Vụ “Nước mắt công nhân cà phê”:

Còn khoán trắng, công nhân còn khổ!

 Đem cà phê về nhà, chờ giải quyết
Đem cà phê về nhà, chờ giải quyết
TP - Sau loạt bài “Nước mắt công nhân cà phê” đăng trên báo Tiền Phong, các bộ, ngành, thanh tra đã vào cuộc chấn chỉnh nhiều sai phạm trong cách quản lý kiểu khoán trắng lỗi thời ở không ít đơn vị cà phê quốc doanh. Tuy nhiên, người lao động trong nhiều công ty, nông trường hiện vẫn tiếp tục bị đối xử bất công, chèn ép.

Hái sớm bị bắt, hái muộn bị ép giá

Theo phản ánh của người lao động, nhiều ngày qua Nông trường cà phê Chư Prông (thuộc Công ty TNHH MTV cà phê Ia Grai ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã ép công nhân phải bán cà phê cho nông trường theo giá “cào bằng” bất kể đó là cà phê khô hay tươi.

Ông Nguyễn Văn Kim - công nhân đội 8 Nông trường cà phê Chư Prông (Gia Lai) than: “Cà phê được mùa nhưng công nhân vẫn khổ vì cách thu mua của nông trường quá ép. Cà phê đã chín khô queo quắt trên cành tới 30-40% nhưng khi nhập kho, nông trường vẫn tính theo giá cà phê quả tươi. Cách tính đó của nông trường khiến vụ này tôi mất đến 6 tấn/2 ha. Với giá 9.000 đồng/kg quả tươi, khoản thất thu không ít”.

Theo giải thích của công nhân, việc cà phê chín khô trên cây nhiều là do đầu mùa phần lớn công nhân phải tham gia hái “cà phê công đoàn” cho Cty, sau đó phải nghỉ hái do mưa bão. Nhiều hộ muốn hái cà phê sớm lại không được.

“Nhiều hộ tiếc của, thấy cà phê khô đi hái trước thì bị bắt, vu cho cái tội ăn cắp. Có người bị bắt và tịch thu hết cà phê phải gào khóc trên chính lô cà phê của mình. Có lúc công nhân bị kiểm tra, lục soát như tội phạm. Nông trường chỉ biết chèn ép mà không quan tâm đến đời sống người lao động”.

Nguyễn Văn Cường-công nhân đội 6, Nông trường cà phê Chư Prông (Gia Lai)

“Thấy cà phê chín khô, sợ rụng và bán theo giá cà phê tươi sẽ bị thiệt thòi, tôi vào lô hái thì bị lập biên bản đình chỉ hái một tuần vì chưa có sự cho phép của nông trường. Giờ thu hoạch, lượng cà phê khô cao mà cân theo giá cà phê tươi thấy xót của lắm, ước tính tôi bị thiệt cỡ 2 tấn. Nhiều hộ đồng bào thiểu số ở đội 9 thuộc làng A’H, xã Ia Pia cũng để cà phê chín khô, chưa hái”, anh Trần Văn Huy công nhân đội 6 cho biết.

Anh Nguyễn Văn Cường công nhân đội 6 bức xúc: “Chúng tôi đã họp, ý kiến đề nghị nông trường tính tỷ lệ cà phê khô cho công nhân nhưng không được chấp nhận. Trong khi đó, công nhân thu hoạch nếu lẫn cà phê xanh hoặc gặp trời mưa thì bị trừ 4 kg/bao.

Nhiều hộ tiếc của, thấy cà phê khô đi hái trước thì bị bắt, vu cho cái tội ăn cắp. Có người bị bắt và tịch thu hết cà phê phải gào khóc trên chính lô cà phê của mình. Có lúc công nhân bị kiểm tra, lục soát như tội phạm. Nông trường chỉ biết chèn ép mà không quan tâm đến đời sống người lao động”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phan Văn Hạnh – chủ tịch công đoàn Nông trường Chư Prông thừa nhận có tình trạng cà phê khô trên cây, nhưng Cty chỉ tính thêm 20kg/tạ cho các hộ.

Nghe hỏi về giải pháp hỗ trợ thiệt hại cho công nhân, ông Hạnh dửng dưng: Việc phân chia để mua theo tỷ lệ khô - tươi xưa nay chưa có tiền lệ, nên Cty chỉ mua theo giá cà phê tươi.

Chưa xử lý dứt điểm

Dù đã có kết luận của Thanh tra nhà nước, công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, nhưng các sai phạm của lãnh đạo Cty TNHH MTV cà phê Cư Pul vẫn chưa được xử lý dứt điểm khiến hàng trăm công nhân tiếp tục kiên trì đấu tranh.

 Còn khoán trắng, công nhân còn khổ! ảnh 1

Cà phê chín khô đen trên cây nhưng nông trường chỉ mua theo giá quả tươi

Năm 1994, Công ty TNHH MTV cà phê Cư Pul bắt đầu khoán trắng vườn cây cho công nhân lo đầu tư chăm sóc, nhưng công nhân vẫn phải nộp nhiều khoản thuế, phí cho công ty quy theo giá cà phê quả tươi tại thời điểm nộp. Năm 2003, một số công nhân ký hợp đồng mới, thay hình thức nộp thuế phí từ tiền sang nộp sản lượng cà phê theo tỷ lệ thu hoạch, do giá cà phê quá thấp.

Do công nhân liên tục khiếu nại, tháng 9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu thanh tra làm rõ, và ban hành 2 công văn chỉ rõ Cty cà phê Cư Pul đã thu vượt, thu sai nhiều khoản so với quy định, buộc Cty phải trả lại các khoản đã lạm thu và khắc phục các việc làm sai trái.

Tuy nhiên, chỉ hoàn trả các khoản lạm thu cho các công nhân ký hợp đồng giai đoạn 1994 -1995, còn số người ký hợp đồng 2003 thì không được hoàn trả với lý do mỗi hợp đồng giao khoán “có tính pháp lý độc lập”, có mức thu, hình thức giao khoán và thời gian giao khoán khác nhau dẫn đến hiệu lực hợp đồng khác nhau. Cho rằng cách giải quyết như vậy là chưa thỏa đáng, niên vụ cà phê 2014 – 2015, hàng trăm công nhân tự thống nhất tạm ngừng nộp sản, chờ các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.

Các ông Nguyễn Sỹ An đại diện công nhân đội 4, ông Trần Viết Châu thay mặt công nhân đội 2 đều cho rằng: Các điều khoản, quyền lợi, nghĩa vụ trong hai hợp đồng là như nhau, chỉ có hình thức thanh toán là khác nhau nhưng Cty vẫn cố tình đối xử bất công. Thực tế, Cty khoán trắng vườn cây cho người nhận khoán tự đầu tư chăm sóc, vốn khấu hao vườn đã hết từ lâu mà Cty vẫn cứ buộc công nhân nộp đủ thứ thuế phí.

Khi chúng tôi đến Công ty cà phê Cư Pul xin gặp lãnh đạo Cty, một cán bộ phòng Tổ chức lắc đầu: Ban giám đốc không tiếp, mong anh chị thông cảm!

MỚI - NÓNG