Có nên cho thi tự luận môn Ngoại ngữ?

Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa cho biết, tiếp thu ý kiến của nhiều chuyên gia, Bộ dự định đưa phần tự luận vào đề thi Ngoại ngữ. Hiện Bộ vẫn tiếp tục lắng nghe góp ý để cân nhắc và thông báo vào giữa tháng 3. Trong khi đó, hiệu trưởng một trường dân lập nhận xét nếu dự kiến thay đổi hình thức thi môn Ngoại ngữ là quá đột ngột.

Trước đó, chiều 9/9/2014, ông Phạm Ngọc Phương, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án đổi mới căn bản thi cử, trong đó các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, thí sinh thi tự luận với thời gian 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Giáo dục công bố quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh lại cho biết dự kiến môn Ngoại ngữ bên cạnh phần trắc nghiệm sẽ có thêm phần thi tự luận. Rất nhiều học sinh và phụ huynh thể hiện sự băn khoăn với thay đổi bất ngờ này. 

DSC-4640-4452-1425551452.jpg

Nhiều giáo viên cho rằng cần bổ sung phần tự luận vào thi môn Ngoại ngữ. Ảnh minh họa: Quý Đoàn.

Vốn tập trung học khối A ngay từ khi vào lớp 10, không có nhiều thời gian dành cho những môn khác nên Ngoại ngữ luôn là nỗi lo đối với Hoàng Thanh Hà (Quỳnh Phụ, Thái Bình). "Em dịch Ngoại ngữ khá hơn viết nên nếu thi trắc nghiệm sẽ có lợi thế hơn. Với quy định được Bộ Giáo dục thông báo năm ngoái, em lại càng tập trung rèn bài tập trắc nghiệm. Giờ Bộ lại bảo thêm phần thi tự luận trong khi thời gian chỉ còn 3 tháng để ôn bổ sung, mà rất nhiều môn thi khác cũng cần phải học khiến em rất lo lắng", Hà tâm sự.

Cùng nỗi lo này, hiệu trưởng một trường dân lập ở quận Đống Đa (Hà Nội) nhận xét, dự kiến thay đổi hình thức thi môn Ngoại ngữ là quá đột ngột. Nhiều tháng qua, giáo viên tiếng Anh của trường đã tập trung ôn tập cho học sinh phương pháp cũng như các dạng bài thi trắc nghiệm.

"Tự luận là phần khó, học sinh không thể tiếp thu trong ngày một ngày hai. Bây giờ trường thiết kế thêm chương trình ôn tập cho học sinh dạng bài này e rằng kết quả cũng không cao. Vì thế, nếu Bộ quyết định thi thêm tự luận, chúng tôi sẽ mạnh dạn khuyên những em có học lực trung bình trở xuống bỏ qua phần bài thi này, và tập trung tổ chức ôn thi cho những em khá, giỏi", vị hiệu trưởng chia sẻ.

Bên cạnh những ý kiến băn khoăn thì nhiều học sinh, giáo viên ngoại ngữ bày tỏ sự đồng tình với phương án này. Lan Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trong quá trình học em đã được thầy cô dạy viết tự luận nên không quá bất ngờ nếu đề thi có phần này. Tuy nhiên, so với các dạng đề khác, tự luận yêu cầu cao hơn nên Lan Anh đã chủ động điều chỉnh, tăng thêm giờ tự học viết luận và nhờ thầy cô hỗ trợ thêm.

Trưởng phòng Đào tạo Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Hà Lê Kim Anh cho rằng bổ sung vào đề thi Ngoại ngữ phần tự luận là phù hợp với mục tiêu tìm kiếm học sinh có khả năng ngoại ngữ và tư duy tốt. Phần thi tự luận chỉ chiếm phần rất nhỏ nên chỉ có tác dụng chọn lọc chứ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả thi của thí sinh.

"Khi học trong trường phổ thông, song song với học từ vựng, các em vẫn được học ngữ pháp, viết luận... Vì vậy, nếu nói là bất ngờ thì không đúng vì luận vẫn là thi viết, các em đã làm quen rồi. Nếu bổ sung thi nghe, nói để tuyển sinh vào đại học thì lúc này các em mới sốc, vì đây là điểm yếu nhất của học sinh Việt Nam hiện nay", cô Kim Anh nói.

Theo vị trưởng phòng đào tạo thì có thể khi sát đến thời điểm thi, lại nghe thông báo thay đổi nên học sinh lo lắng. Tuy nhiên, về cơ bản đề thi vẫn là học gì thi nấy, nên cô Kim Anh khuyên học trò bình tĩnh để ôn thi cho tốt.

Cũng cho rằng thi luận là hoàn toàn bình thường, đã được áp dụng trong các đề thi Ngoại ngữ từ lâu, thầy Nguyễn Việt (Đại học Ngoại ngữ) cho rằng cần thiết bổ sung dạng bài thi tự luận vào đề thi. Thầy phân tích, viết bài tự luận thể hiện khá toàn diện khả năng tư duy ngôn ngữ bằng ngoại ngữ, mức độ nhuần nhuyễn về vận dụng kiến thức ngữ pháp, độ rộng về từ vựng, kiến thức về tu từ và khả năng tư duy logic trong cách cấu tứ bài viết của thí sinh. Vì vậy, bài tự luận cho cái nhìn tổng thể hơn về trình độ của thí sinh.

"Bên cạnh đó, các dạng đề thi chứng chỉ quốc tế đều có phần tự luận nên Việt Nam bổ sung nội dung này cũng phù hợp với kết cấu đề thi thông thường của thế giới. Trước đây, khi bỏ phần này đi tôi cũng thấy không hợp lý", thầy Việt nói.

Mang câu chuyện này hỏi ý kiến sinh viên của mình, thầy Việt thu được kết quả bất ngờ. Học trò của anh cho biết, trước đây vì chỉ luyện thi trắc nghiệm, không luyện diễn đạt, nên khi lên đại học các em bị yếu về môn viết. Vì thế, sinh viên cho rằng cần bổ sung thêm tự luận. Còn phần nghe, nói, vì hiện nay đề thi không có nên cơ bản là học sinh, sinh viên bị yếu. 

Trao đổi với phóng viên chiều 5/3, Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa cho biết, dự định đưa phần tự luận vào đề thi cũng là tiếp thu ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, nhằm chọn lọc những thí sinh có năng lực vào đại học. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến để cân nhắc và thông báo chính thức trong hướng dẫn thi được công bố vào khoảng giữa tháng 3", ông Nghĩa cho hay.

Năm 2014, thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh có phần tự luận chiếm 2,5 điểm, còn lại là trắc nghiệm. Đề thi đại học tiếng Anh lại chỉ có 80 câu trắc nghiệm.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG