Công khai sản vật thú hoang

Niêm yết hàng trên mạng.
Niêm yết hàng trên mạng.
TP - Trong khi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) liên tục cập nhật công bố số lượng, tình trạng cá thể động vật quý hiếm suy giảm, đang trên bờ tuyệt chủng, cần sự chung tay bảo vệ của cộng đồng, thì ở Tây nguyên, tình trạng buôn bán thịt rừng, đặc biệt là các bộ phận nanh, móng, vuốt của các loài thú rừng hiếm quý diễn ra gần như công khai thoải mái.

Rao bán “đặc sản rừng” trên mạng

Để tiện cho việc mua bán, các ông chủ, bà chủ, nậu tung hàng trên mạng chào bán mua rôm rả, cam kết “ship” hàng toàn quốc, bất chấp các quy định ngăn cấm. Sáng sớm, tôi gõ cụm từ khóa “Cần mua nanh heo rừng” trên công cụ tìm kiếm của trang Google, trong vòng 0,42 giây màn hình đã hiển thị 564.000 kết quả, gồm địa chỉ các trang web, diễn đàn liên quan chào bán món hàng này. “Thượng đế” chỉ cần click vào trang chọn hàng, cho địa chỉ và… ngồi rung đùi chờ, là thứ  mình cần sẽ đến tận tay. “Tiền trao, cháo múc”!

Tận dụng ưu điểm kết nối siêu tốc của mạng internet cùng với dịch vụ thu hộ do bưu điện cung cấp (là dịch vụ được triển khai trên mạng lưới bưu cục, cho phép khách hàng nộp tiền phí bảo hiểm, phí trả góp, tiền điện, nước, cước điện thoại, tiền đặt chỗ, mua hàng qua mạng,…) hoạt động mua bán diễn ra công khai, dễ dàng khiến “hàng rừng” chảy máu khó kiểm soát.

Lướt một vòng các trang web, diễn đàn như: 5giay.vn, vatgia.vn, raovat.com, rongbay.com, facebook… không khó để thấy các chủ hàng niêm yết hình ảnh đủ loại “đặc sản rừng”, giá cả và số điện thoại liên hệ hẳn hoi. Gọi số điện thoại nào, chủ hàng cũng cam kết chắc như đinh đóng cột “hàng thật, giá rẻ, bao nhiêu cũng có, chỗ nào cũng giao”. 

Hỏi xuất xứ mặt hàng, chủ nào cũng khẳng định nội - ngoại có tuốt, nhưng chủ yếu vẫn là các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai… Họ cũng tiết lộ, do nhiều loại thú nội địa không còn, nên họ vẫn nhập thêm hàng Lào, Campuchia, châu Phi về cho đa dạng phong phú, phục vụ gu sính ngoại của khách.

Vào Google, gõ cụm từ “Hàng rừng Tây Nguyên”, lập tức hàng loạt hình ảnh răng, nanh heo, móng vuốt đủ loại. Dù là chợ ảo nhưng hoạt động rao - mua - thách - bớt cũng sinh động không kém chợ thực. Chủ trang mạng liên tục đăng hình ảnh bắt mắt chào hàng kèm theo lời rao mĩ miều “đẹp - đỉnh -chuẩn, giá mềm không đâu sánh bằng”,  “hàng thật 100 %, giả đền 100 củ” (triệu) và họ không quên để số điện thoại liên hệ. 

Giá các mặt hàng cũng đa dạng từ vài trăm đến tiền triệu theo tùy vào độ quý hiếm, độc lạ của từng món. Sừng sơn dương được rao bán với giá 400 nghìn đồng/cặp. Móng gấu dài khoảng 5-6 cm có giá từ 600- 700 nghìn đồng/móng. Giá nanh hổ tính tiền triệu trở lên tùy cỡ to - nhỏ. Riêng món hàng độc quý hiếm như tê giác, ngà voi,… giá tính bằng tiền trăm triệu trở lên. 

Ngoài ra những món hàng được dát vàng, dát bạc và yểm bùa được giá bán đội lên gấp 4-5 lần. Mỗi hình ảnh đăng lên có hàng trăm lượt like, bình luận ngã giá, trao đổi. Điều đó chứng tỏ ma lực hấp dẫn của món hàng cấm này chưa bao giờ nguội, mặc cho thú hoang từng ngày bị săn đuổi tàn bạo, cận bờ tuyệt chủng.

Tôi bấm số 0908xxx.xxx liên hệ, nam thanh niên đầu kia bắt máy chào hàng rất chuyên nghiệp: Bên em món nào, cỡ nào cũng có. Chị vào trang chọn hàng, thích cái nào cứ inbox, em báo giá ngay. Tôi nói muốn mua một 1 chiếc móng gấu để “trừ tà” cho em bé. 

Chủ thuê bao cho biết loại nhỏ nhất dài 3-4 cm còn nguyên lông có giá 380k (nghìn đồng), và 450k dành cho loại bọc bạc sẵn. Chủ buôn trấn an: “Chị yên tâm hàng thật 100%, nếu hàng giả em đền chị 100 triệu, bên em ship hàng toàn quốc. Chỉ cần đặt cọc thẻ card điện thoại từ 20 - 50 nghìn, hàng đến tay chị thanh toán đầy đủ cho nhân viện bưu điện giúp em là được. Em bán hàng uy tín lắm, chị cứ yên tâm!”. Tôi thử liên hệ mua hàng ở “Nanh heo rừng”, dù chủ Facebook ở Hà Nội nhưng vẫn cam kết giao hàng đúng hẹn mọi nơi khách yêu cầu.

