Con đường sụp đổ của Tổng Công ty Dâu tằm tơ

Con đường sụp đổ của Tổng Công ty Dâu tằm tơ
Những ngày qua, dư luận xôn xao khi nghe tin 5 đơn vị thành viên của Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (tên giao dịch là VISERI), nộp đơn cho Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng để làm thủ tục xin phá sản.
Con đường sụp đổ của Tổng Công ty Dâu tằm tơ ảnh 1

Thật ra, sự sụp đổ của VISERI đã được báo trước từ cả chục năm nay. Và ngày 27/5/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 115, cho phép VISERI phá sản 12 đơn vị, trong đó có 8 đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhưng mãi đến gần cuối tháng 7/2006, thủ tục phá sản mới được 5 trong số 8 đơn vị  tiến hành khi  biết rằng không thể gượng được nữa...

Viseri - những phút vinh quang

Tiền thân của VISERI ra đời ngày 26/8/1985 với tên gọi “Liên hiệp các Xí nghiệp Dâu tằm tơ Việt Nam” mà khởi đầu chỉ gồm 11 đơn vị trực thuộc, trong đó có 6 đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, và Tổng giám đốc là ông Nguyễn Văn. Nói cho đúng, ngay từ khi lãnh đạo Liên hiệp các Xí nghiệp Dâu tằm tơ Việt Nam quyết tâm biến vùng đất Bảo Lộc thành “thủ đô dâu tằm”, thì đã có nhiều ý kiến phản bác của các chuyên gia nông nghiệp.

Theo ý kiến ấy, xưa nay cây dâu chỉ phát triển mạnh trên vùng đất bồi, dọc theo những triền sông như ở Quảng Nam, Thái Bình, An Giang, còn vùng Bảo Lộc đất đai phần lớn là đồi núi, độ dốc cao, sự xói mòn lớn vì rễ của cây dâu không đủ to, đủ mạnh để ngăn cản đất trôi.

Nhưng vào thời điểm ấy, phong trào di dân tự do từ các tỉnh phía Bắc, cũng như chính sách kinh tế mới đã khiến diện tích trồng dâu tăng lên vùn vụt, bởi lẽ người dân chỉ cần trồng vài ba tháng là hái lá, bán được tiền, giải quyết ngay vấn đề cơm gạo trước mắt. Chả thế mà đến năm 1995, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đã có 17.850 hécta dâu, chiếm 47% diện tích dâu của cả nước, và số lượng công nhân VISERI có lúc lên hơn 25 nghìn người.

Đến ngày 30/12/1995, theo Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, Liên hiệp các Xí nghiệp Dâu tằm tơ Việt Nam đổi tên thành Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (VISERI) với 34 đơn vị thành viên, trong đó có 3 đơn vị liên doanh với nước ngoài, trụ sở đặt tại thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Công bằng mà nói, vài ba năm đầu VISERI đã có những thành công đáng kể. Ngoài việc tăng diện tích trồng dâu, VISERI còn xây dựng những nhà máy ươm tơ tự động, các xí nghiệp giống tằm, xí nghiệp chế biến, nhà máy dệt lụa, các phòng thí nghiệm lai tạo các giống tằm đa hệ, lưỡng hệ, chọn lọc và lai tạo các giống dâu, nghiên cứu sâu bệnh trên cây dâu, con tằm. Kết quả là các giống tằm TQ112, BV8, BV10, BV 12, JH112... đã đem về cho Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ VISERI giải thưởng Kovalevskaia năm 1998.

Những giây sụp đổ

Nhưng, bên cạnh những thành công ấy, thì sự sụp đổ cũng đã manh nha. Đó là việc xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị ồ ạt mà phần lớn là các loại máy đã qua sử dụng. Có những loại máy sản xuất từ năm 1988, nhưng sau năm 2000 mới mua về, cộng với tiền tỉ đổ ra để đầu tư nghiên cứu giống, nhưng lại không áp dụng được vào thực tiễn, dẫn đến việc VISERI phải nhập khẩu hàng năm từ 60 đến 70% các giống trứng tằm và tơ từ Trung Quốc để sản xuất - mà một số là nhập trôi nổi, chất lượng thất thường.

