Cổ phần hóa 'siêu tốc' tại Cienco 1: Người lao động lãnh hậu quả

Mới đây, một số lao động tại công ty của Cienco1 kéo tới trụ sở tổng công ty căng biển đòi lương và nợ bảo hiểm xã hội Ảnh: Dương Hưng
Mới đây, một số lao động tại công ty của Cienco1 kéo tới trụ sở tổng công ty căng biển đòi lương và nợ bảo hiểm xã hội Ảnh: Dương Hưng
TP - Dù chưa xử lý xong các vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội và chế độ cho người lao động của các công ty con, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã vội vàng chốt sổ để thoái vốn nhà nước tại Công ty mẹ - Tổng Cty Công trình giao thông 1 (Cienco1).

Vì thế, 6 năm qua, hơn 130 lao động mất việc mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ, cũng không biết quy trách nhiệm cho ai. Bộ GTVT tiếp tục xin Nhà nước hỗ trợ, dù trước đó, Phó Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu không đẩy trách nhiệm lên nhà nước.

Mòn mỏi chờ đợi

Giữa tháng 7 vừa qua, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Hồng Trường bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021. Do những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian ông Trường giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) Bộ GTVT.

Trong thời gian ông Trường làm Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Bộ GTVT (nhiệm kỳ 2011-2015) cũng là lúc Bộ GTVT thực hiện thoái vốn nhà nước tại DN mạnh mẽ nhất. Một số thiếu sót tới nay vẫn chưa thể khắc phục được. Điển hình là câu chuyện của 133 lao động dôi dư tại 3 công ty con thuộc Cienco1 tới nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ mất việc làm.

Tháng 6/2013, Bộ GTVT vội vàng chốt trị giá của Cty mẹ - Cienco1 để thực hiện thoái vốn (thoái hết vốn nhà nước vào cuối năm 2013), bất chấp việc chế độ cho người lao động chưa giải quyết xong. Khi Cienco1 đã hoàn toàn về tay tư nhân, vẫn còn rất nhiều lao động tại các công ty con của DN này thuộc diện dôi dư (mất việc làm) chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội, tính toán và thanh toán tiền hỗ trợ thất nghiệp.

Do đó, cuối năm 2014, Bộ GTVT phải có văn bản xin Thủ tướng sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trung ương hỗ trợ 12,4 tỷ đồng để giải quyết chế độ cho lao động dôi dư  tại 5 công ty con thuộc Cienco1. Dù theo quy định, số tiền này nếu các công ty con  không có nguồn trả, Cienco1 sẽ phải trích từ Quỹ sắp xếp DN của chính tổng công ty để chi trả, thay vì đẩy lên trung ương.

Đặc biệt, văn bản trên của Bộ GTVT vẫn để “sót” thông tin về 3/7 công ty con của Cienco1, với tổng số 133 lao động dôi dư; số tiền cần phải có để giải quyết chế độ cho số lao động này là hơn 5,4 tỷ đồng. Trong đó, Cty Đường 126 (nay là Cty CP 16 - Cienco1) có 38 lao động, với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng để hỗ trợ mất việc; Cty Xây dựng công trình 136 (nay là Cty CP Xây dựng công trình 15 - Cienco1) có 30 lao động cần hơn 831 triệu đồng; Cty CP Đường bộ 230 (Cienco1) có 65 lao động cần hơn 2,89 tỷ đồng giải quyết chế độ. 

Từ đó tới nay, đã 6 năm trôi qua, những người lao động này vẫn chưa nhận được đồng hỗ trợ nào. Số tiền này theo quy định, trước khi cổ phần hóa Cty mẹ - Cienco1 đã phải được tính toán, trích lập và chi trả cho người lao động. Được biết, ngoài 3 công ty trên, hiện Cienco1 còn một số công ty con nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động.

Không biết xử ai, lại xin Nhà nước gánh thay

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đinh Văn Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Cienco1 cho biết, đơn vị đã có nhiều văn bản báo cáo giải trình Bộ GTVT về tồn tại, vướng mắc của 3 công ty trên vào tháng 10/2017. Tuy nhiên, vì lãnh đạo, cán bộ liên quan tại các DN này đã nghỉ hưu, chuyển công tác nên khó xử lý trách nhiệm.

