Tối 11/1, ngay khi có tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, giới đầu tư chứng khoán không khỏi lo lắng, hiệu ứng domino sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu bất động sản. Không ít nhà đầu tư bày tỏ trăn trở về việc đặt sẵn lệnh ATO bán cổ phiếu bất động sản ngay phiên sáng hôm sau.
Lo lắng của nhà đầu tư là có cơ sở, khi nhìn vào những lùm xùm ở cổ phiếu FLC, và lãnh đạo tập đoàn, giá cổ phiếu lao dốc 3 phiên “không phanh”. Không chỉ những cổ phiếu của doanh nghiệp có dự án tại Thủ Thiêm và khu vực lân cận (CII, NBB, PDR, DXG) giảm giá, hàng chục mã như HAR, SJF, DIG, ITA, TDH, DRH, QCG, IDI, TCH, SCR, CRE, LDG… nằm sàn la liệt, trắng bên mua. Thanh khoản của nhóm này sụt giảm đáng kể, khi lệnh bán chất chồng, mà không có người mua.
Nhiều cổ phiếu bất động sản lao dốc |
Trong nhóm cổ phiếu có dự án tại khu vực Thủ Thiêm, kết phiên CII, NBB giảm hết biên độ, trong khi DXG thu hẹp đà giảm đáng kể, đóng cửa chỉ mất 1,8%, còn PDR giảm 2,8%. Lượng dư bán sàn CII “khủng” nhất nhóm bất động sản – gần 20 triệu cổ phiếu. Vừa qua, CII ghi nhận chuỗi phiên tăng trần liên tục, chỉ qua 1 tháng, cổ phiếu này tăng giá gần 90%.
Cũng trong nhóm bất động sản, bất chấp sóng ngành, nhiều cổ phiếu thời gian qua gần như dậm chân tại chỗ cũng bị tác động từ vụ hủy cọc đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh như NLG, IJC…, tháng qua chỉ tăng khoảng 2-4%, hôm nay lại chìm trong sắc đỏ.
Đáng chú ý, cổ phiếu công ty thành viên của Tân Hoàng Minh là CTCP Tổng Bách Hóa (TBH) lại không có biến động gì trong phiên hôm nay. Lý do, cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần. Ngày 11/8/2021, HNX thông báo cổ phiếu TBH bị hạn chế giao dịch vì lý do doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu, căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã được kiểm toán.
TBH thời gian liên tiếp tăng trần trong bối cảnh tình hình doanh nghiệp hết sức khó khăn. Năm 2020, TBH lỗ lũy kế hơn 417 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 381 tỷ đồng.
Tính từ ngày đầu tiên giao dịch (13/8), đến nay TBH đã tăng giá 1.733%. TBH hiện có giá 104.500 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch khiêm tốn do cơ cấu cổ đông rất cô đặc. Phần lớn cổ phần công ty này thuộc về thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh – CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh (96,65%). Ban lãnh đạo cấp cao của TBH cũng giữ các vị trí quan trọng tại Tân Hoàng Minh.
Ở chiều ngược lại, trụ đỡ cho thị trường hôm nay là nhóm ngân hàng, VN30. VN30-Index đóng cửa tăng hơn 30 điểm với các trụ BID, GAS, TCB, CTG, HPG, MBB, VPB, TPB, STB. Trong đó, BID, TPB và STB được kéo lên mức giá trần, HDB, SHB, MSB, VIB tăng trên 5%.
Nhóm chứng khoán cũng giao dịch khởi sắc, với khoảng 20 mã tăng giá. CTS tăng trần, các mã đầu ngành như SSI, VND đều tăng hơn 4%.
Nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC ngày 10/1 nhận được thông báo hoàn tiền
Trưa nay 12/1, nhiều nhà đầu tư chứng khoán cho biết đã nhận được thông báo từ công ty chứng khoán (CTCK), về việc huỷ kết quả khớp lệnh mua đối ứng cổ phiếu FLC phiên 10/1. Trước đó, Sở GDCK TPHCM (HoSE) cũng thông báo huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết.
Đóng cửa phiên hôm nay, cổ phiếu “họ” FLC vẫn nằm sàn la liệt. Thanh khoản tăng không đáng kể so với kết phiên sáng, FLC dư bán sàn hơn 38,6 triệu cổ phiếu, ROS còn hơn 73 triệu cổ phiếu nằm sàn. So với phiên thanh khoản kỷ lục hôm qua, khối lượng giao dịch của FLC hôm nay giảm tới 98%.
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đang chia sẻ ảnh chụp tin nhắn thông báo từ CTCK, điều chỉnh thông tin giao dịch chứng khoán ngày 10/1 với mã FLC.
Theo thông báo từ CTCK SSI, căn cứ công văn 436/VSD-TTBT.NV của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) về việc điều chỉnh thông tin giao dịch chứng khoán ngày 10/01/2022 với mã FLC, SSI xin thông báo sẽ huỷ kết quả khớp lệnh mua đối ứng mã FLC.
Nhà đầu tư chia sẻ trên các diễn đàn chứng khoán |
Thông báo cũng nêu rõ khối lượng cổ phiếu bị huỷ khớp lệnh, và giá trị giao dịch được hoàn tiền. SSI thông báo, tiền sẽ được hoàn trên tài khoản nhà đầu tư vào hôm nay 12/1.
Một số nhà đầu tư đã nhận được thông báo huỷ giao dịch cho biết, ngày 10/1, họ đã đặt lệnh mua cổ phiếu FLC trong phiên chiều.
Sáng 12/1, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo VSD cho biết, bên mua đối ứng 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết là 19.628 tài khoản, với tổng số 36.000 nghìn giao dịch. Từ chiều qua 11/1, VSD đã tiến hành bóc tách, xử lý dữ liệu của số giao dịch này, đảm bảo trong ngày hôm nay chuyển dữ liệu cho các CTCK tiếp tục xử lý.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,2 điểm (1,22%) lên 1.510,51 điểm, nhờ lực kéo của nhóm vốn hoá lớn, các mã ngân hàng. HNX-Index giảm 7,97 điểm (-1,65%) xuống 473,64 điểm. UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,31%) xuống 114,19 điểm.
Thanh khoản thị trường tương đương phiên trước, thanh khoản của nhóm ngân hàng gia tăng đáng kể, dòng tiền trở lại với VN30. Khối ngoại mua ròng hơn 500 tỷ đồng, tập trung ở nhóm bất động sản KBC, KDH, DXG, VHM...