Đó là chưa kể có những giống kén sau một mùa sản xuất, cho năng suất cao thì ngay lập tức, giá kén đang ở mức 20 đến 27 nghìn đồng/kg, bỗng vọt lên 40 nghìn, thậm chí có lúc lên 47 nghìn đồng/kg nên các nhà máy của VISERI phải tạm thời đóng cửa vì không tranh mua với các cơ sở tư nhân được.

Cụ thể của việc đổ tiền tỉ ra để nghiên cứu giống, là tháng 10/2001, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định phê duyệt dự án nâng cấp giống tằm và dâu trong thời gian 5 năm, từ 2001 đến 2005, với tổng kinh phí là 24 tỉ 900 triệu đồng. Đến tháng 3/2003, sau khi tiến hành kiểm tra thực tế, và thấy VISERI tiêu hết 6 tỉ đồng mà chẳng hiệu quả gì, Bộ đành phải cắt dự án.

Ngay như cây dâu cũng vậy, bên cạnh giống dâu Bàu Đen truyền thống, VISERI nhập thêm giống dâu lai Sa Nhị Luân, là loại giống mà Trung Quốc đã trồng từ cả chục năm trước, năng suất chỉ đạt bình quân 750kg kén/hécta dâu nên nguyên liệu kén tằm cung cấp cho các nhà máy là 30% (trong đó các nhà máy ươm tơ tự động chỉ là 10% vì nó đòi hỏi chất lượng tơ cao).

Hậu quả là sản phẩm làm ra không bán được, hoặc phải bán rẻ nên dần dà, VISERI trở thành một con nợ khổng lồ. Nhiều tài sản của VISERI phải mang đi gán nợ, điển hình là Khách sạn Dâu tằm tơ (nay là Khách sạn Ngân hàng dâu tằm).

Cuối năm 1999, đầu năm 2000, ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Ngân hàng Dâu tằm tơ trước khi chuyển sang công tác khác, đã phải khoanh nợ cho VISERI gần 600 tỉ đồng. Ấy vậy mà khi trao đổi với chúng tôi vào chiều ngày 31/8/2006, một cán bộ của VISERI vẫn lập luận: “Dù máy cũ hay máy mới, cũng đều cho ra chất lượng vải sợi như nhau. Có điều máy mới cần ít nhân lực hơn, năng suất cao hơn nhưng máy cũ lại giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động hơn”.

Chúng tôi hỏi lại: “Vậy VISERI có tính đến máy cũ sẽ tiêu hao nhiên liệu, điện năng nhiều hơn, và tỉ lệ sản phẩm hư hỏng có cao hơn máy mới không”, thì vị cán bộ này... cười trừ.

Có thể nói, từ thời Tổng giám đốc Nguyễn Văn đến thời Tổng giám đốc Vũ Tiến Trịnh và bây giờ là Tổng giám đốc Dương Xuân Túy, VISERI đã có những cú làm ăn động trời mà chúng tôi xin kể ra đây một vài ví dụ tiêu biểu: Thời ông Nguyễn Văn, tháng 2/1998, VISERI ký hợp đồng với một người Trung Quốc tên là Lục Chế Khoan để nhập 402 ổ trứng giống tằm nguyên chủng với giá 744 triệu đồng.  Điều đáng nói là 402 ổ trứng ấy chưa được ngành chức năng Trung Quốc kiểm nghiệm, cũng như không hề có tên trong danh mục giống quốc gia (Trung Quốc) hay thế giới.

Sau đó, tháng 4/1998, Lục Chế Khoan thuê thêm mấy người nữa, cõng 402 ổ trứng tằm, theo lối mòn qua biên giới Lạng Sơn và dĩ nhiên là không làm thủ tục hải quan, không qua khâu kiểm dịch, rồi trực chỉ Bảo Lộc, giao cho VISERI.

Tuy nhiên, 402 ổ trứng tằm mà Lục Chế Khoan quảng cáo là “nguyên chủng”, thì khi đưa vào phòng thí nghiệm để nhân giống, nó lại cho ra những thế hệ kén tằm không đạt độ dài tơ (dưới 1.000 mét), chưa kể tằm “nguyên chủng” này dễ bị bệnh, mau chết. Hậu quả là một số nhà máy kéo sợi phải nhập máy khác về - hoặc cải tạo lại máy hiện có cho phù hợp với độ dài tơ của giống tằm “nguyên chủng”, tốn kém hàng tỉ đồng.

