Thắng thua không quan trọng
Ông có thể cho biết cảm tưởng của mình sau chuyến trở về Việt Nam mới đây?
Chuyến trở về Việt Nam hồi tháng 3/2013 có tầm quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi nhận thấy, tôi đã chọn đúng đường. Đó là con đường thẳng thắn đối thoại để mang lại lợi ích chung. Tuy nhiên, chuyến đi của tôi lại gặp phải sự đối đầu mới của một số người Việt ở hải ngoại.
Luật sư Hoàng Duy Hùng (thứ 2 từ phải sang) cùng vợ và các nghị viên thành phố Houston dâng hương tại Đền Hùng, tháng 3/2013 Ảnh: Phương Thuận.
Họ chú ý đến chuyến đi của tôi, vì họ cho rằng tôi là một người Việt từng đấu tranh quyết liệt để đòi lật đổ Nhà nước Việt Nam bằng vũ lực, nhưng nay lại về Việt Nam với chủ trương đối thoại thì đối với một số người, đó là sự phản bội. Do đó, họ làm ồn ào trên mạng internet và trên truyền thông của người Việt hải ngoại. Bao hận thù của họ với chế độ nay họ chuyển sang đổ lên tôi. Họ phát động chiến dịch quyết tâm hạ gục tôi trên tất cả mọi mặt, nhất là trong sinh hoạt chính trị và tái tranh cử chức nghị viên. Dầu gặp sự phản đối gay gắt từ nhóm người này, tôi không ân hận. Tôi thấy mình càng phải cố gắng và kiên trì hơn nữa giúp người Việt trong và ngoài nước khép lại chương sử đau thương.
Việc thất cử vừa qua được cho là do ông quá chủ quan?
Đúng vậy. Tôi đã chủ quan cho rằng, ông Richard Nguyễn là một đối thủ không tên tuổi nên tôi không làm hết mình, tôi đã không gõ cửa nói chuyện với cử tri, và quan trọng nhất là tôi đã bỏ trống thùng phiếu để mặc cho phe họ muốn làm gì thì làm.
Ngoài yếu tố chủ quan, còn có yếu tố khách quan do những người chống Cộng bảo thủ và những đối thủ chính trị khác của tôi đã âm thầm đứng đằng sau ông Richard Nguyễn để vận động. Tôi thua với một con số sít sao, khoảng 200 phiếu.
Thắng hay thua không quan trọng đối với tôi. Quan trọng đó là tư cách khi mình thắng cũng như khi mình thua. Thắng không kiêu, bại không nản và học hỏi từ những sự thất bại để làm việc tốt hơn.
Phải chăng truyền thông cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông thất cử?
Như tôi đã trình bày, tôi thất cử không những vì yếu tố chủ quan mà còn do yếu tố khách quan, do những người chống Cộng không chấp nhận đối thoại với Nhà nước Việt Nam, đã đứng đằng sau vận động cho ông Richard Nguyễn.
Họ in tấm hình tôi về Việt Nam chụp hình chung với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, và với Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng cộng thêm những lời chua dựng chuyện, đại loại như “Al Hoàng đã về Việt Nam để Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhận vào Đảng Cộng sản”, để họ có cớ vận động cử tri Mỹ và Việt quyết tâm triệt hạ Cộng sản ở ngay trên đất Mỹ. Những ai hiểu chuyện thì ôm bụng cười.
Ông vẫn sẽ quyết tâm đi theo con đường đối thoại?
Việt Nam là nguồn gốc và là Mẹ của tôi thì lúc nào tôi cũng khắc khoải, trăn trở đối với Việt Nam và đương nhiên trở về với Mẹ là nỗi vui mừng lớn nhất trong đời.
Ông Hoàng Duy Hùng nói
Năm 2009, khi còn là Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Houston & Phụ cận, tôi ra tranh cử ghế nghị viên của thành phố Houston, 95% người Việt ở nơi đây ủng hộ tôi từ tinh thần, vật chất cho đến lá phiếu. Khi đắc cử nghị viên, tôi ủng hộ chính sách của thành phố Houston thành lập tuyến bay Houston - Việt Nam và đặc biệt là Houston kết nghĩa chị em với Đà Nẵng, tôi bị một số người lập tức phản đối và chống phá. Sau chuyến đi Việt Nam năm 2013, khi trở về Mỹ, lập tức sự chống đối tăng cao. Nhiều người cho tôi biết, những người chống đối vận động những chính khách Mễ (Mexico), Mỹ trắng, Mỹ đen, Trung Quốc… để ra đấu với tôi trong kỳ tái tranh cử tháng 11/2013, nhưng không ai ra tranh cử. Đến phút chót, họ đưa một người Mỹ gốc Việt ra. Ai ghét tôi vì con đường này thì tôi lặng thinh nhẫn nhịn và ai thương tôi thì tôi cám ơn họ. Quan trọng là quyền lợi tối thượng của Mẹ Việt Nam.
