Lễ hội này được tổ chức từ ngày 23-25 trong tháng 4 âm lịch, thời điểm trước khi người Bạch bước vào một vụ mùa mới. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc này. Nó còn được ví von là ngày lễ tình nhân của những người đã có gia đình.
Bất cứ ai đều có thể tham gia lễ hội Rao Sang Ling nhưng những người đã kết hôn chiếm đa số. Bởi, đây chẳng khác nào là dịp họ được “tháo cũi, sổ lồng” một cách hợp pháp. Trong suốt 3 ngày 3 đêm liên tiếp diễn ra lễ hội, những người tham gia sẽ diện những bộ trang phục truyền thống bắt mắt nhất của mình. Đối với những người đã có gia đình, việc ăn mặc đẹp không chỉ để phục vụ lễ hội mà còn bởi ai cũng muốn mình thật hoàn hảo trong mắt người tình.
Khi gặp gỡ, hai người sẽ thoải mái trút bầu tâm sự, giãi bày phiền muộn nén giữ bấy lâu, hoặc thậm chí có thể “qua đêm” với nhau ở những nơi vắng vẻ cho thỏa nỗi nhớ nhung trong suốt một năm xa cách. Không ai có quyền can thiệp, oán trách điều này. Hết ba ngày, hai người lại ngậm ngùi chia tay, ai về nhà nấy và tiếp tục cuộc sống hôn nhân hiện tại.
Phong tục này được người dân đặt cho tên gọi khá ẩn ý “chuyển sơn lĩnh”. Sở dĩ tộc Bạch lưu truyền tập tục kỳ lạ này bởi nhiều cặp vợ chồng do mai mối mà nên duyên vợ chồng, sau nhiều năm chung sống lại nảy sinh mâu thuẫn nên thường luyến tiếc, mong mỏi người xưa.
Ngoài tục lệ này, người Bạch Trung Quốc còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo khác, đặc biệt là trong đời sống hôn nhân. Thanh niên trong bộ tộc khá tự do trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Các thiếu nữ đều có phòng riêng và chỉ xây một lối đi nhỏ thông với phòng khách của gia đình. Cấu trúc đặc biệt này thể hiện sự tôn trọng của cha mẹ đối với cuộc sống riêng tư của con cái.
Tới tuổi cập kê, người con trai có quyền vào khuê phòng của thiếu nữ mà mình đang thương nhớ. Nếu tình cảm tốt đẹp, họ sẽ xin phép hai bên gia đình tiến hành lễ cưới. Ngược lại, họ có thể chia tay mà không phải luyến tiếc và vướng bận trách nhiệm.
Và các cô gái tiếp tục được quyền gặp gỡ, thân mật với những người con trai khác tại khuê phòng cho tới khi yên bề gia thất.
Điều này cho thấy tư tưởng bình đẳng nam nữ và lối sống thoáng về vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân của dân tộc này khác xa so với đại đa số các dân tộc khác ở các nước châu Á còn khá coi trọng và khắt khe trong vấn đề quan hệ nam nữ.