Tiếp xúc với chúng tôi, Thượng tá Chu Đình Thức, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Lâm Đồng, nói: “Việc nhập 402 ổ trứng tằm mà không làm các thủ tục cần thiết chính là hành vi nhập lậu”.

Sang đến thời Tổng giám đốc Dương Xuân Túy, lại xảy ra "sự cố" qua vụ “nhập trứng tằm”. Tháng 7/2003, sau khi bàn bạc với một người Trung Quốc (cho đến nay, vẫn không biết người này là ai, thuộc công ty, xí nghiệp nào vì ông ta đã chết), VISERI bèn bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để nhập về - vừa máy móc thiết bị, vừa trứng tằm giống.

Tuy nhiên, đây không phải là trứng thương phẩm nên vẫn cần phải nhân giống trong phòng thí nghiệm. Toàn bộ số trứng giống và thiết bị được đưa qua đường tiểu ngạch tại cửa khẩu Móng Cái nhưng chẳng ai biết rõ xuất xứ của nó từ đâu và dĩ nhiên là không làm thủ tục hải quan, cũng như không qua khâu kiểm dịch.

Điều buồn cười nhất là trong cái gọi là máy móc, thiết bị ấy, lại có cả những thứ mà ở Bảo Lộc, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp thừa sức làm, chẳng hạn như “giấy đẻ trứng” - thực chất chỉ là giấy dó, bề mặt thô, ráp, nhằm giúp cho trứng bám dính vào. Những tờ “giấy đẻ trứng” trên góc có in mấy dòng chữ Trung Quốc này, giá gốc là 1,6 nhân dân tệ (NDT) nhưng khi nhập kho VISERI, nó biến thành 3,7 NDT (khoảng gần 40 nghìn đồng Việt Nam).

Bên cạnh đó, còn có nong đan bằng tre (chắc là tre họ tốt hơn tre ta?!), “bàn đẻ trứng” - là những chiếc bàn thông thường, giá gốc 70 NDT, VISERI nhập kho thành 158 NDT. Lại có cả trăm bộ “chày, cối” bằng sứ, nhìn thua xa sứ Hải Dương, sứ Bát Tràng, giá gốc mỗi bộ 4 NDT, VISERI nhập kho với giá 9 NDT.

Tréo ngoe hơn nữa, trong lô thiết bị còn có “ẩm kế” (là dụng cụ đo độ ẩm), axít kế (dụng cụ đo nồng độ axít) - là những thứ mà nhiều nhà máy ở Việt Nam đã sản xuất từ vài chục năm nay, chất lượng ngang bằng thế giới, đảm bảo yêu cầu.

Trứng giống, máy móc đưa về Bảo Lộc cùng với một chuyên gia Trung Quốc tên là Tăng Xuân Bình, có nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất. Lập tức, VISERI cho thành lập một bộ phận mang tên “Trung tâm giống” để bắt tay vào việc. Nhưng đến lúc này, chuyên gia Trung Quốc mới phát hiện ra rằng vẫn còn thiếu hệ thống làm lạnh.

Vậy là một lần nữa, tháng 8/2003, VISERI phải nhập thêm thiết bị làm lạnh với giá 298 triệu đồng, rồi khi đưa về đến cửa khẩu Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh, VISERI nhờ một phụ nữ vận chuyển qua biên giới, đồng thời dặn bà ta khi khai báo hải quan, thì khai giá trị thiết bị là 62 triệu đồng để chỉ đóng thuế 19 triệu.

Thiếu tá Lê Mai Sơn, cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an tỉnh Lâm Đồng nhận định: “Với những hành vi trên đây, đã có đủ cơ sở để kết luận VISERI vừa trốn thuế, vừa nhập lậu”. Số tiền mà VISERI trốn thuế là 75 triệu đồng.

Hì hục “nhân giống” suốt một thời gian, mà giống tằm chỉ phát triển trong phòng thí nghiệm, còn hễ cứ đưa ra sản xuất đại trà thì nó... ốm, rồi chết. Tới khi chuyên gia Trung Quốc Tăng Xuân Bình về nước, toàn bộ thiết bị được giao lại cho Công ty giống, rồi bỏ không, lãng phí cả tỉ đồng.

