Con nuôi biên phòng

Phi học cách xếp chăn mền vuông vắn trong quân đội. Ảnh: Hoài Văn.
Phi học cách xếp chăn mền vuông vắn trong quân đội. Ảnh: Hoài Văn.
TP - Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Phi theo các chiến sĩ vào đồn, cùng ăn ở, sinh hoạt. Những ngày đầu còn lạ, em thấy căng thẳng khi lệnh quân đội rất nghiêm, mọi sinh hoạt, ăn uống đều phải đúng giờ. Nhưng giờ thì quen rồi, cứ 4 rưỡi sáng em đã tự động bật dậy, xếp chăn màn như quy định và chạy ra sân thể dục cùng với các chiến sỹ” - Phi chia sẻ.

Nguyễn Châu Phi, 15 tuổi, là một trong số những học trò nghèo miền biển được các chiến sĩ bộ đội biên phòng Tam Thanh (đóng tại xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ năm 2014 đến nay.

Hạ sĩ quan Bùi Tấn Chiến,  người được phân công trực tiếp kèm cặp việc học của Phi, kể: So với hồi đầu nhút nhát, nay Phi đã trở nên hoạt bát, vui nhộn hơn nhiều. Kết quả học tập của em cũng tiến bộ rõ rệt, từ học sinh trung bình lên học lực khá. 

Chiến quê ở Tam Quan (huyện Núi Thành, Quảng Nam) vào đồn công tác được 1 năm. Anh cũng đang ôn tập để thi đại học nên nhận nhiệm vụ hướng dẫn Phi học bài.

 Những tối cùng nhau ôn tập bài vở cùng những chia sẻ trong cuộc sống khiến hai anh em trở nên gần gũi, gắn bó. “Ở nhà em cũng có một em trai đang học lớp 5, nên không khó để hai anh em làm quen và gắn bó như bây giờ” - Chiến tâm sự.

Nước da ngăm đen, khỏe mạnh, Phi trông chững chạc hơn với những bạn đồng trang lứa. Ngoài giờ học, Phi thường theo chân các chiến sĩ vào vườn tăng gia sản xuất hay xuống bếp phụ làm cơm. 

Những giờ sinh hoạt ngoại khóa, cậu học trò vui vẻ đàn hát cùng các anh biên phòng. Phi nói: “Mỗi lần nhà có việc thì các chú cho về thăm, nhưng chỉ vài hôm em lại nhớ nên mau chóng lên lại. Em mong sau này cũng được trở thành người lính bộ đội biên phòng chính hiệu”.

Chia khổ cùng ngư dân

Từ năm 2014, Đồn biên phòng Tam Thanh phối hợp với trường THCS Thái Phiên nhận nuôi, hỗ trợ 4 em có hoàn cảnh khó khăn. Ba em sau khi học hết lớp 8 gia đình đã xin đưa về để tiện cho việc nhập học lớp 9. Năm 2016 đơn vị nhận thêm hai em học sinh khó khăn là Bùi Thị Thanh Tâm (7 tuổi) và Trần Thu Lộc (13 tuổi). 

Do điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, hơn nữa các em lại là nữ nên đơn vị giúp đỡ theo hình thức hỗ trợ tận nhà. Hằng tháng đồn mua lương thực thực phẩm mang đến tận nhà, dịp đầu năm học mua sắm sách vở, hỗ trợ kinh phí học tập, đồng thời cử quân y xuống khám bệnh, phát thuốc khi các em đau ốm.

Bé Tâm nhà có 3 anh em, ở thôn Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh. Ba của Tâm là anh Bùi Văn Đức (43 tuổi) trước làm nghề đi biển nhưng mấy năm nay bệnh tật  chỉ quanh quẩn ở nhà. Anh trai của Tâm mắc bệnh thần kinh. 

Một mình bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy mang trên vai gánh nặng gia đình. “Riêng tiền thuốc men cho ba nó cũng xoay không nổi rồi. May nhờ có các chú bộ đội biên phòng chia sẻ giúp đỡ. Ngoài chu cấp về vật chất, các chú còn giúp cho việc học của cháau Tâm không bị gián đoạn” – bà Thúy xúc động kể.

Trần Thu Lợi cũng là cô bé kém may mắn. Ba mẹ ly hôn, hai chị em ở với mẹ. Mẹ mắc chứng bệnh khô tủy nên không thể lao động nặng, may vá mưu sinh qua ngày. Cuộc sống gia đình khó khăn, giấc mơ theo đuổi con chữ của hai chị em trở nên mong manh.

 Cán bộ chiến sĩ  biên phòng Tam Thanh ngoài hỗ trợ mua thực phẩm hằng tháng, thì mỗi dịp đầu năm học lại mua sắm sách vở, áo quần mới để các em đến trường. Đơn vị còn phối hợp với nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để các em học tập, bớt lo khoản kinh phí.

“Hầu hết các em là con em gia đình ngư dân, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đơn vị nhận đỡ đầu nhằm chia sẻ phần nào, vừa giúp các ngư dân yên tâm bám biển và con em vẫn đến trường học tập tốt”  - Thượng tá Trần Minh Tấn, Chính trị viên Đồn biên phòng Tam Thanh, cho biết.

Theo Thượng tá Trần Minh Tấn, đồn có nhiệm vụ bảo vệ biên giới, quản lý địa bàn ba xã Tam Thanh, Tam Tiến, Tam Hòa. Ngoài nhiệm vụ chính, cán bộ chiến sĩ biên phòng ở đây còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Kinh phí hoạt động đều do anh em tự nguyện đóng góp, trích tiền lương hằng tháng hoặc tạo nguồn từ tăng gia sản xuất. 

MỚI - NÓNG