Biến hóa nhiều khu đất vàng
Kết quả kiểm toán năm 2018 vừa công bố, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, trong giai đoạn 2013- 2017, thành phố Hà Nội đã hoàn thành cổ phần hóa 57/60 doanh nghiệp, trong đó đã quyết toán, bàn giao 44 doanh nghiệp sang công ty cổ phần. Tuy nhiên, một bất cập chung được chỉ ra là, hầu hết các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đáng lưu ý trong quá trình thực hiện chủ trương này, UBND thành phố đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoặc bổ sung mục đích sử dụng đất không đúng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Điển hình là khu đất 38.155,9 m2 tại 423 Minh Khai của Công ty Cổ phần Dệt Minh Khai; khu đất 2.746,9 m2 tại số 358 đường Láng của Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại quốc tế; khu đất 2.001 m2 số X3 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội của Công ty TNHH MTV 19/12 Hà Nội.
Tại khu đất 4.184 m2, thuộc Lô 2 - E9 đường Phạm Hùng của Công ty TNHH MTV Hanel, UBND thành phố cũng không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ tiền thu bán cổ phần lần đầu và thoái vốn, dẫn đến dấu hiệu thất thoát 313 tỷ đồng. Trong đó, tiền thu được từ cổ phần hóa Nhà máy Dệt Minh Khai 39,6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội 179 tỷ đồng; tiền thoái vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Dệt Minh Khai 19,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần HBI 75 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại khu đất vàng 152 Thụy Khuê của Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê, còn tình trạng sử dụng quyền thuê đất trả tiền hàng năm để góp vốn liên doanh không đúng quy định tại điều 111, Luật Đất đai 2003. Đã vậy, UBND thành phố Hà Nội còn cho phép Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê hợp tác, liên doanh trong khi liên doanh đã thành lập và đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để hợp thức hóa cho việc góp vốn không đúng quy định. Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, khu đất vàng 152 Thụy Khuê ban đầu được giao cho Công ty Giầy Thụy Khuê quản lý, làm trụ sở. Tuy nhiên, sau đó công ty này đã mang lô đất trên cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình lập liên doanh để triển khai dự án “Khách sạn văn phòng giao dịch và cho thuê”.
TP HCM tạm dừng cổ phần hóa
Tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, KTNN cũng đánh giá, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước năm 2017 còn chậm. Trong đó nhiều đơn vị còn chưa thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, như tại Tổng công ty Thanh Lễ có 4/6 công ty; Công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP (EVN); Công ty CP Đầu tư UDIC, Công ty CP UDIC Kim Bình (UDIC)...
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp như Công ty mẹ - VNPT, Công ty mẹ - VNPost, Handico, MobiFone; Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh - HFIC còn chậm thoái vốn ra khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ. Đặc biệt, các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh đều đang tạm dừng cổ phần hóa, thoái vốn. Hay như SCIC mới chỉ thực hiện bán vốn được 41/114 doanh nghiệp, không đạt kế hoạch đề ra.
Cũng theo KTNN, còn một số đơn vị chưa xây dựng đề án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó còn tình trạng chưa kịp thời nộp tiền thu từ cổ phần hóa, như Tổng công ty Thanh Lễ tiền thu từ cổ phần hóa 1.675 tỷ đồng, lãi phát sinh 71 tỷ đồng, Tổng công ty Thép Việt Nam, tiền thu từ cổ phần hóa phải nộp 399 tỷ đồng...
KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách; rà soát hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 160 văn bản; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm.