Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu thuộc BHXH Việt Nam, về mức đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1/1/2016 theo quy định của Luật BHXH (sửa đổi), tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc năm 2016 không thay đổi (ổn định kể từ 1/1/2014). Cụ thể, người lao động (NLĐ) đóng 8% tiền lương tháng đóng BHXH (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất); người sử dụng lao động đóng 18% tiền lương tháng đóng BHXH (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 3% vào quỹ ốm đau, thai sản). Như vậy, tổng tỷ lệ đóng là 26% tiền lương tháng đóng BHXH.
Đối với NLĐ thuộc đối tượng hưởng lương theo tháng lương, bảng lương do Nhà nước quy định, từ 1/1/2016, những người hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, thì tiền lương để tính đóng BHXH không thay đổi. Nghĩa là, vẫn đóng BHXH theo tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Viên chức quản lý chuyên trách trong Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đóng BHXH theo hệ số tiền lương quy định tại Nghị định số 51 năm 2013 của Chính phủ.
Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, có lộ trình: Từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017, tính đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động.
“So với quy định trước đây, tiền lương tính đóng BHXH giai đoạn 2016-2017 có thêm khoản phụ cấp lương”, ông Liệu cho biết. Cũng theo ông Liệu, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác do doanh nghiệp tự xây dựng, làm căn cứ thỏa thuận, ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho NLĐ theo quy định của pháp luật.