Ngày 7/1/2013, Chính phủ công bố Nghị quyết 02/2013, trong đó có một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Nghị quyết này có nội dung về việc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước dành một lượng vốn hợp lý để cho một số đối tượng được vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội, cũng như nhà ở thương mại.
Ai được vay?
Điều kiện nhà thương mại được nghị quyết 02 đưa ra là có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu dành từ 20.000-40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước để phục vụ cho vay đối với các đối tượng nêu trên.
Vào thời điểm này, chỉ có hoạt động thuê, thuê mua của những người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang mới được điều chỉnh bởi Nghị định này.
Ngày 15/5/2013, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã đồng thời ban hành Thông tư 07/2013 và Thông tư 11/2013 để hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan.
Theo đó, để có nguồn cho các ngân hàng triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho vay tái cấp vốn trên cơ sở dư nợ cho vay thực tế của ngân hàng, tối đa là 36 tháng, tức đến ngày 1/6/2016.
Tranh cãi về mức lãi suất
Lãi suất ban đầu của các khoản vay này đến tay người dùng được cố định ở mức 6%/năm, nhưng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia cũng như của cả các lãnh đạo ngân hàng.
Trong khi nhiều người cho rằng mức lãi suất nên ở mức 3-4% thì mới tạo ra hiệu quả cao nhất, các chuyên gia khác cho rằng con số cụ thể cần thông qua quá trình thực hiện, sau đó điều chỉnh dần theo đúng diễn biến thị trường.
Tắc giải ngân
Dù được kỳ vọng sẽ sớm tạo nên cú huých về cầu trên thị trường bất động sản, nhưng thực tế, những tháng đầu thực hiện, báo cáo về tình hình giải ngân cũng như số lượng hồ sơ xin vay vốn chuyển về các ngân hàng rất chậm chạp. Thiếu nguồn cung nhà ở đáp ứng được yêu cầu cho vay nên tính đến hết năm 2013, thị trường chỉ tiếp nhận khoảng 712 tỷ đồng, tương đương 2,3% ngân sách được duyệt.
Hạ lãi suất ưu đãi còn 5%/năm, giải ngân đạt 10%
Bước sang năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất ưu đãi áp dụng là 5%/năm.
Đồng thời, danh sách ngân hàng thương mại được tham gia gói 30.000 tỷ tăng thêm. Ngoài các ngân hàng quốc doanh, 8 nhà băng cổ phần khác được tham gia gói 30.000 tỷ đồng, thay vì con số 5 nhà băng như ban đầu. Giữa tháng 2/2014, lần đầu tiên con số giải ngân của gói 30.000 tỷ đạt 10%.
Đồ họa tổng quan vốn cam kết, vốn giải ngân và lãi suất trong suốt quá trình triển khai gói 30.000 tỷ. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Liên tục sửa đổi đối tượng vay vốn
Tuy vậy, rào cản về điều kiện nhà được vay vốn vẫn kéo lùi những nỗ lực của các ngân hàng và khiến người mua nản chí.
Tháng 8/2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Nghị quyết 61/2014, sửa đổi một số điều của Nghị quyết 02/2013. Theo đó, những bất động sản có giá không vượt quá 1,05 tỷ đồng và các hộ gia đình có cải tạo, xây dựng mới nhà ở xã hội sẽ là những đối tương mới được vay theo gói 30.000 tỷ đồng.
Ngay sau Nghị quyết này, mức độ giải ngân của gói hỗ trợ đã tăng nhanh. Nếu đến cuối tháng 8/2014, các ngân hàng mới giải ngân được 3.000 tỷ đồng, thì chỉ 4 tháng sau, con số đã là gần 5.000 tỷ đồng.
Siết bằng tiêu chuẩn khắt khe
Ngày 1/2/2015, Ngân hàng Nhà nước chính thức áp dụng Thông tư 36, quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, giới hạn tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng là 60%, với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 200%. Đây được cho là những tiêu chuẩn mới, khắt khe hơn nhằm đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống tín dụng.
Điều này ảnh hướng khá nhiều tới tiến độ giải ngân của các ngân hàng, bởi trước đó, mục tiêu là đến cuối năm 2015, toàn bộ 30.000 tỷ cần phải được thị trường hấp thụ hết.
Thực tế, dù vẫn áp dụng lãi suất chỉ 5%/năm, nhưng đến tháng 12/2015, mức giải ngân chỉ đạt 17.771 tỷ đồng, dù số vốn cam kết đã đạt tới 90% ngân sách.
Người vay tiền giải ngân trước 1/6 "ngồi trên lửa"
Tháng 3/2016, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ đưa ra lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 36, trong đó, các quy định về giới hạn tối đa đều giảm mạnh. Các ngân hàng khi đó chỉ được phép dùng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Cùng với thời điểm áp dụng lãi suất theo hợp đồng tín dụng cụ thể, thay vì mức lãi suất ưu đãi 5%/năm trước đó của thông tư 11/2013, nhiều người dân đã lo lắng về số phận món vay của mình. Dư địa cho vay bất động sản của các ngân hàng thu hẹp, mức lãi suất mới không biết sẽ cao đến thế nào đã khiến những người mua nhà nhưng không kịp giải ngân trước ngày 1/6/2016 như "ngồi trên đống lửa".