Cơ chế vào cuộc
Những ngày này, trên khắp Tây Nguyên, đi đâu cũng nghe nói về mắc-ca! Dân chúng thì ráo riết lùng giống thuê đất, nhiều đoàn xe của doanh nghiệp, quan chức các cấp lũ lượt nối đuôi nhau tham quan các vườn mắc-ca. Một dự án hoàn tất từ 10 năm trước, nay được liên tục tra cứu - dự án phát triển cây macadania tại Việt Nam 2005.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sớm đề xuất Chính phủ bổ sung cây mắc-ca là cây công nghiệp chiến lược mới; đồng thời ban hành chủ trương, chính sách khuyến khích trồng, tiêu thụ sản phẩm. Chúng ta cần chú trọng việc trồng và sản xuất quy mô lớn, chế biến, tiêu thụ, tận thu các sản phẩm từ mắc-ca; đưa loại cây này trở thành sản phẩm của Việt Nam, thậm chí đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc về mắc-ca của thế giới.
Đại tướng Trần Đại Quang
(Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên)
Theo giáo sư Hoàng Hòe - giám đốc dự án, mỗi cây mắc - ca cho quả liên tục trong hơn 60 năm. Sau 10 năm tuổi, bình quân 1 ha mắc-ca trưởng thành cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Nếu chế biến sâu thành mỹ vị hay mỹ phẩm, giá trị của nó tăng gấp chục lần. Hiện, sản lượng mắc-ca trên toàn thế giới chỉ đáp ứng được 25 - 30% nhu cầu tiêu dùng, do rất ít vùng có khí hậu phù hợp để mắc-ca đậu quả. Việt Nam có thể phát triển khoảng 20 vạn ha mắc-ca ở Tây Nguyên và Tây Bắc, với mục tiêu đạt giá trị thương mại xấp xỉ 4 tỷ đô la vào khoảng năm 2030, nếu tích cực xây dựng vùng nguyên liệu ngay từ bây giờ.
Hiếm có dự án nông nghiệp nào đủ sức tác động liên hoàn mạnh mẽ đến như vậy. Năm 2010 Tổng cục Lâm nghiệp đưa mắc-ca vào danh sách cây lâm nghiệp, có nghĩa là cây này có thể trồng trên đất rừng mà không cần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Năm 2012 Bộ NN&PTNT có kế hoạch phát triển và quy hoạch vùng trồng mắc-ca.
Năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định 210 về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó dành vị trí đặc biệt cho cây mắc-ca, ghi rõ ở Khoản 1, Điều 12 , nguyên văn “Hỗ trợ trồng cây dược liệu, cây mắc-ca: Nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liệu, cây mắc-ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc-ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỷ đồng”. Theo đó, Thông tư hướng dẫn thanh toán, quyết toán các khoản hỗ trợ này sẽ chính thức có hiệu lực từ 27/4/2015.
Sự ưu đãi chưa từng có này khiến nhiều người băn khoăn: Vì sao ngân sách luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai” lại có thể chi hào phóng đến thế cho các nhà đầu tư mắc-ca, khi dự án diện tích và quy mô lớn như vậy chỉ có thể do các đại gia lập nên? Liệu có sự “lobby” chính sách nào phía sau khoản 1 điều 12 này không?
Làm giàu với mắc-ca
Tôi đã đến khu vườn rộng 8,8 ha, do Cty Vinamacca thuê lại đất cà phê cằn cỗi kém hiệu quả phải thanh lý của Cty cà phê 715 B huyện Ma Đrắk để trồng mắc-ca, tận thấy loài cây du nhập từ Úc về thuần hóa với điều kiện Việt Nam, mới đến tuổi thứ ba đã chi chít hoa trái. Hoàng Phúc - phó giám đốc Vinamacca, con trai giáo sư Hoàng Hòe, cho biết: chỉ mùa thu bói đầu tiên, nếu bán hạt với giá thị trường thế giới 3,5 USD/kg chứ không để ươm giống, thì Cty đã thu đủ vốn đầu tư làm vườn suốt 3 năm qua.
