Học sinh trường THPT Việt - Đức, Hà Nội sau giờ thi tốt nghiệp năm học 2013-2014. Ảnh: Như Ý.
Mẫu mới, nhiều sai sót
Theo một cán bộ hướng dẫn tuyển sinh của một trường THPT khu vực Hà Nội, năm nay khâu khai hồ sơ của thí sinh gặp khó khăn hơn so với năm trước. Lý do chính là, trong suốt mấy chục năm, thí sinh đã quen với các mục “truyền thống” của hồ sơ đăng ký dự thi (có thay đổi cũng chỉ chút ít); năm nay, thí sinh phải khai thêm nhiều mục mới chưa quen. Ví dụ, có nhiều mục mới, đòi hỏi nhiều thông tin như: số điện thoại, email, địa chỉ nhà riêng, mục xét tốt nghiệp, mục xét tuyển vào đại học… khiến thí sinh dễ nhầm lẫn. Hơn thế nữa, khoảng cách để trống trên hồ sơ nhỏ, khó viết dẫn đến việc thí sinh viết xong khó đọc cho người cập nhật thông tin. Điều này khiến các trường cứ cập nhật xong 1 lần lại phải để học sinh kiểm tra lại và có trường phải làm tới 3-4 lần kiểm tra. Thái Bình cho biết, còn một số trường chưa xong dữ liệu; Thừa Thiên-Huế cũng cho hay 1 tuần nữa mới xong…
Vì khâu kiểm tra dữ liệu tốn nhiều thời gian và hạn chót nộp hồ sơ nằm trước dịp nghỉ lễ nên hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước chưa tổng kết dữ liệu.
Dữ liệu nào được chỉnh sửa?
Năm nay, một điểm mới của kỳ thi là sau khi nộp Phiếu đăng ký dự thi, mỗi thí sinh sẽ được nơi tiếp nhận cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi qua internet tại địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Theo Bộ GD&ĐT, tài khoản này được thí sinh dùng để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi từ khi đăng ký dự thi đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Khi đăng nhập vào phần mềm quản lý thi, thí sinh có thể biết được các thông tin quan trọng: thông tin đăng ký dự thi và có thể phản hồi các sai sót nếu có trước ngày 30/4; thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT và phản hồi các sai sót nếu có trước ngày 30/5); giấy báo dự thi; địa điểm thi; kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ… (Thí sinh khi nhận được tài khoản và mật khẩu thí sinh nên thay đổi ngay mật khẩu và giữ kín tài khoản và mật khẩu của mình).
Câu hỏi được đặt ra là thí sinh được thay đổi thông tin gì và có được thay đổi nguyện vọng thi không? Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết, theo quy định, hạn cuối cùng để thí sinh nộp hồ sơ đăng kí dự thi là 30/4/2015 và sau thời điểm này về nguyên tắc thí sinh sẽ không được thay đổi các thông tin đã đăng kí. Thí sinh sẽ không được sửa cụm thi, môn thi, còn các thông tin cá nhân hoặc chế độ ưu tiên thí sinh sẽ còn cơ hội để sửa chữa vào ngày làm thủ tục dự thi (30/6/2015). Quy định này đưa ra đã cho phép thí sinh có 1 tháng để cân nhắc, điều chỉnh; ngoài ra còn đảm bảo tiến độ chung của kỳ thi (các sở giáo dục và đào tạo phải chuyển toàn bộ dữ liệu đăng kí dự thi đã được rà soát cho các cụm thi trước 20/5).
Tuy nhiên, tuỳ từng điều kiện cụ thể, ông Nghĩa nói, các sở GD&ĐT có thể kéo dài thời gian cho thí sinh có thể rà soát thông tin đăng kí dự thi của mình để đảm bảo độ chính xác của dữ liệu nhưng vẫn đảm bảo tiến độ chung và không ảnh hưởng tới các đơn vị (sở GD&ĐT) khác.
Để rà soát được Thông tin đăng kí dự thi của mình trên phần mềm quản lý thi, thí sinh phải có “password” để truy cập phần mềm. Nếu đến thời điểm này các em chưa được nhận “password” các em cần liên hệ với đơn vị nhận hồ sơ đăng kí dự thi để biết.
Theo thống kê của trường THPT Việt – Đức, Hà Nội, con số bước đầu có 2.900 lượt đăng ký dự thi các môn học trên tổng số 656 học sinh. Trong đó, 3 môn Toán, Văn, Anh được học sinh chọn thi đầy đủ; mặc dù là trường tốp đầu của Hà Nội nhưng THPT Việt – Đức cũng có một số học sinh không thi ĐH. Môn thi thí sinh chọn thi nhiều nhất là Vật lý với 432 người chọn thi; Hóa học: 234; Sinh học: 48; Lịch sử: 47; Địa lý: 196. Có 2 thí sinh thi đủ 8 môn và một số ít thí sinh chọn thi 7 môn.