Việc nhập giống và thiết bị này có sự bàn bạc, thống nhất trong Hội đồng Quản trị nên sau khi xác minh làm rõ, Công an Lâm Đồng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, xử lý những người liên quan. Kết quả là một phó tổng giám đốc VISERI bị cách chức nhưng hậu quả mà nó để lại, thì đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Không chỉ nhập lậu, trốn thuế, trong một vài liên doanh với nước ngoài, VISERI đã để xảy ra những vụ việc khó hiểu. Nguyên trước đây, VISERI liên doanh với Singapore để cho ra đời Công ty VISINTEX nhưng sau đó, ông Matsui Kunikiho, người Nhật, Giám đốc Công ty Kimono Daigaku nhảy vào thay thế.

Trong quá trình liên doanh, ông Matsui vừa là đối tác bao tiêu sản phẩm, lại vừa là... Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VISINTEX! Điều này đã dẫn đến việc Công ty Kimono Daigaku bán cho VISINTEX một số máy móc, thiết bị trị giá 136.000 USD. Toàn bộ máy móc, thiết bị ấy nhập về mà không qua khâu thẩm định rồi sau khi lắp ráp xong, cũng chẳng ai đánh giá chất lượng.

Một kỹ sư của VISERI cho chúng tôi biết: “Máy móc đều là máy cũ, ở Nhật người ta thải bỏ từ lâu rồi”. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành dệt, toàn bộ máy móc chỉ chừng 11.000 USD là... hết đất!

Liên doanh đi vào hoạt động, và khi tiêu thụ sản phẩm được đồng nào, ông Matsui bỏ túi ngay đồng ấy với lý do “trừ vào tiền mà ông đã đầu tư”. Tính đến ngày 30/4/2006, Matsui còn nợ VISINTEX 613.000 USD. Khi VISINTEX đòi, Matsui bèn tự lập ra một số hóa đơn, chứng từ để chứng minh rằng mình đã đổ vào liên doanh hơn 1 triệu USD.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong phần góp vốn của ông Matsui, có khoảng 200.000 USD là của bạn bè ông ở Nhật nhưng ông không chia lãi cho họ, nên họ đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng để kêu cứu. Bên cạnh đó, ông Matsui còn lập ra một nhà máy riêng chuyên về xe tơ ở Lộc Sơn, và có lẽ do thiếu vốn, nên ông dùng số tiền ấy để đắp vào.

Gần đây nhất, ngày 27/8/2006, lợi dụng lúc ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc VISINTEX đi công tác, Matsui đã vào văn phòng công ty, yêu cầu chị Cấn Thị Hồng Lý, là nhân viên văn thư phải đưa chìa khóa cho ông. Sau đó, ông mở tủ, lấy con dấu công ty rồi cất luôn, khiến lãnh đạo VISERI phải làm công văn, gửi các cơ quan chức năng đề nghị thu hồi giúp.

Bây giờ, ngoại trừ hai liên doanh VIKOTEX và VISINTEX là còn cầm cự được, các nhà xưởng của VISERI phần lớn đều bỏ hoang, hoặc bán, hoặc cho thuê. Máy móc cái thì đã tháo gỡ, cái đắp chiếu, trùm mền. Hiện tại, tổng số nợ của VISERI đã lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.

Trong đó, 5 đơn vị vừa xin phá sản nếu chỉ tính đến cuối năm 2004, là thời điểm mà 5 đơn vị ấy đã ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, là 369 tỉ: Xí nghiệp Chế biến tơ tằm Bảo Lộc nợ 65 tỉ, cộng 367 triệu tiền lãi; Xí nghiệp Tháng 8 nợ 45 tỉ, cộng 367 triệu tiền lãi; Công ty Tơ  Việt Ý nợ 22 tỉ, cộng 469 triệu tiền lãi; Công ty Dâu tằm tơ Nam Lâm Đồng nợ 7 tỉ, cộng 171 triệu tiền lãi và Công ty Dâu tằm tơ Bắc Lâm Đồng nợ 25 tỉ đồng...

(Còn nữa)

Theo Vũ Cao
CAND

MỚI - NÓNG