Giữa tháng 3/2015, tôi lại cùng Hoàng Tùng - Giám đốc Vinamacca, em trai Hoàng Phúc về thôn 12 xã Krông Buk huyện Krông Pắk, gặp ông Đoàn Trọng Nghiêm - một khách hàng mua 400 cây giống của Cty Vinamacca gần 4 năm trước. Ông Nghiêm hào hứng đưa chúng tôi đi xem vườn. Vườn cạnh nhà ông trồng mắc-ca giữa vạt ớt chỉ thiên, rẫy xa nhà ông trồng mắc-ca xen cà phê và bơ. Nơi nào mắc-ca cũng trổ dày hoa, nhiều cây đã kết nhiều chùm trái đong đưa như chuỗi ngọc, hương thơm ngọt mát. Con trai ông Nghiêm trước khi đi xuất khẩu lao động Israel thấy bố dốc túi mua mắc-ca về trồng từng hết mực can ngăn, bảo vùng này nóng sao nó đậu trái nổi. Bây giờ cậu lại nằn nì anh Tùng chừng nào có giống thì ưu tiên nhượng trước cho nghìn bầu nữa, em đang mua thêm rẫy! Trên chặng đường dài hơn 120km cả đi lẫn về, Tùng phải liên tục trả lời điện thoại, từ chối hàng chục lời đề nghị xin mua cây giống khác nữa vì đã hết hàng từ lâu. Mà mỗi đợt giống phải đủ 2 năm mới bảo đảm chất lượng.
Ông bà Ba-Lan trước vườn cây mắc-ca
Nhưng vườn mắc-ca trưởng thành đầu tiên, chứng minh hiệu quả kinh tế rõ ràng nhất trên Tây Nguyên có lẽ là vườn của vợ chồng ông bà Đức Ba- Kim Lan ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng. Trò chuyện với tôi, bà Lan kể 10 năm trước, một người cháu chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu đã mua hạt giống mắc-ca từ Úc về hướng dẫn ông bà tự ươm, sau đó cháu lại sang Úc mua chồi mắc-ca về tập cho ông bà tự ghép thành công. Hiện 8 sào vườn nhà bà có 250 cây mắc-ca từ 9-10 tuổi, cho hạt vừa tách vỏ xanh bình quân 25 ký/cây, bán chế biến thực phẩm giá 250.000đồng/ký, loại hạt lớn đẹp chọn bán giống thì giá 500.000đồng/ ký… Thời trẻ, ông từ chiến khu ra, bà làm kế toán. Theo cách bà kể, tôi tính vụ rồi, 8 sào mắc ca này cho ông bà khoản thu nhập trên 1,3 tỷ đồng. Khoản tiền đó, bà cởi mở bảo đâu có xài hết ! Các con có việc làm thu nhập cao hết rồi, ông bà để dành cho các cháu …
Chọn thủ phủ cho mắc-ca
Mắc-ca trĩu nặng những chùm quả trong vườn nhà ông Ba
Ngày 19/3/2015, tháp tùng đoàn đưa Nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đi thăm vườn mắc-ca của một số hộ dân xã Đắk Buk So huyện Tuy Đức - Đắk Nông, Bí thư huyện ủy Trần Đình Mạnh cho tôi biết trên địa bàn huyện hiện đã có khoảng 500 ha mắc-ca từ 2-4 năm tuổi. Huyện ủy chủ trương dành quỹ đất khoảng 14.000 ha có bình độ trên dưới 700m, khí hậu thích hợp để phát triển mắc - ca quy mô công nghiệp lẫn nông hộ, với quyết tâm biến Tuy Đức thành vùng nguyên liệu trọng điểm, thậm chí thành thủ phủ mắc - ca trên Tây Nguyên.
Cùng ngày, tranh thủ làm việc với lãnh đạo huyện Tuy Đức ngay trên những vườn mắc-ca xanh tốt, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho chúng tôi biết ngân hàng đã lên kế hoạch dành 20 nghìn tỷ đồng cho hộ gia đình và doanh nghiệp vay tín dụng dài hạn 7 năm để đầu tư xây dựng vườn mắc-ca, ân hạn cả nợ gốc và lãi trong 5 năm đầu, mức lãi suất và quy trình cho vay sẽ công bố vào đầu tháng tư sắp tới.
Là cổ đông lớn của Tập đoàn Him Lam, ông Hưởng cũng tiết lộ Him Lam sẽ xin 1.000 ha đất tại mỗi tỉnh Tây Nguyên để ươm giống và cung cấp giống theo tiêu chuẩn quốc tế cho nông dân với giá rẻ. Trong năm 2015, Tập đoàn cũng sẽ khởi công và hoàn thành việc xây dựng nhà máy chế biến mắc-ca, thành lập Hiệp hội mắc-ca Việt Nam, mở một công ty cổ phần bảo hiểm để bảo hiểm vườn mắc-ca cho tất cả các thành viên trong hiệp hội.
(Còn nữa)