Về lý do chậm giải quyết chế độ cho người lao động tại 3 công ty trên, theo ông Thanh, công ty 126 và 136 thời điểm cổ phần hóa bị âm vốn, phải chuyển nợ thành vốn góp, nợ thuế, bảo hiểm xã hội... Còn Cty 230, khi chuyển từ Tổng cục Đường bộ sang Cienco1 cũng âm vốn nhà nước, chuyển nợ thành vốn góp và cũng nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội. Khi 3 đơn vị chốt được sổ bảo hiểm xã hội để tính chế độ cho người lao động dôi dư thì Quỹ sắp xếp DN của tổng công ty đã tính vào giá trị DN.

Thậm chí, Cty mẹ - Cienco1 đã thoái hết vốn nhà nước. Do đó không còn nguồn tài chính để giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư tại 3 DN trên. Chậm trễ này một phần cũng do lãnh đạo và các cán bộ tại 3 DN trên thiếu kinh nghiệm, chưa nắm bắt hết chính sách cổ phần hóa, thiếu phối hợp với Bộ GTVT...

Về kiểm điểm trách nhiệm, theo ông Thanh, Cienco1 từng tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm cá nhân, tổ chức liên quan (như Ban chỉ đạo cổ phần hóa Cienco1, Ban chỉ đạo cổ phần hóa 3 đơn vị trên). Tuy nhiên, nhiều cán bộ đã nghỉ hưu, chuyển công tác nên xử lý trách nhiệm cũng khó khăn.

Một nguyên lãnh đạo Cty 230 (xin giấu tên) cho biết, khi thực hiện cổ phần hóa, đơn vị này đã báo cáo và được Bộ GTVT phê duyệt chế độ cho lao động dôi dư. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã không thực hiện chuyển tiền để đơn vị này chi trả cho người lao động. Từ đó tới nay, những lao động đã nghỉ vẫn mòn mỏi chờ đợi chưa biết tới khi nào mới nhận được tiền hỗ trợ.

Để có 5,4 tỷ đồng giải quyết chế độ cho 133 lao động dôi dư thuộc 3 công ty trên, cuối năm 2016, Bộ GTVT lại có văn bản xin Thủ tướng sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trung ương hỗ trợ thêm lần nữa. Ngày 22/2/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về vấn đề trên. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu Cienco1 sử dụng nguồn lực của mình để giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư. Đặc biệt, Bộ GTVT phải rút kinh nghiệm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc bộ, không đẩy trách nhiệm của các doanh nghiệp cho Nhà nước.

Dù vậy, thay vì yêu cầu Cienco1 (đã hoàn toàn là DN tư nhân) thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ GTVT tiếp tục có các văn bản xin Thủ tướng sử dụng Quỹ hỗ trợ và sắp xếp DN trung ương hỗ trợ. 

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, sự việc trên diễn ra đã lâu, một số người đã nghỉ hưu, chuyển việc nên ông cũng không nắm rõ chi tiết. Về xử lý trách nhiệm, theo ông Công, Cienco1 hiện là tư nhân hoàn toàn, cán bộ, lãnh đạo đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Do đó, các đơn vị đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, thống nhất kế thừa trách nhiệm giải quyết. Các đơn vị cũng cam kết khi nhận tiền từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trung ương (hơn 5,4 tỷ đồng), sẽ trả đầy đủ cho lao động, nếu có phát sinh vượt số tiền trên các đơn vị sẽ chi trả. Do vậy, Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo phương án cổ phần hóa các đơn vị thành viên của Cienco1 được Bộ GTVT phê duyệt, vào tháng 11/2013, Cty 126 – Cienco1 âm vốn nhà nước hơn 76 tỷ đồng, 38 người phải nghỉ việc (lao động dôi dư), số tiền giải quyết chế độ cho những lao động này là hơn 1,7 tỷ đồng; Cty 136 – Cienco1 âm vốn nhà nước hơn 54 tỷ đồng, cần hơn 831 triệu đồng giải quyết chế độ cho 30 người phải nghỉ việc. Với Cty 230 - Cienco1, âm vốn nhà nước hơn 48 tỷ đồng, cần hơn 2,9 tỷ đồng để giải quyết chế độ cho 65 người mất việc.

MỚI - NÓNG