Ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập. Các chuyên gia, DN cho rằng, nhiều thách thức đang chờ đợi các doanh nghiệp (DN) trong cuộc chơi hội nhập mới này. Bên cạnh các cơ hội, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần loại bỏ những rào cản mềm làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN Việt.
Băn khoăn sức ép mở cửa thị trường tài chính
Khi AEC đi vào hoạt động, việc thực hiện các cam kết sẽ đặt ra không ít thách thức cho thị trường tài chính Việt Nam là đánh giá của TS Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính. Về trước mắt có thể thấy, việc hội nhập trong AEC giúp các DN trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán của Việt Nam mở rộng thị phần, tham gia nhiều hơn vào các thị trường khu vực.
Bên cạnh sự cạnh tranh, việc tham gia điều hành, quản trị của các nhà đầu tư nước ngoài tại các DN trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán sẽ giúp cải thiện trình độ quản trị kinh doanh của các DN cung ứng dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam.
Theo ông Lợi, hiện trong khối AEC vẫn còn sự chênh lệch giữa các quốc gia trong khối ASEAN và giữa Việt Nam với các nước ASEAN 5 về trình độ phát triển giữa các nền kinh tế, cũng như sự không đồng đều của ngành ngân hàng cũng như sự khác biệt quản trị rủi ro. Không chỉ Việt Nam mà các nước đang phát triển trong ASEAN cũng khá lo ngại về việc mở cửa thị trường tài chính do khoảng cách giữa các tổ chức còn rất lớn, tính cạnh tranh của DN trong nước không cao”, ông Lợi cảnh báo.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi mục tiêu tự do luân chuyển dịch vụ và lao động trong khối AEC được thực hiện, các quốc gia có nền kinh tế phát triển cao trong khối như Singapore, Thái Lan, Malaysia sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ dịch vụ tài chính, ngân hàng. Các định chế trung gian tài chính Việt Nam sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều. Đặc biệt, khi AEC hoàn thành mục tiêu tự do luân chuyển về vốn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc kiểm soát dòng vốn chảy vào, chạy ra.
“Sự gia tăng dòng vốn, đặc biệt từ nước ngoài sẽ làm gia tăng mối lo về bong bóng giá tài sản cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ độc lập. Dòng vốn được tự lo luân chuyển sẽ làm tăng nguy cơ đảo chiều rút vốn đột ngột, đặc biệt với quy mô lớn, sẽ là nguyên nhân mất ổn định đối với thị trường tài chính”, ông Lợi phân tích.
Mong bớt khổ vì thủ tục
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep). Dù chính sách của Nhà nước đã có nhiều thay đổi nhằm tạo cơ hội và điều kiện tối đa cho DN nhưng việc tái cơ cấu, cải cách thủ tục hành chính cần thời gian. Đây cũng là những rào cản không nhỏ làm giảm sức cạnh tranh của các DN xuất khẩu thủy sản tại các thị trường nhập khẩu lớn.
“Hiện với những ưu đãi về thuế nhập khẩu nguyên liệu, một số nước đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Thái Lan hay các nguồn cung lớn khác như Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ… đang khiến DN thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh để có được thị phần tốt hơn”, ông Hòe cho biết.
Là thị trường được đánh giá quy mô nhỏ, không đủ mạnh để cạnh tranh nhưng khi vào sân chơi chung AEC, nhìn chung người nông dân Việt Nam sẽ có lợi… là đánh giá của ông Trần Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả khi trao đổi với Tiền Phong.
Theo ông Hiệp, trước mắt, trong 2016 thị trường trái cây Việt không chịu nhiều áp lực nhưng nếu vẫn duy trì cách sản xuất nhỏ lẻ, không chịu đầu tư công nghệ thì rất khó có thể dự báo về lâu dài. Hiện có nhiều loại thuế phí mà các DN trong hiệp hội phản ánh không phù hợp, cần chỉnh sửa. Như với DN xuất khẩu, khi làm tờ khai hải quan phải có số container. Với quy định này, không DN nào có đủ xe để đáp ứng quy định cả. Mỗi khi xuất khẩu cả chục container là DN phải chạy vạy đi thuê xe để lấy số làm tờ khai, rất vất vả tốn kém”, ông Hiệp nói
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, có nhiều người cho rằng, việc Việt Nam ký hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) là đang đi quá nhanh. Tuy nhiên, đây là yêu cầu tất yếu để giúp Việt Nam có cơ hội đa dạng hoá sản xuất, kết nối với nhiều nền kinh tế cao nhất đến thấp nhất. Để làm được điều này, chúng ta phải đa dạng hoá phương thức sản xuất, không thể đi từng bước một như hiện nay.
Cũng theo ông Cung, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, điểm yếu khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không đạt được như kỳ vọng do DN không xây dựng được hệ thống phân phối hiệu quả đồng thời không nâng cao được sản phẩm với độ chế biến sâu.
Ngoài ra, vấn đề đang nằm ở chỗ kinh tế Việt Nam nói chung và nhiều ngành hàng nói riêng, phụ thuộc quá lớn vào việc làm gia công, không có nhiều giá trị gia tăng chất lượng cao. “Nếu không lo ngay từ bây giờ, nguy cơ bị hụt hơi vì thiếu vùng nguyên liệu cho sản xuất trong nước cũng như cho xuất khẩu. Đây là vấn đề đáng lo hơn nhiều so với việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN hay năng lực quản lý của nhà nước”, ông Cung cho biết.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, nhiều ý kiến lo ngại, sức cạnh tranh của hàng tiêu dùng trong ASEAN sẽ tác động xấu đến sản xuất trong nước. Tuy nhiên cần nhìn mọi thứ ở 2 khía cạnh. Ở khía cạnh tích cực, sự cạnh tranh sẽ khiến các DN trong nước phải tự cải tổ, thay đổi, nâng cao chất lượng của mình, và cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng.
Nhưng ở mặt tiêu cực, cạnh tranh có thể khiến cho nhiều DN trong nước mất thị phần, phá sản, hệ lụy người lao động, nền kinh tế... Các DN Việt dường như chưa có sự chuẩn bị gì đáng kể. Ở chiều xuất khẩu, mức độ tận dụng ưu đãi thuế của DN trong ASEAN còn thấp, theo đánh giá vào khoảng 30%-40% kim ngạch trong khi đó ở chiều nhập khẩu, thị trường đang chứng kiến làn sóng ồ ạt của hàng hóa tiêu dùng nước ngoài nhập khẩu, giành giật thị phần với hàng nội”.
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, dù muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở thị trường nội địa. Một thị trường với 90 triệu dân sẽ là nơi các ngành sản xuất, DN của chúng ta đối đầu với các đối thủ từ các nước trên thế giới.
Nguy cơ tụt hậu về nhân lực, năng suất lao động: So sánh ngay với các quốc gia Đông Nam Á và trong khối ASEAN thì năng suất trung bình của người lao động Việt Nam rất thấp, chỉ bằng một nửa năng suất lao động của Philippines, bằng 1/4 của Thái Lan, bằng 1/10 của Malaysia và chỉ bằng khoảng 1/17 năng suất lao động của Singapore. Điều này cho thấy nguy cơ nền kinh tế Việt Nam bị tụt hậu ngay chính trong khu vực là rất cao, khi cạnh tranh với các nước trong khu vực chỉ dựa vào lao động giá rẻ, năng suất lao động thấp.