Coi di sản như mỳ ăn liền, quản lý kiểu gì?

Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hồng Vĩnh
Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Nhiều chuyên gia nói rằng, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho tư nhân quản lý di sản, dù nhiều nước đã trao quyền quản lý và khai thác dịch vụ trong khu di sản. Đã thế nhiều nơi coi di sản như “mì ăn liền”, cố khai thác thật mạnh mà quên đi những rủi ro, hậu quả đang chờ phía trước.

Đề xuất chưa có tiền lệ


Vịnh Hạ Long là điểm du lịch nổi tiếng, nhưng nguồn thu từ di sản thiên nhiên thế giới này chỉ chiếm gần 2% trong tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua. Sản phẩm du lịch tại Vịnh Hạ Long bị đánh giá là nghèo nàn, không tương xứng với tầm vóc của một di sản thế giới. 

Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác tại Vịnh Hạ Long”, trong đó có việc mời các đối tác tham gia. Và Tập đoàn Bitexco đề nghị tỉnh chuyển nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trong vòng 50 năm.

Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch do Bitexco đưa ra gồm 5 phần chính: Hiện trạng du lịch Vịnh, đề xuất phương án kinh doanh, đề xuất mô hình nhượng quyền, kế hoạch triển khai và năng lực của Tập đoàn. 

Theo đề xuất của Bitexco, phí nhượng quyền ba năm đầu sẽ là 90 tỷ đồng, ba năm tiếp theo là 130 tỷ đồng, sau đó là 160 tỷ đồng. Lợi nhuận được chia cho tỉnh Quảng Ninh theo tỷ lệ sau 3 năm đầu là 20%, sau 6 năm là 30% và sau 10 năm là 50%.

Ngày 23/7, tỉnh Quảng Ninh nhận được công văn đề nghị của Tập đoàn Tuần Châu về việc muốn tham gia đấu thầu quyền quản lý khai thác Vịnh Hạ Long. 

Trước các đề xuất này, PGS. TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, nói: “Việt Nam chưa có một hệ thống hành lang pháp lý cho các đơn vị ngoài Nhà nước tham gia vào hoạt động quản lý di sản”. 

Ông đề nghị, phải tạo được hành lang pháp lý phù hợp mới tính đến các vấn đề khác, tránh những nảy sinh sau khi giao cho một doanh nghiệp tư nhân quản lý di sản, cũng như cần có tầm nhìn rộng hơn đối với việc quản lý các di sản khác.

PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng, phải có sự phân định rõ ràng trong việc xã hội hóa quản lý, khai thác di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long. Đây là di sản thế giới nên các ngành chức năng và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cần thận trọng trước vấn đề này. “Không bao giờ để tư nhân làm thay quản lý nhà nước”, ông nói.

Tháng 5 tại Hội nghị “Quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam”, các chuyên gia đã chỉ ra vấn đề chung là bộ máy quản lý các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam chưa thống nhất; các quy định, quy chế quản lý chưa hoàn thiện, thiếu sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn phát sinh… 

Một số nơi coi di sản như “mì ăn liền”, cố khai thác thật mạnh tiềm năng, lợi thế của nó mà quên đi những rủi ro, hậu quả đang chờ phía trước.

UNESCO đã đưa Vịnh Hạ Long vào danh sách khuyến nghị về công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Nếu những khuyến nghị đó không được tiếp thu, điều chỉnh theo hướng tích cực hơn nữa nhằm có lợi nhất cho di sản về tính toàn vẹn, chân xác thì UNESCO đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự.

Phải dung hòa nhiều mâu thuẫn

PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, nói: “Trao quyền quản lý và khai thác dịch vụ trong khu di sản là xu hướng chung của thế giới”. Ở các nước có nhiều di sản như Italia, Tây Ban Nha, Anh, Ai Cập, Campuchia, Philippines… mô hình tư nhân quản lý di sản đã được áp dụng từ lâu. 

Tại Việt Nam, mô hình này mới có tại động Thiên đường (một phần của di sản Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình), được giao cho Tập đoàn Trường Thịnh quản lý, khai thác. 

Ông Quang lưu ý, Việt Nam cần chuẩn bị thật kỹ, đặc biệt là dung hòa những mâu thuẫn phát sinh. “Ai quản lý, quyết định giá cả dịch vụ, cảnh báo về môi trường; những mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ trên vịnh Hạ Long với doanh nghiệp được giao quyền; mâu thuẫn giữa cộng đồng đang sinh sống trên vịnh Hạ Long và doanh nghiệp…”, ông nói. 

PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, Việt Nam chưa nhận thức đúng về vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di sản.

“Chúng ta vẫn thiên về bảo vệ di sản văn hóa, nhưng quên mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa là nhằm phục vụ phát triển cộng đồng và phát triển con người. Di sản văn hóa phải mang lại lợi ích cả về văn hóa lẫn kinh tế cho những chủ thể sáng tạo văn hóa-những người đang sống bên cạnh di tích và luôn làm nhiệm vụ bảo vệ di tích”, ông Bài nói.  

“Khi được giao khai thác, tổ chức các hoạt động dịch vụ trong vùng di sản mà doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, làm thay đổi hoặc biến dạng không gian, cảnh quan của di sản thì ai là người có thẩm quyền rút giấy phép? Nếu tỉnh Quảng Ninh không rút giấy phép thì có chế tài đi kèm hay không, ví như cấp có thẩm quyền cao hơn?”.

PGS.TS Đặng Văn Bài
Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, nói: “Vịnh Hạ Long là di sản thế giới và phải được quản lý theo Luật Di sản và Công ước quốc tế, không thể quản lý như một công trình kinh doanh, vì Việt Nam phải cam kết đảm bảo tính toàn vẹn, chân xác, nguyên gốc của di sản, tức là không được xâm phạm di sản đó”.  

Đánh giá đề nghị của Tập đoàn Bitexco, Tập đoàn Tuần Châu rất đáng chú ý, TS Lê Đăng Doanh nhận định, việc một công ty đứng ra nhận quản lý cả một di sản văn hóa như Vịnh Hạ Long là một vấn đề mới và rất phức tạp. 

Ông cho rằng, vấn đề này liên quan nhiều lĩnh vực như pháp lý, kinh tế, văn hóa, môi trường…, nên việc có chấp nhận nhượng quyền khai thác vịnh Hạ Long hay không phải có ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành, chứ tỉnh Quảng Ninh không thể tự quyết.

MỚI - NÓNG