giao thông, lượng mưa, mực nước, …để người dân theo dõi và chủ động trong việc đi lại.
Nước lũ về trạm bơm chỉ còn 30 phút
Đánh giá về công nghệ hóa, lãnh đạo Cty Thoát nước còn cho biết, trước đây, công tác thoát nước được thực hiện trình tự theo các khâu: cán bộ phục trách đi kiểm tra hiện trường, sau đó về đơn vị lập báo cáo, sau khi lãnh đạo Cty có phiếu giao việc thì công tác xử lý mới được thực hiện. “Tuy nhiên, với việc áp dụng công nghệ và số hóa công tác trên, trình tự này được rút ngắn tối đa khi báo cáo được cán bộ lập ngay tại hiện trường, sau đó chuyển lên hệ thống trực tuyến, lãnh đạo Cty ở nhà ra phiếu giao việc để đơn vị có trách nhiệm xử lý ngay”, ông Hùng nói.
Với công tác vận hành tiêu thoát nước tại trạm bơm lớn nhất Hà Nội là Yên Sở (Hoàng Mai), lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, trước tình trạng cao độ các cửa dẫn nước vào hồ điều hòa Yên Sở cao, khiến mực nước khi có mưa chảy vào hồ điều hòa chậm, đầu năm 2017 Cty Thoát nước đã hoàn thành việc cải tạo các cửa dẫn A, B, C vào 3 hồ điều hòa của trạm bơm Yên Sở. Theo đó, thay vì khi có mưa lượng nước trên các con sông và kênh dẫn phải đạt mức dương 3 mét (+3m) thì mới chảy vào hồ để bơm tiêu thoát ra sông Hồng, thì nay chỉ cần mực nước dương trên 1 mét (+1m) là có thể dẫn nước vào hồ, vận hành tiêu thoát nhanh chóng. “Khi chưa cải tạo các cửa điều tiết lũ A, B, C tại các hồ điều hòa của trạm bơm Yên Sở, lượng nước mưa từ khu vực nội thành đổ về hồ Yên Sở phải mất thời gian từ 90 đến 120 phút, nhưng mùa mưa năm 2017, cụ thể là các trận mưa lớn vào các ngày 19/6, 17/7 và 16/9/2017 nước mưa từ nội thành chảy về trạm bơm Yên Sở chỉ 30 phút. Điều này giúp các quận nội thành tránh được nhiều điểm ngập nặng so với các năm trước”, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở đánh giá.