Ngân hàng Thế giới ước tính, bệnh thiếu máu do thiếu sắt tiêu tốn 50 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu. TS Christopher Charles (28 tuổi) tin rằng, Cá sắt May mắn đang giúp bù đắp lượng sắt bị thiếu hụt cho người dân Campuchia sống quanh thủ đô Phnom Penh.
Khi đến Campuchia cách đây 6 năm, anh Christopher Charles, một sinh viên Canada tốt nghiệp ngành khoa học, nhận thấy, thiếu máu là vấn đề y tế cộng đồng nghiêm trọng ở đây. Trong những ngôi làng ở tỉnh Kandal, hầu hết trẻ em không nhanh nhẹn, hoạt bát như tuổi của chúng, mà gày, yếu, chậm phát triển trí tuệ. Phụ nữ ở đây thường mệt mỏi, đau đầu và không có sức làm việc. Phụ nữ có thai phải đối mặt những tai biến nguy hiểm trước và sau khi sinh, như băng huyết. Từ đó, anh Charles bị ám ảnh vì sắt.
Lúc đầu, TS Charles không thể thuyết phục người dân thả một cục sắt vào nồi thức ăn của họ. “Vì thế, tôi nghĩ ra cách làm cá bằng sắt, gọi là kantrop để kết nối nó với yếu tố may mắn trong văn hóa dân gian của làng, từ đó có thể khiến người dân tin rằng, con cá sắt đó mang lại may mắn và sức khỏe tốt”, anh Charles phát biểu với trang NPR. “Và con cá đó đã thực sự giúp lan tỏa ý tưởng con cá may mắn đến với người dân Campuchia trong dự án mà tôi đang làm”, TS Charles nói.
Con cá làm từ sắt này thường được thả vào nồi canh hoặc súp để giúp bổ sung loại khoáng chất quan trọng cho mỗi bữa ăn. Theo thông tin trên trang web của Lucky Iron Fish của B Corp, một con cá nhỏ này có thể cung cấp cho gia đình 4 người 90% lượng sắt cơ thể họ cần trong 5 năm.
Kết quả bước đầu
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Dinh dưỡng và Ăn kiêng năm 2003 khẳng định, việc nấu ăn cùng với sắt có thể là cách thức sáng tạo, hứa hẹn giảm tình trạng thiếu sắt và bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Nhưng lượng sắt đưa vào cơ thể của các đối tượng thuộc các nghiên cứu khác nhau không đồng nhất. Các tác giả nghiên cứu nói rằng, việc sử dụng đồ nấu nướng bằng sắt không phổ biến ở một số nước, trong khi ở một số nước khác, người dân thường xuyên dùng chảo sắt. Vấn đề này cũng là một trong những nguyên nhân khiến TS Charles quyết định bán cá sắt cho người dân ở Campuchia. Nhờ nhiều khách du lịch đến Campuchia mua loại cá này và sản phẩm cũng được bán trên mạng, hàng ngàn Cá sắt May mắn đang được sử dụng trên khắp Campuchia với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ.
Dù vẫn chưa có sự đồng thuận trong giới khoa học về việc liệu nấu ăn với sắt có chắc chắn giúp tăng lượng sắt cho người ăn, nhưng dự án Cá sắt May mắn đang tiến hành nghiên cứu của riêng họ. TS Charles nói với NPR rằng, các kết quả thu được rất hứa hẹn. Sau 9 tháng nấu ăn hằng ngày với cá sắt, 50% người sử dụng đã giảm được tình trạng thiếu máu và lượng sắt đo được trong cơ thể những người được nghiên cứu đã tăng rõ rệt.