Mong mỏi thăm Trường Sa
Ông được gì và mất gì sau chuyến trở về Việt Nam?
Tôi mất rất nhiều bạn bè, mất rất nhiều ủng hộ viên, mất rất nhiều thân chủ của văn phòng luật. Ngay cả bà con họ hàng của tôi cũng ra mặt chống đối thì cá nhân tôi, bà xã tôi, và gia đình tôi đau lòng vô cùng. Dẫu vậy, chúng tôi không trách oán họ và vẫn cầu nguyện cho họ vì sự hiểu lầm là chuyện bình thường.
Bù lại, tôi và gia đình “được” thử thách trên con đường mình đã chọn. Với lý tưởng, bao nhiêu sự mất mát cũng chỉ là vết thương ngoài da. Đánh mất lý tưởng là đánh mất tất cả. Tôi thấy tôi còn có lý tưởng thì tức là tôi còn có chính mình. Còn có lý tưởng cho Mẹ Việt Nam thì đó là cái “được” lớn lao nhất trong đời.
Ông có dự định sẽ trở về Việt Nam nữa không?
Việt Nam là nguồn gốc và là Mẹ của tôi thì lúc nào tôi cũng khắc khoải, trăn trở đối với Việt Nam và đương nhiên trở về với Mẹ là nỗi vui mừng lớn nhất trong đời.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, từ năm 2014 sẽ tổ chức các chuyến đi thường niên ra thăm quần đảo Trường Sa dành cho người Việt Nam ở nước ngoài. Ông có ý định tham gia không?
Là con dân Việt ai mà không mong mỏi đến thăm Trường Sa, phần đất xa xôi nhất và cũng là tuyến đầu để bảo vệ chủ quyền đất nước. Đi Trường Sa khi có cơ hội để ủng hộ tinh thần chiến sĩ đang hy sinh bảo vệ chủ quyền đất nước không những là một niềm vui, một vinh dự, mà còn là một trách nhiệm thiêng liêng của mỗi con dân Việt Nam.
Tôi đã đồng ý với những ủng hộ viên ghi danh trong đảng Cộng hòa ra tranh cử vào tháng 11/2014 chức vụ dân biểu tiểu bang ghế 149 để đấu với dân biểu 5 nhiệm kỳ thuộc đảng Dân chủ là ông Hubert Võ, một người Mỹ gốc Việt như tôi. Dân biểu Hubert Võ được những người Việt chống Cộng bảo thủ ủng hộ.
Nếu tôi đi Trường Sa vào Xuân 2014, chắc chắn đối thủ của tôi sẽ lại dùng chuyến đi của tôi như một chiêu bài để rồi ngày đêm trên các phương tiện truyền thông tấn công tôi. Nhưng nếu Bộ Ngoại giao công khai mời tôi, tôi sẵn sàng đi để làm tròn bổn phận một người Việt phải bảo vệ chủ quyền đất nước, dù hệ quả là bị tấn công liên tục hoặc có thể bị thất cử.
Tết này ông định làm gì?
Tết ở bên Mỹ lạnh lẽo và không đặc sắc như ở Việt Nam. Ngoài việc đón Tết và các nghi thức tôn kính ông bà tổ tiên hoặc ra ngoài tham dự hội chợ Tết, Tết ở bên Mỹ, bao năm nay, đa phần tôi vẫn phải đi làm, tôi vẫn phải ra văn phòng luật để làm hồ sơ.
Sau năm 1975, tôi chỉ ăn Tết ở Việt Nam có một lần vào năm 1993 khi tôi còn bị nhốt biệt giam ở trong Khám Chí Hòa ở Sài Gòn với tội danh âm mưu lật đổ Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thấm thoát thời gian đã 20 năm...
Cảm ơn ông.
“Tôi sẵn sàng mời ông Hùng đi Trường Sa”
Tôi lấy làm tiếc vì Hoàng Duy Hùng đã chủ quan trong đợt tranh cử vừa rồi. Tôi nghĩ với uy tín, tri thức và tính quyết liệt của mình, ông ấy có khả năng thắng cử trong nhiệm kỳ tới. Tôi sẵn sàng mời Hoàng Duy Hùng tham dự chuyến thăm Trường Sa của đoàn kiều bào để ông ấy tận mắt chứng kiến chúng ta đã kiên quyết bảo vệ biển đảo như thế nào”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.