Công khai sản vật thú hoang ảnh 1

Giá mềm, bao nhiêu cũng có.

Rao bán trên trang cá nhân thôi chưa đủ, chủ hàng còn lập hội, nhóm, kết nối thành mạng lưới để “phổ cập” hàng hóa khắp cả nước.  Hội mua bán Nanh Móng Thú Rừng (Gấu, Cọp, Heo Rừng, Báo...) có tới 9.116 thành viên tham gia. 

Để mê hoặc người mua, ngoài hình ảnh đa dạng ngút ngàn, chủ buôn không quên “nã vào đầu khách” những công dụng như: trừ ma diệt tà, trị bách bệnh, tráng dương bổ thận, ông uống bà khen… khiến khách cả tin rút hầu bao chi đẹp. 

Chủ một trang face chuyên cung cấp nanh móng vuốt thú rừng Nguyễn Anh Việt còn tung hô khả năng siêu phàm của các sản phẩm từ hổ như: lông hổ đuổi được tà khí giúp trẻ nhỏ ngon giấc, cải tử hoàn sinh cho người từng bị bại liệt v.v…

Vàng thau lẫn lộn

Những người kinh doanh mặt hàng này ai cũng quả quyết hàng mình “xịn, 100/1.000” nhưng sự thật thế nào chỉ có trời mới biết. Một tay sành chơi hàng rừng đã từng tiết lộ với tôi rằng: 10 nanh móng vuốt, sừng thú rừng bày bán thì hết 9 cái là rởm! Dứt lời, ông lấy ra một chiếc sừng tê giác để chứng minh thật - giả. Nhìn bề ngoài người ngoại đạo như tôi tưởng hàng rừng thật. Ông cười mỉm lắc đầu rồi bảo: “Giả đấy”. 

Ông dùng đèn pin rọi vào, chiếc sừng phát ra ánh sáng hồng. Tiếp đến ông mài sừng lấy bột, đốt lên có mùi khét đúng là sừng thật nhưng không phải sừng tê giác. Ông tiếp tục dùng cưa cắt khoanh tròn rồi phân tích, sừng nào có các vòng tròn đồng tâm giống thân gỗ khi ta cắt ngang thì là sừng sơn dương, trâu bò,… riêng tê giác thì không có. 

Còn nữa sừng tê giác mọc từ da trong khi các loại sừng khác mọc từ xương sụn. Công nghệ làm đồ giả bây giờ tinh vi lắm. Từ nhựa tổng hợp, những kẻ lừa đảo phù phép cho ra hàng nào chẳng được. Mình muốn phân biệt thực hư phải áp dụng nhiều cách chứ chỉ tin mấy lời rao chào trên mạng mà vớ đồ rỏm về, vừa mất tiền vừa mang bệnh vào người thì khổ.

Công khai sản vật thú hoang ảnh 2 Hàng thật - giả lẫn lộn.
Ngược về Buôn Đôn - nơi các tín đồ sùng bái hàng rừng hay tới lui săn tìm. Ghé các quầy trưng bày hàng lưu niệm, đâu đâu cũng chào bán các sản phẩm động vật rừng từ lông đuôi voi, ngà voi, nanh heo, móng vuốt hổ,… 
Bày bán rất nhiều nhưng hàng thật chỉ như “mò ngọc dưới đại dương”. Anh Bun Koong Lào, Trưởng công an xã Krông Na huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cho hay: Lông, ngà voi, nanh heo ở đây hiếm lắm, nếu có cũng ít thôi. Đặc biệt sừng tê giác, sừng bò ở đây tuyệt đối không có! Toàn hàng giả!

Ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết: Để phát hiện, xử lý việc mua bán, cất giữ sản phẩm từ động vật rừng thật rất khó. Trước tiên phải xác định rõ đâu là sản phẩm từ động vật hoang dã với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng nuôi như heo rừng, nhím, nai,… 

Khâu này rất phức tạp nhất là khi chúng đã qua khâu chế biến chạm khắc. Muốn biết chính xác phải lấy mẫu gửi đi giám định, có kết quả mới xử lý. Tuy nhiên, công việc này rất tốn thời gian và kinh phí, không thể tiến hành nhỏ lẻ mà cần có sự phối hợp của các ban ngành liên quan.

Dẫu đến nay chưa có công trình khoa học nghiên cứu, chứng nhận công dụng chữa bệnh nào từ sản phẩm động vật rừng, cho dù là loại đắt tiền hàng tỷ như sừng tê giác, nhưng dân buôn vẫn tung hô, truyền bá chiêu dụ người mua. 

Chính vì công chúng thiếu ý thức bảo vệ sự cân bằng sinh thái, không biết quý trọng thiên nhiên hoang dã, lại dại dột cả tin nên mới săn lùng mua hàng rừng, tạo ra những khoản lời béo bở cho các chủ buôn, đầu nậu, góp phần tích cực vào việc tàn sát động vật quý hiếm - Một cán bộ kiểm lâm nói.

Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk khẳng định: Hành vi dùng mạng xã hội công khai đăng tải rao bán răng nanh, móng vuốt mãnh thú là vi phạm pháp luật. Việc quản lý thông tin thuộc về Sở thông tin truyền thông, còn việc chống hàng giả, hàng nhái do Sở Công thương phụ trách, Chị cục Kiểm lâm sẽ phối hợp thực hiện khi có đề nghị.

 Để ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển, chế biến động vật hoang dã trái phép, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm 2015 đến hết tháng 8/2015 cơ quan chức năng đã xử lý hàng chục vụ vận chuyển, mua bán động vật rừng trái phép.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.