Coma - Kẻ đào tẩu giấc mơ đang chiếu rạp có gì lạ?

Coma - Kẻ đào tẩu giấc mơ đang chiếu rạp có gì lạ?
TPO - Gần đây, điện ảnh Nga bắt đầu có những phim theo dòng khoa học viễn tưởng sử dụng nhiều kỹ xảo khá hấp dẫn. Mới nhất là Coma đang chiếu ngoài rạp. Mặc dù tỏ ra ảnh hưởng ít nhiều từ siêu phẩm Inception của Mỹ nhưng phim vẫn cho thấy tinh thần chậm rãi và lãng mạn kiểu Nga khá thú vị.

Coma nghĩa là “hôn mê” sang tiếng Việt thành Kẻ đào tẩu giấc mơ (hẳn là cho có nét gợi nhớ tới Kẻ đánh cắp giấc mơ- Inception). Nếu trong phim kia, con người được đưa vào giấc ngủ nhân tạo để hành động trong những giấc mơ cũng nhân tạo nốt nhằm đạt được mục đích thương mại trong đời thực, thì ở phim của đạo diễn Nikita Argunov, người ta cũng không tự dưng mà rơi vào hôn mê. Có điều để đạt được gì không phải ai cũng biết ngay từ đầu.

Thực ra nếu xây dựng phim theo kiểu khám phá thế giới (vũ trụ) do toàn bộ những người đang hôn mê vì bệnh tật, tai nạn… tạo thành cũng sẽ là một ý tưởng cực hay. Nhưng Coma chỉ dùng hôn mê để truyền thải thông điệp xã hội mà thôi. Lý sự của người sáng lập thế giới hôn mê là nếu trong đời thực ta không được là chính mình, không hiện thực hóa được những hoài bão của bản thân thì nó cũng đâu hơn gì cõi hôn mê. Thà hôn mê mà được sống hết nấc còn hơn(!) Trong cõi này, người ta cũng thức và ngủ. Và giấc mơ chính là cầu nối với hiện thực- tức những ký ức bị chôn vùi.

Cũng như Inception, vai trò của kiến trúc sư trong thế giới hôn mê hết sức quan trọng. Phải nói là mang tính quyết định. Kiến trúc sư có thể dựng lên mọi thứ từ trong tưởng tượng, tức chưa từng có trong thế giới hình thành từ ký ức của người bị hôn mê. Anh ta thừa sức tạo ra lối thoát hay tường thành bảo vệ cho những cư dân còn sót lại khỏi một thế lực hắc ám khó nhận dạng. Phải, Coma có thêm yếu tố kinh dị. Nhưng thực ra kẻ thù đang nắm giữ sinh mạng của mọi người đang ở trong đời thực kia. Nhưng trước hết họ phải tìm cách sống sót trong thế giới hôn mê đã.

Coma - Kẻ đào tẩu giấc mơ đang chiếu rạp có gì lạ? ảnh 1

Coma mở đầu bằng buổi sáng của một kiến trúc sư trẻ. Anh thức dậy và nhận thấy những dấu vết lạ trong căn phòng. Dường như có mọi thứ xung quanh anh bắt đầu mục ruỗng. Anh lao ra đường và gặp những ngôi nhà và cả con người cũng đang dần tan rã. Mọi thứ đảo lộn, các không gian bị xé lẻ hoặc kéo lại gần nhau. Có thể thấy trong tầm mắt các kiến trúc, điêu khắc nổi tiếng nước ngoài. Không phải đợi lâu, một nhóm “chiến binh” lạ mặt đã đến kịp thời đưa tân binh về căn cứ. Họ cho chàng những bài học đầu tiên về thế giới đảo lộn và nguy hiểm chết người mà chàng bỗng dưng lạc vào.

Có thể nói ý tưởng và bối cảnh ban đầu của phim khá hấp dẫn. Mặc dù kịch bản khá thông minh, song càng phim hơi thiếu các tình tiết gay cấn, các bối cảnh kỹ xảo mang tính trang trí là chính chứ không được tận dụng mấy. Nhịp phim không những chậm mà các diễn viên nói năng đi đứng cũng có cái gì đó cũng rất từ tốn. Có nhiều cái phim có thể “bắt chước” cho giống Mỹ, nhưng “tính cách Nga” thì không lẫn vào đâu được. Ai cũng có công có việc chứ không được ngồi chơi, kể cả khi đã hôn mê rồi. Người không đi chiến đấu thì sẽ phải lao động trong công xưởng. Kết phim cũng có độ bất ngờ nhất định, nhưng cách để dẫn đến kết cục chưa thực sự thuyết phục. Nhân vật chính thoát nạn theo kiểu ăn may nhiều hơn là tự thân vận động.

Coma - Kẻ đào tẩu giấc mơ đang chiếu rạp có gì lạ? ảnh 2 Coma khởi chiếu đầu tháng 2/2020 nhưng vướng COVID-19 nên nay mới ra rạp

Nói chung chính vì chưa xây dựng được một nền tảng “lý luận” chi tiết (như Inception) đâm ra Coma lại giàu chất thơ và bay bổng hơn. Cõi hôn mê vẫn ở đó mời gọi khi nào con người còn bất mãn với hiện thực. Và một số kẻ đang lợi dụng điều đó để tuyên truyền “tôn giáo” hôn mê của chúng… Coma có thể chưa thực sự mãn nhãn với những khán giả đã quen với phim giả tưởng hành động Hollywood, nhưng đã là một cố gắng hòa nhập thế giới đáng kể của điện ảnh Nga rồi.

MỚI - NÓNG